Việt Nam trải qua 4.000 năm văn hiến, là những tầng trầm tích văn hoá kết nối và tồn tại đến nay. Chừng ấy thời gian của một đất nước là bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, từ chiến tranh, chia cắt cho đến thống nhất, hoà bình.
Cũng trong chừng ấy quãng dài thời đại, nét văn hoá trang phục người Việt không ngừng phát triển, phù hợp với phong tục tập quán cũng như thị hiếu riêng có. Cùng với áo tứ thân, năm thân, áo dài tồn tại đến thời hiện đại nay, phổ biến, đặc trưng hơn cả.
Chưa có văn bản chính thức nào kết luận về nguồn gốc và sự hình thành của tà áo dài Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là bước phát triển từ áo tứ thân và áo năm thân của người Việt xưa. Nhưng một số văn bản khác, ví như nghiên cứu của Bảo tàng Áo dài (TP.HCM), lại cho rằng áo dài là một nhánh trang phục riêng biệt với dấu tích xuất hiện trong các ghi chép và di vật cổ.
Nhưng dù cho áo dài có nguồn gốc và quá trình hình thành cụ thể thế nào, trang phục này vẫn chắc chắn phát tiết từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Việt, mang trên đó vạn nét duyên dáng không trùng với bất cứ quốc phục nền văn hoá nào khác, và là điệu hồn dân tộc.
Là chút tình tứ người con gái Việt, áo dài mỗi phương lại điểm chút hương đồng nội cỏ riêng có của xứ ấy. Huế, khúc ruột miền Trung luôn mặn nồng chất tình đượm cả nội đô, có cho mình những tà áo dài thướt tha duyên dáng bóng hình người con gái Việt và cũng da diết chất tình riêng người con xứ Huế.
Tinh khôi tà áo nữ sinh
Đẹp nhất mà nói có lẽ là tà áo trắng những cô nữ sinh Đồng Khánh xứ Huế đã đi vào thơ ca và nhớ nhung miền thanh xuân xưa của bao chàng trai.
“Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa
Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò
Nữ sinh Đồng Khánh qua đò
Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi…”.
Trích "Nữ sinh Đồng Khánh", Mai Văn Hoan.
Áo dài nữ sinh từ xưa đến nay vẫn chung thuỷ sắc trắng tinh khôi như tâm hồn những cô gái tuổi trăng tròn. Tà áo dù chiết eo hay không vẫn tôn lên dáng vẻ thanh thoát, duyên dáng người thiếu nữ.
Lạ thay một điều, dù trường phổ thông cả nước hầu hết đều quy định tà áo dài trắng cho ngày đầu tuần đến trường, những nữ sinh xứ Huế khi khoác lên mình nét duyên này vẫn không thể lẫn vào ai khác.
Phải chăng bởi lẽ ngôi trường Đồng Khánh hay Quốc học luôn đặc trưng bởi sắc đỏ son hồng trên những mảng tường, làm nổi bật ánh trắng tà áo nữ sinh? Hay bởi giọng những cô gái xứ Huế luôn ngọt ngào chất riêng “Răng mờ cứ theo tui hoài rứa?” (Đồng Khánh ngày xưa - Mường Mán) khiến tà áo cũng mượt mà theo câu chữ? Cũng có lẽ điều gì ở trên mảnh đất này, đều đượm hương trong mình chất tâm tình riêng của Huế...
Huế và tà áo dài - cung nhạc đồng điệu trên sông Hương
Giữa trầm tích nền văn hoá xứ Huế qua những kinh thành xưa cũ, tà áo dài Việt đồng điệu một nhịp hát xưa và nay.
Kinh đô Huế trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại và khẳng định nét đẹp xưa trong ngày nay hiện đại.
Tà áo dài trắng của người con gái Huế cũng đệm cùng một câu ca khi đi cùng chiều dài lịch sử đất nước, thầm lặng kinh qua nhiều thăng trầm biến cố, để nay là trang phục đại diện cho dân tộc, vừa mang nét truyền thống, vừa hiện đại biến tấu lẹ làng cùng thời cuộc.
