Tới Ladakh, du khách sẽ được đi trên con đèo cao nhất thế giới, cưỡi lạc đà băng qua cồn cát Hunder, ngắm tu viện cheo leo tựa vào vách núi, đặc biệt là đắm chìm vào cảnh đẹp ngất ngây.
Ladakh (Ấn Độ) là miền đất của những con đèo ngút trời với độ cao hơn 4.000 m. Khí hậu nơi đây khá đặc trưng, cứ lên cao 100 m, nhiệt độ lại giảm khoảng 0,6 độ C, 1.000 m là 6 độ C. Vì vậy mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4 rất khắc nghiệt. Các con đường được phủ kín bởi băng tuyết, đèo bị đóng cửa, không đi được, các hồ nước cũng đóng băng. Thông thường, thời gian này hiếm du khách đến Ladakh. Đất đai chôn vùi dưới tuyết trong những tháng mùa đông.
Ladakh nổi tiếng với các thung lũng thơ mộng, đẹp nhất phải kể đến như Nubra valley, Markha, Zanskar, Dha-Hanu… Nubra là thung lũng đẹp nhất, nơi chắc chắn phải có trong hành trình của bạn. Cung đường đến đây, ngoài việc phải đi qua con đèo cao nhất thế giới, chiêm ngưỡng cảnh đẹp ngất ngây trên đường đi, bạn còn có cơ hội cưỡi lạc đà trên cồn cát Hunder, ngắm tu viện cheo leo trên những vách núi...
Vào tháng 5, 6, khi vùng đất này dần ấm lên cũng là lúc các du khách bắt đầu ghé đến Ladakh. Lượng khách du lịch đến đây đông trong các tháng 6, 7, 8 và giảm dần vào cuối tháng 9, đặc biệt là vào tháng 10, bởi nhiệt độ giảm dần về 0 độ C. Đầu tháng 10, tuyết rơi ở nhiều nơi, đến tháng 11, băng giá bắt đầu xuất hiện ở Ladakh.
Tuy nhiên, Ladakh lại là món quà tuyệt đẹp cho những người dám ghé thăm vào khoảng tháng 9 đến tháng 10. Lúc này, những sắc màu của mùa thu đẹp mê mải với lá vàng, đỏ, xanh, tuyết trắng, nắng vàng, trời xanh và lạnh. Nhưng vào khoảng thời gian này, du khách cũng cần xác định rõ tinh thần sẽ phải "trả giá" nếu chẳng may tuyết rơi, các con đèo bị cấm, hoặc phải chờ đợi qua cơn bão tuyết bởi việc bay về Dehli cũng cũng không hề dễ dàng.
Được biết, đoàn đi trước chúng tôi khoảng 3 ngày đã gặp phải tình cảnh đó, họ không thể qua đèo cao nhất. Một nhóm khác cũng rơi vào tình trạng hoãn chuyến, không thể bay về Dehli. Còn chúng tôi là những người rất may mắn, trở về đúng lịch trình, gặp đủ thứ mà mình mong muốn.
Sốc độ cao khi đến Ladakh
Để an toàn du ngoạn ở độ cao là điều rất quan trọng. Nếu ai đó không có sự chuẩn bị tốt sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí tính mạng khi di chuyển ở độ cao từ 3.000-5.000 m.
Một thành viên của đoàn khác cũng từ Việt Nam (ở cùng khách sạn với chúng tôi tại Leh) kể lại trong cơn bàng hoàng, sau khi phải cấp cứu vì sốc độ cao rằng chị đã phải ở lại khách sạn 4 ngày và phải dùng tới 3 bình oxy. "Chưa bao giờ đầu chị đau đến vậy. Nôn, ói, mệt là cảm giác kinh khủng chị đã phải trải qua. Thật sự, điều chị tâm niệm duy nhất lúc đó là nếu xảy ra chuyện gì bất trắc, chị sẽ được trở về Việt Nam ngay lập tức".
Trước khi lên đường, tôi đã nghiên cứu khá kỹ điều này. Tôi nhận thấy các trường hợp bị shock độ cao đều là những đoàn bay thẳng đến Leh ở độ cao 3.600 m, rồi đi và vận động. Họ thậm chí không nghỉ ngơi hoặc không uống thuốc.
Một người có kinh nghiệm khuyên chúng tôi rằng nếu bay thẳng đến Leh, bạn hãy để một ngày đầu nghỉ ngơi, ngày hôm sau đi nhẹ, nói khẽ cười duyên, đi thăm thú quanh Leh sẽ giữ gìn sức khoẻ, tránh ảnh hưởng đến toàn đoàn.
Chính vì vậy, chúng tôi đã có một quyết định bước ngoặt khác hoàn toàn nhiều đoàn trước đó là đi dần từ thấp lên cao với các chặng bay tới Srinagar 1.700 m, Kargil 2.800 m rồi tới Leh 3.600 m. Thật tuyệt vời, cả đoàn không ai bị shock độ cao.
