Rời quốc lộ 1A, rẽ về hướng đông 10km, qua đò ngang nơi cửa sông Trường Giang là đến xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ngoài cửa sông, còn lại biển với làng, nơi lâu nay người ta quen gọi là làng chài Tam Hải.
Dừa ở đây cao vút bạt ngàn che kín đến nỗi dường như nắng cũng không thể lọt qua kẽ lá chiếu xuống những con đường làng quanh co, làm cho không khí nơi này trở nên mát lạnh. Hàng trăm năm qua, người dân Tam Hải sống dưới “ngôi nhà xanh” này nên còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa của người dân làng chài.
Rừng dừa Tam Hải |
Một góc gành đá Bàn Than |
Lễ cầu Ngư cũng là lễ tế cá Ông thường diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm |
Cả dải đất miền Trung, có lẽ không nơi nào có một nghĩa địa cá Ông lớn với hàng trăm ngôi mộ như ở đây. Trong đó có những mộ chôn xác cá Ông lớn gần cả trăm tấn. Một điều kỳ lạ khi cá Ông lụy đều về Bãi Bắc và được người dân nơi này làm nghi lễ an táng như một ân nhân của họ. “Khi cá Ông lụy, với trọng lượng cả trăm tấn không thể khiêng vào nghĩa địa an táng được, dân làng tự nguyện đốn tre đan mành dùng dây, cây dìm ông xuống biển, cho đến khi nào thịt rã hết còn lại xương mới làm lễ an táng”, – ông Lê Tỉnh, 77 tuổi, cư dân của làng tâm sự! Và nghĩa địa cá Ông đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm, vào 20 tháng Giêng âm lịch, dân làng thường làm lễ cúng tế cá Ông để cầu cho trời yên biển lặng.
Cá Ông lụy dạt vào Tam Hải |
Những bậc cao niên trong làng Tam Hải thắp hương viếng nghĩa địa cá Ông |
Ở Tam Hải có gành đá Bàn Than dài hơn 1km là một thắng cảnh rất đẹp vẫn còn nguyên sơ. Các loại hải sản sống quanh gành là nguồn tài nguyên dồi dào cho cư dân mưu sinh, như: hải sâm, bào ngư, các loại ốc… Đặc biệt, đến tháng 3 hàng năm, người dân của làng khai thác rong mơ, một loại rong dùng để chế biến thức uống giải khát và là nguồn nguyên liệu cho ngành đông dược… Ông Nguyễn Đức Thư, người chuyên khai thác rong cho biết: “Khai thác từ tháng 3 đến tháng 5, gia đình tôi thu khoảng 8 tấn có trị giá hơn 50 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm rong được thương lái đến thu mua và bán lại cho Trung Quốc”.
Thu gom rong mơ (rong nho), một loại sản vật biển có giá trị kinh tế cao, để xuất khẩu |
Giếng Chăm cổ của làng Tam Hải |
Cuối làng Tam Hải còn có lăng miếu cổ xưa và đặc biệt là hai giếng nước, dân làng gọi là giếng Chăm. Vào mùa khô hạn mực nước của giếng vẫn giữ nguyên nên hàng ngàn hộ dân nơi này vẫn không lo về thiếu nước sinh hoạt. Ngạc nhiên hơn, hai giếng này nước rất trong, nhờ đó mà Tam Hải nổi tiếng về nghề nấu rượu gạo. Rượu ở đây ngon nhất vùng, nên du khách đến tham quan ngoài mua hải sản khô còn mua thêm cả rượu về làm quà.
Bình minh trên Bãi Bắc – Tam Hải |
Cầu vồng trên biển Tam Hải |
Biển giáp làng, ngư dân có thể đánh bắt lúc nào cũng được, sau một giờ đem về 5 - 10kg hải sản đang sống rất hấp dẫn. Dưới rừng dừa mát rượi, ngư dân đãi khách bằng cách đốt gáo dừa lấy than nướng cá, tôm, mực, hàu….
Ông Huriez Claude Arthur cùng với đoàn du khách Pháp đã được thưởng thức hải sản nướng tại đây và rất cảm động về tình cảm chân thành của từng người dân đối với đoàn. Ông tâm sự: “Tôi và những người bạn đến Việt Nam lần này có chương trình về thăm Tam Hải. Con người và phong cảnh nơi này đẹp lắm, giống như hòn đảo Bora Bora của nước Pháp chúng tôi”.
Nguồn : VNP