Là vùng đất nơi người ta có thể sống với một trái tim thuần khiết, nơi mà lòng nhân từ và đạo lý khôn ngoan trị vì và nơi con người không phải chịu đau khổ, nghèo túng hay tuổi già. Thiên đường trần thế Shangri-la, nơi con người bất tử liệu có tồn tại thật sự?
Thiên đường huyền thoại bí ẩn
Shambhala trong tiếng Phạn có nghĩa là “nơi nghỉ ngơi” hoặc “chốn bình yên”. Nó đề cập đến một thiên đường huyền thoại được nhắc đến trong các văn bản cổ xưa, như Kalachakra Tantra và văn bản của nền văn hóa Zhang Zhung có trước Phật giáo Tây Tạng ở Tây Tạng.
Theo truyền thuyết, đây là vùng đất nơi người ta có thể sống với một trái tim thuần khiết, nơi mà lòng nhân từ và đạo lý khôn ngoan trị vì và nơi con người không phải chịu đau khổ, nghèo túng hay tuổi già.
Shambhala được mô tả như miền đất của ngàn tên gọi. Nó được gọi là miền Đất Cấm, miền đất của Nước Trắng, miền đất Tâm linh chói sáng, miền đất của Ngọn lửa vĩnh cửu, vùng đất những vị thần bất tử, vùng đất của những điều tuyệt vời… Người Hindu gọi nó là Aryvartha (Vùng đất của những người xứng đáng); người Trung Quốc gọi nó là Hsi Tien, Thiên đường phía Tây của Hsi Wang Mu; còn đối với những cựu tín đồ Nga, nó được gọi là Belovoyde. Nhưng khắp châu Á, nó được biết đến nhiều hơn với tên là Shambhala, Shamballa, hoặc Shangri-la.
Huyền thoại về Shambhala đã có từ hàng ngàn năm, chủ đề về miền đất huyền thoại này có thể tìm thấy trong nhiều văn bản cổ. Những bản viết của Đạo Bon nói về một vùng đất hẹp nối liền với vùng đất của con người, được gọi là Olmolungring. Những văn bản Hindu như Vishnu Purana đề cập đến Shambhala là nơi sinh ra Kalki, hiện thân cuối cùng của thần Vishnu, người sẽ công bố một thời kỳ vàng son mới. Huyền thoại Phật giáo về Shambhala là một sự cải biên của huyền thoại Hindu trước đó. Tuy nhiên, văn bản đầu tiên nói về Shambhala một cách rộng rãi là Kalachakra.
Đối với một số người, thực tế Shambhala chưa bao giờ được tìm thấy, có một giải thích rất đơn giản – nhiều người nghĩ rằng Shambhala nằm ở rìa của thực tại, như một cây cầu nối thế giới này với một thế giới khác ở phía bên kia.
Trong khi một số cho rằng Shambhala như một chủ đề tuyệt vời về huyền thoại và truyền thuyết, thì một số khác lại coi nó như một niềm tin đang thúc giục một cuộc hành trình nội tâm, để một ngày tìm thấy vương quốc này.
Thiên đường trần thế, nơi con người bất tử liệu có tồn tại thật sự…
Nếu bạn là một fan trung thành của series phim Xác ướp Ai Cập, hay đã từng đọc qua tiểu thuyết Lost Horizon (Đường chân trời đã mất) của nhà văn James Hilton thì hẳn là cái tên Shangri-La không hề xa lạ.
Shangrila không phải thiên đường nơi hạ giới như nhiều người đã lầm tưởng như trong tiểu thuyết Lost Horizon. Trên thực tế, Shangri-La là "giai điệu cao vút" vang vọng trên thảo nguyên bao la, là hình ảnh tuyệt đẹp về miền đất hạnh phúc, là những lời niệm gửi gắm nhiều ước nguyện về một cuộc sống tốt đẹp.
Vùng đất Shangri-La hoàn toàn có thật, tuy nhiên việc người bất tử thì chỉ là những câu văn miêu tả giả tưởng của nhà văn James Hilton mà thôi. Shangri-La là một thung lũng nằm ở Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, gần với Tây Tạng.