Leo núi tuyết ở độ cao 5.000 m tìm thiết bị bay
Khi chuẩn bị tới con đường đèo cao 5.400 m (17,688 ft), một trong 3 con đèo cao nhất ở Ladakh, cả đoàn vào một nhà dân du mục nghỉ ngơi, tôi liền mang flycam ra bay để chụp ảnh. Thật không may khi đang mải mê sáng tác các tấm hình từ trên cao, chiếc "máy bay" của tôi bỗng mất quyền điều khiển, bị block và hạ cánh tự do trên núi.
Đây là ngày gần cuối của hành trình, bao dữ liệu chụp và quay đều nằm trong đó cả. Chút hy vọng le lói trong tôi là vị trí chiếc flycam nằm có định vị nên có thể tới được. Tuy nhiên, trước mắt tôi là một vách núi dựng đứng. Vừa ngán ngẩm, hụt hẫng, xen chút bực mình, nhưng nghĩ đến công sức bao ngày thực hiện, tôi quyết tâm tự mình leo vách núi đó với địa hình hiểm trở, nhiều đoạn dựng đứng, phải bò lên.
Dù đeo găng đầy đủ, song tiết trời giá lạnh khiến tay tôi cóng buốt, cộng thêm việc bị những cây gai nhỏ cắm chi chít là một cảm giác không thể quên được trong hành trình khám phá của tôi.
Thế rồi trời không phụ lòng người, cuối cùng, tôi cũng tìm được chiếc flycam. Khoảnh khắc ôm chiếc máy ảnh vào trong lòng thật tuyệt vời, bao mệt nhọc trong tôi tan biến với niềm vui sướng tột độ. Trên đường xuống núi, tôi mới có thể bình tĩnh lại để chụp một kiểu ảnh kỷ niệm.
Lúc này, tôi bắt đầu để ý xung quanh và chợt nhận ra rằng, trước đó, vì lo lắng, mệt mỏi, tôi đã bỏ qua biết bao quang cảnh đẹp đẽ tựa thiên đường nơi đây. Phải những lúc thực sự thảnh thơi, một mình tận hưởng khoảng trời bao la, lạnh giá xen chút ánh nắng cùng bầu không khí trong lành tuyệt đối nơi đây, tôi mới có thể biết được rằng, thế giới bao la rộng lớn có những nơi tuyệt vời đến nhường này.
Nơi đây có những đàn chim sống trên núi cao, hót véo von, có những loài cây khoe sắc màu rực rỡ giữa tuyết lạnh... Khi nhìn thấy chiếc ôtô của đoàn nhỏ như hạt thóc phía dưới vách núi, tôi mới có cảm giác yên tâm. Lên xe đi được vài trăm mét, tôi có thời gian nghỉ ngơi, tĩnh tâm và phục hồi sức lực sau chặng đường gian nan tìm kiếm "người bạn đồng hành" không thể bỏ lại. Quả là một lần lên đỉnh khiến tôi nhớ cả đời!
|
Chiếc ôtô của đoàn bé như hạt thóc phía dưới là lúc tôi hoàn hồn sau khi leo núi tuyết tìm flycam. |
Làng du mục cao nhất thế giới
Bạn đã nghe đến Pashmina với những chú cừu và dê sống ở nóc nhà của thế giới? Sản phẩm từ làng du mục Korzok này chính là một trong những nguồn cung cho những người dệt truyền thống từ Kashmir. Pashmina là một trong những sản phẩm đắt tiền khiến cuộc sống của những người tại làng du mục khấm khá lên nhiều, dù sự sang trọng hay tốn kém không phải phong cách sống của họ.
Tên ngôi làng Korzok có nghĩa là "giữa núi" và đó là một địa điểm tuyệt vời để tận hưởng cảnh quan hồ xanh Tso Moriri. Ở đây có một tu viện khoảng 500 tuổi. Tu viện này có quy định phạt tiền cho bất kỳ ai hút thuốc quanh làng hay kể cả hành vi uống và bán bia rượu ở đây. Do vậy, chúng tôi đã vào trong nhà kín để uống bia và liên hoan thịt dê mua tới tự nướng.
Các cánh đồng của làng là một trong những vùng đất làm nông nghiệp cao nhất thế giới (khoảng 4.600-4.800 m). Trong mùa hè, họ trồng lúa mạch, yến mạch và rau cải.
Dân làng có khoảng 8 tháng xa cách thế giới xung quanh do tuyết rơi. Cách duy nhất để đi lại trong mùa đông là đi bộ hoặc cưỡi ngựa. Chúng tôi đến đây vào dịp đầu tháng 10, thời điểm chuẩn bị đến mùa băng giá, chiều tối cho đến sáng cực kỳ lạnh với nhiệt độ trung bình khoảng âm 2-4 độ C.
