Từ khi bắt đầu đón giao thừa cho đến hết ngày mồng 3 Tết, mọi công việc nội trợ đều chuyển giao cho người đàn ông thực hiện. Trong ngày Tết cổ truyền, người Nùng Dìn có phong tục làm mâm lễ cúng gia tiên sáng mồng một, cúng thổ địa sáng mồng hai và sáng mồng ba hoá vàng tiễn các ông tổ bà tiên. Các buổi sáng, người làm lễ đều phải thức dậy làm sớm trước khi trời sáng.
Phụ nữ Nùng Dín |
Mặc dù công việc bếp núc vất vả so với đàn ông, nhưng những người cha, người chồng, người con trai đều tự giác làm việc theo sự bố trí người nào việc ấy, không hề nhờ vả sự giúp đỡ của phụ nữ mà để cho các bà mẹ, người vợ, người con gái ngon say trong giấc ngủ êm đềm. Thậm chí khi làm mâm cúng (mổ gà, nấu cơm, thái thịt và chế biến các loại thức ăn…) cũng đều làm rất nhẹ nhàng, khe khẽ tránh động đến giấc ngủ các "bà hoàng".
Khi làm lễ cúng xong thì đun nước nóng, pha nước vào chậu rửa mặt (hoặc rửa chân) "kính cẩn" mời những người phụ nữ trong gia đình dậy đánh răng, rửa mặt, rửa chân rồi mặc quần áo mới ngồi vào mâm ăn cỗ. Khi xếp mâm và ngồi ăn cỗ các bà mẹ, bà vợ, con gái không phải ra vào sắp thức ăn. Trong lúc ăn, kể cả có khách người phụ nữ cũng chỉ rót nước, rượu và gắp thức ăn mời, không phải phục vụ cơm nước. Khi cho lợn, gà ăn, người phụ nữ cũng không phải làm mà do chồng và con trai đảm nhận.
Ban ngày, các phụ nữ diện quần áo mới đi chơi thoả thích, không phải về nhà lo cơm nước buổi chiều. Buổi chiều nào trong 3 ngày Tết cũng vậy, người đàn ông đều tự nấu cơm rồi tìm phụ nữ về ăn uống, đun nước nóng mời các bà mẹ, bà vợ, con gái (cháu gái) rửa chân tay trước khi đi ngủ. Tất cả các loại gia súc, gia cầm (trâu, ngựa, lợn, gà…) trong 3 ngày Tết đều do các đấng nam nhi đảm nhiệm! Có thể nói trong 3 ngày Tết nguyên đán, phụ nữ trong các gia đình dân tộc Nùng Dín ở Lào Cai được nghỉ ăn chơi thoải mái, rũ bỏ mọi lo toan làm lụng vất vả ở đời tựa như các "bà hoàng" của vua chúa trước đây.
Thời gian tuy ngắn ngủi chỉ có 3 ngày, nhưng việc cho phụ nữ nghỉ ngơi ăn chơi như "bà hoàng" trong 3 ngày Tết trọng đại của dân tộc có ý nghĩa rất to lớn thể hiện sự tôn vinh, trân trọng vai trò người phụ nữ trong gia đình. Đây là một nét ứng xử văn hoá đẹp mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của người Nùng Dín. Tuy nhiên, hiện nay tập quán này đã bị mai một, chỉ còn lác đác ở một số nơi vùng sâu, vùng xa đối với những gia đình khá giả, có đông con nhiều cháu giúp việc.
Theo dulichvn