Kinh thành Huế, lăng Minh Mạng, bờ Nam Đại Nội… tĩnh lặng trong màu gạch đỏ và lớp rêu vệt xám vệt đen, như một bức hoạ lịch sử đang an yên ngấm màu thời gian. Tà áo dài thướt tha, da diết, gợn cơn gió nhẹ thức giấc cả một miền lịch sử.
Là một phần không thể thiếu của thành phố hiện đại, kinh thành cùng những đền đài, lăng tẩm, chùa chiền từ thời đại nhà Nguyễn, nằm ở trung tâm thành phố hay rải rác xung quanh ngoại thành, là phần hương hồn của Huế. Nơi đây đem đến chớp hình của một thành phố uy nghi, cổ kính với cung điện vàng son, đền đài miếu vũ lộng lẫy, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch.
Kinh thành Huế tồn tại đến nay hơn hai thế kỷ từ năm 1802. Trong 143 năm đương vị cùng nhà Nguyễn, là chốn phồn hoa năng động, cũng là nơi chứng kiến khói lửa, chiến chinh. Và nơi đây cũng là trung tâm văn hoá lúc bấy giờ của đất nước.
Một trong những dấu mốc quan trọng của văn hoá trang phục áo dài Việt là khi chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn thứ 8 ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Từ đó, chiếc áo dài trên đất Huế được chú trọng và trân quý.
Cũng có lẽ bởi vậy mà tà áo dài với Huế nay hợp và hài hoà một cảm xúc riêng cho nhau đến vậy.
Quẳng đi chút màu thời gian, chỉ còn trắng đen cho hiện tại, tà áo dài và Huế hoà điệu với nhau trong chỉ điệu hồn dân tộc. Người con gái trong tà áo Việt duyên dáng, dịu dàng, đằm thắm với những đức tính chính chuyên mẫu mực của hồn hương dân tộc, trong khung cảnh tĩnh tại của thời gian và không gian.
Màu đen trắng không làm mất đi vẻ tinh khôi đặc trưng vốn có của sắc áo và nét áo, mà còn khắc sâu hơn đường nét chân dung người con gái Huế.
Sông Hương vì lẽ nào mà hợp với tà áo dài đến lạ?
Như Hoàng Phủ Ngọc Tường từng ví, sông Hương là “người con gái dịu dàng của đất nước”, là cô gái thầm kín đưa một tiếng “vâng” không lời của tình yêu bằng dòng nước uốn mình nhẹ nhàng lúc vào đất nội đô.
Nhà văn ấy dành nỗi trân quý riêng cho “điệu chảy lặng lờ của sông Hương” khi ngang qua thành phố... “Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”.
Người con gái sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường thướt tha, dịu dàng và tình tứ như thế! Với tính cách ấy, có tà áo nào hợp với "nàng" hơn dải lụa áo dài, có màu sắc nào đẹp hơn cho "nàng" sắc trắng ráng hoàng hôn.
Dòng sông Hương chảy nhẹ, êm ả như chất lụa in trên tấm áo dài trắng nhẹ thinh không. Cũng chỉ những tà áo dài mới đưa ca Huế trên dòng sông Hương thăng hoa cùng đất trời.
Sông Hương và tà áo dài như nét duyên đời ghép đôi riêng cho Huế.
Những đêm trăng tròn, mảnh trăng in mình trắng ngần trên mặt sông thinh lặng. Ánh cả đôi tia sáng vào tấm áo những cô gái tuổi đôi mươi lặng lẽ trên gánh thuyền, đang gửi đôi điều nguyện ước vào ngọn đèn hoa đăng thắp sáng sông Hương ngày rằm.
Huế và tà áo dài trắng thướt tha quả là những câu ca đồng điệu một chiều trên sông Hương.