Sự quyến rũ ở địa danh này đã thôi thúc tôi sáng sớm dậy và đi bộ quanh làng, leo lên đỉnh núi sau làng để ngắm bình minh. Thật đen đủi khi tôi quên găng tay, chụp hình được 2-3 phút lại phải cho tay vào túi áo, rất tê tái.
Buổi sáng sớm đi dạo ở quanh làng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chú chó lông xù, cuộn tròn ngủ bên lề đường. Đôi lúc tôi tự nhủ, chúng ngủ thật tài tình trong giá rét. Đây là những chú chó rất tinh khôn người dân huấn luyện để chăn dê và cừu.
Người dân nơi đây sống hòa mình với thiên nhiên và yêu quý động vật. Tôi từng thấy cảnh sáng sớm, họ dắt đàn cừu, dê, vừa đi vừa hát như thể biểu diễn để cho chúng nghe vậy.
Tất cả cảm nhận của tôi về nơi này là một cuộc sống tự do tràn ngập những niềm hạnh phúc giản dị. Những con người sống như không vướng bận bất cứ điều gì. Điều duy nhất gắn kết họ với thế giới chính là tình yêu thiên nhiên trong sáng, vô điều kiện. Một buổi sớm dậy, bạn sẽ vỡ òa bởi tận cùng của bình yên trong cảnh đẹp đầy mê hoặc.
Đến đây, tôi mới hiểu họ không chỉ dân du mục làm nông nghiệp ở nơi cao nhất thế giới mà còn là người yêu chính bản thân mình nhất. Có lẽ mỗi tuần, bạn hãy để một khoảng thời gian, không máy tính, không điện thoại, không tivi để có những giây phút cho chính bản thân và những người thân yêu của mình.
Và người dân nơi đây cũng cho rằng không có tấm vải che tử thi nào có túi cả, Không ai có thể mang theo tiền tài, vàng bạc hay danh tiếng mà nhiều kẻ đã đau khổ giành giật, tranh đấu suốt cả một đời.
Hồ thiêng dưới chân dãy Himalaya
Một trong những điểm đến cuối cùng của chúng tôi là hồ Pangong, với chiều dài khoảng 135 km, có đoạn hẹp và rộng hàng km. Độ sâu hồ ước chừng khoảng 60 m. Hồ trải dài qua biên giới hai nước Ấn Độ và Trung Quốc.
Hồ không chỉ đẹp, mà là rất đẹp. Nước trong xanh và rất nhiều màu sắc như cô gái đẹp một cách kiêu sa mà rất đỏng đảnh, đổi màu và lung linh theo thời tiết và ánh nắng mặt trời. Có mặt ở đây, bạn sẽ có cảm giác mình chơi đùa với biển ở độ cao 4.300 m. Đây là một trong những hồ nước lợ lớn nhất khu vực dãy Himalaya cũng như châu Á và là một trong những hồ nước mặn cao nhất thế giới.
Hồ Pangong trước là nước ngọt, dần thành mặn theo thời gian do đây là hồ không có dòng chảy đi đâu cả. Trong hồ có khoảng 5 hòn đảo, lớn nhất là đảo Chim, nơi có rất nhiều loài chim sinh sống. Tuy nhiên, du khách đến đây chỉ được tham quan một phần rất nhỏ do nhiều yếu tố. Bạn có thể khám phá hồ cho đến làng Spangmik.
Hồ Pangong rất thiêng với nhiều người theo Phật pháp. Họ tới đây nhiều và di chuyển cũng rất khỏe. Những người đó ở cùng khách sạn với tôi tại Leh mà đi từ sớm tới hồ làm lễ rồi tối lại trở về. Cung đường này tôi nhẩm tính cũng khoảng 350 km. Hồ thiêng này mang theo một truyền thuyết về ngài Liên Hoa Sanh, người truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Khi bị thiêu sống, ngài chuyển giàn hỏa thiêu thành hồ nước lạnh giá và cùng người vợ tâm linh ngồi trên hoa sen ở giữa.
Nhưng với tôi, vẻ đẹp của hồ này được tôn lên rất nhiều, như một thiên đường ở trần gian bởi cung đường tới đây ấn tượng và đẹp mê hoặc. Những đèo cao nhất thế giới phủ tuyết trắng, những dòng suối uốn lượn đẹp mê tơi giữa thung lũng bằng toàn cỏ. Xung quanh, những đàn dê, ngựa hay bò thư thái gặm cỏ.
Không những thế hồ này còn mang vẻ đẹp lãng mạn đến không ngờ, tôi không ngạc nhiên khi bối cảnh nơi đây xuất hiện trong phim Ba chàng ngốc của điện ảnh Ấn Độ.
Chuyến khám phá Ladakh của tôi kết thúc trong những ngày sau đó. Đến bây giờ, mọi cảm xúc trong tôi dường như vẫn còn vẹn nguyên. Một hành trình đầy gian truân nhưng là cơ hội để tôi có thể khám phá thiên đường trong mơ, nơi mà nếu chưa từng đặt chân tới, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được sự tuyệt diệu của thiên nhiên!
Zing.