Nhắc đến địa danh Cái Mơn, người ta nghĩ ngay đến một loại trái cây nổi tiếng trong và ngoài nước đó là loại sầu riêng cơm vàng, hạt lép có hương thơm ngào ngạt – Sầu riêng Cái Mơn.
Theo truyền miệng, xuất xứ của loại quả lạ này là từ Campuchia, do ông Nguyễn Duy Lưu (1857- 1947) một thầy Nho học ở Cái Mơn. Khoảng năm 1910 ông được mời sang Campuchia để dạy học cho con các Hoàng gia. Tình cờ ông thưởng thức được loại trái lạ, có mùi vị rất đặc trưng. Khi ăn thì vị ngọt thanh kết hợp với mùi thơm lừng làm những ai lần đầu tiên thưởng thức cũng phải nhớ mãi không quên. Ông Lưu đưa giống cây lạ này về trồng trên mảnh vườn nhà tại Cái Mơn – Bến Tre, và đặt tên là “ sầu riêng sữa bò”.
Thu hoạch sầu riêng ở Cái Mơn
Sầu riêng sữa bò của ông Lưu chỉ cho trái vào mùa hè, vào tháng 5, đến tháng 7 dương lịch. Trái khi chín vẫn xanh ngắt, mỏng vỏ, gai thưa, khi chín múi lớn vàng ươm, có vị ngọt dịu và béo ngậy như sữa, hương thơm thì ngào ngạt. Tiếng đồn về một giống trái ngon có vị lạ bay xa, đến mùa thu hoạch, nhiều người trong và ngoài tỉnh Bến Tre hiếu kỳ tìm đến vườn ông Lưu để thưởng thức trái lạ và xin giống về trồng. Hiện nay tại Việt Nam có gần 60 giống sầu riêng được lai tạo từ giống sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine...được trồng nhiều ở các tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Vĩnh Long,... nhưng vẫn không có giống sầu riêng nào ngon hơn sầu riêng Cái Mơn. Chính nhờ hương thơm đậm đà đó mà sầu riêng còn được sử dụng làm hương liệu trong chế biến thực phẩm.
Trái sầu riêng Cái Mơn ngày nay nhờ vào những tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho năng suất rất cao. Cây cho trái quanh năm, trái to và sai, một cây thu hoạch mỗi vụ gần cả tấn. Trái sầu riêng Cái Mơn nặng trung bình từ ba đến năm ký, mỗi trái có từ bốn đến năm ngăn, khi tách vỏ ra, bên trong mỗi ngăn có từ một đến bốn múi, múi vàng sậm màu mỡ gà, cơm dầy hạt lép, vị ngọt gắt béo ngậy của nó thì đến người sành ăn cũng chỉ dùng năm bảy múi là phải dừng lại.
Các nhà vườn ở Cái Mơn chăm sóc sầu riêng
Để đảm bảo tính ổn định cho giống sầu riêng Cái Mơn, các nhà vườn đã áp dụng nhiều cách lai tạo như chiết, ghép cây, nhân giống bằng phương pháp vô tính... nhưng giữ được những đặc tính nguyên thủy của cây mẹ còn có khả năng tăng năng suất và kháng sâu bệnh tốt.
Trải qua hơn 100 năm, từ một giống sầu riêng rất khiêm tốn của ông giáo Lưu nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng “ sầu riêng Cái Mơn”, có uy tín trên thị trường cả nước, được đánh giá cao về chất lượng, hơn hẳn các giống sầu riêng Monthong Thái Lan, hay sầu riêng ruột đỏ của Mã Lai... về vị ngọt, hương thơm cũng như số lượng múi của trái.
Sầu riêng Cái Mơn đã có mặt ở ĐBSCL - ảnh Bá Thi
Cái Mơn là một trong những địa phương đi đầu trong việc tổ chức cho nông dân ra nước ngoài học tập mô hình sản xuất và nhân giống cây. Chính nhờ vào những hiệu quả kinh tế cao của cây sầu riêng mà đời sống người dân Cái Mơn – Chợ Lách hiện nay ngày càng được phát triển.
Nguồn : Baoanhdatmui