Thung lũng rộng nằm ngay dưới chân dãy núi Phu Nhọ Khọ, nơi có dòng Nậm So, Nậm Lùm uốn mình bồi đắp tít tận miệt Phong Thổ (Lai Châu) có tên gọi Vàng Pheo, thuộc xã Mường So. Đó là mảnh đất hiền lành của hơn 400 đồng bào dân tộc Thái trắng hội tụ, tạo nên những sắc thái văn hoá đặc trưng vùng Tây Bắc.
Ngược dòng thời gian đi tìm điệu xoè…
Những thiếu nữ dân tộc Thái say mê trong điệu múa quạt truyền thống |
Chúng tôi có mặt vào ngày cả bản Vàng Pheo đang nô nức chuẩn bị cho lễ hội Nàng Han lớn nhất vùng. Tại nhà sàn văn hoá bản Vàng Pheo, chị Lò Thị Đối, chủ tịch hội phụ nữ Mường So cho biết, truyền thuyết về nàng Han được đồng bào người Thái kể mãi như câu chuyện bà Trưng, bà Triệu của người Kinh. Vàng Pheo chính là nơi nàng được sinh ra, lớn lên cùng với các trò chơi dân gian và công việc nương rẫy. Khi là thiếu nữ, nàng vô cùng xinh đẹp đảm đang, thường dạy người dân kéo sợi, dệt vải, giúp đỡ người nghèo. Rồi giặc xâm lược, nàng Han cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng khắp các bản tập hợp, đoàn kết đánh giặc. Nàng được người dân bản tin cậy tôn làm nữ tướng. Ðến một ngày dẹp tan quân giặc, nàng trở về mó nước đầu bản, trút bỏ xiêm y đắm mình trong dòng nước xanh mát của quê hương, sau đó bay về trời. Tưởng nhớ công ơn nàng, nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ và tổ chức lễ hội hàng năm. Sau nhiều năm chiến tranh ly loạn, miếu thờ đã đổ, lễ hội đứt đoạn, song nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, lễ hội Nàng Han được phục dựng từ năm 2007.
Lễ hội Nàng Han gồm sáu bài tế lễ do các thầy mo đảm nhiệm. Ðặc biệt, trong lễ hội có tới 32 bài múa dân gian của người Thái. Những người hát múa trong lễ hội được tuyển chọn từ các cô gái trẻ trong bản, luyện tập công phu.
Ngất ngây Vàng Pheo
Đêm, trời Tây Bắc điểm sao, trăng treo đỉnh núi, các sơn nữ đội xoè Vàng Pheo tay nắm chặt tay, váy đen xúng xính, chân bước uyển chuyển theo tiếng tính tẩu véo von, tiếng trống gõ nhịp nhàng ở sân nhà văn hoá. Vừa múa, các sơn nữ vừa cất lên tiếng hát da diết gọi bạn tình.
Những câu hát gọi bạn càng về khuya càng thêm nồng, điệu xoè càng uyển chuyển. Tan hội, chị Lò Thị Thín, đội trưởng đội văn nghệ Vàng Pheo kể, xưa, chỉ vào dịp lễ hội, trai mường trên, gái bản dưới mới xoè vòng, xoè hoa cùng nhau. Hội kéo dài mấy ngày thì có bấy nhiêu đêm lửa sáng. Đó cũng là dịp để trai gái làm quen, bắt chuyện rồi con trai đến nhà con gái xin ở rể, lên nương cùng nhau tới khi nhà gái cho phép mới thành vợ chồng. Nay, không cố định, những đêm xoè có thể tổ chức bất cứ lúc nào du khách yêu cầu bởi Vàng Pheo đã trở thành điểm du lịch cộng đồng.
Mặc dù vậy, chị Thín không giấu nỗi lo lắng khi những nghệ nhân xoè của bản như Mào Văn Phên, Mào Thị Phương đã ở tuổi xưa nay hiếm, còn lớp trẻ chỉ biết nói tiếng Thái chứ không biết hát Thái, trong khi đội văn nghệ Vàng Pheo được coi là nổi tiếng bậc nhất Lai Châu cũng chỉ có hơn 20 người, múa hát được tám bài, đa số là những bài mới sáng tác, kinh phí hoạt động không có, chủ yếu phụ thuộc vào sự nhiệt tình của người dân.
Chia tay Vàng Pheo cùng nhiều băn khoăn, khi gà gáy chuyển canh. Tiếng bước chân xa dần theo những lối mòn về bản. Trước khi để khách phương xa rời bước, nhiều chủ nhà vẫn nằng nặc mời khách uống thêm vài chén rượu giao tình.
Nguồn : SGTT