Quay ngược về lịch sử
Ban đầu, vùng đất này có tên là Zhongdian County. Mãi cho tới năm 2001, với một chiến dịch phát triển du lịch, nâng tầm vùng đất này lên, chính quyền địa phương mới đổi tên thành Shangri-La, dựa nhiều vào những điểm tương đồng về địa danh trong câu chuyện của James Hilton.
Shangri-La nằm trong một cao nguyên cao hơn 3.300m so với mực nước biển, bao quanh bởi những ngọn đồi xanh tươi tốt, hồ nước tuyệt đẹp, không khí trong lành. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của một bộ phận không nhỏ những người Tây Tạng, nơi tọa lạc của rất nhiều danh thắng, đền chùa, tu viện Phật giáo…
Khí hậu ở Shangri-La chỉ có thể miêu tả trong một từ “hoàn hảo”. Tới đây, du khách có thể trải nghiệm không khí mát mẻ, dễ chịu, cũng như tận hưởng cảm giác rõ rệt về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong đó, giai đoạn mùa thu, giữa tháng 10 tới giữa tháng 11 là lúc Shangri-La lung linh nhất với thảm động thực vật đa dạng và rực rỡ sắc màu. Trong khi đó, mùa đông ở nơi này rất khô, lạnh, thậm chí nhiệt độ có thể xuống dưới mức 0 độ C.
Đến Shangri-La nơi nào không thể bỏ lỡ?
Đến Shangri-La, không thể không chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh Kawagarbo - đỉnh núi cao nhất tỉnh Vân Nam. Nó được đặt theo tên của một vị thần chiến binh và nằm trong danh sách những ngọn núi linh thiêng nhất của dòng Phật giáo Tây Tạng. Mỗi năm, Kawagarbo thu hút tới 20.000 tín đồ hành hương, đi bộ khoảng 240km gian khổ để tới được đây.
Dãy Meili
Bên cạnh đỉnh Kawagarbo, du khách đến với Shangri-La có cơ hội trải nghiệm cảm giác như ở trên thiên đường thật sự nếu tham quan dãy Meili. Dãy núi này gồm khoảng 20 đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa quanh năm, trong đó có 6 đỉnh cao tới hơn 6.000m.
Một đặc trưng địa lý khác của Shangri-La chính là hẻm núi hình móng ngựa ngoạn mục này. Dòng sông Mêkông chảy vòng xung quanh ngọn núi qua năm tháng đã vô tình tạo nên một cảnh sắc thật sự đáng kinh ngạc.
Hồ Napahai
Trên con đường đi từ núi Meili về thị trấn Shangri-La, chúng ta sẽ bắt gặp một hồ nước nông trên núi: hồ Napahai.
Hồ nằm ở độ cao 3.266m, ba mặt bao quanh đều là núi. Mùa đông, hồ hoàn toàn biến mất và trở thành đồng cỏ chăn thả gia súc, chỉ khi hè đến, mưa nhiều, Napahai mới lại xuất hiện.
Công viên quốc gia Pudacuo
Shangri-La còn nổi tiếng với công viên quốc gia Pudacuo. Đây là khu vực rộng khoảng 1.300km2 và là công viên quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc. Hiện nó là nơi cư trú của 20% các loài cây khác nhau, 1/3 lượng chim, động vật có vú, cùng 100 loài quý hiếm trên toàn lãnh thổ nước này.
Trung tâm Phật giáo
Không hổ danh nếu nói Shangri-La đồng thời cũng chính là một trung tâm Phật giáo. Nằm trên một sườn núi cao 3.380m, tu viện Gadain Sumzanling là Tu viện dòng Phật giáo Tây Tạng lớn nhất ở Vân Nam, Trung Quốc. Nó được xây dựng năm 1679, hiện là nơi sinh sống của 700 tu sĩ và Lạt ma.
Nếu có cơ hội một lần đến nơi đây, bạn nhớ tận hưởng trọn vẹn từng giây phút ở "thiên đường" này nhé!