Từ lâu, mùa tát đìa luôn đọng lại kỷ niệm đẹp trong ký ức của những người con lớn lên từ làng quê, nhất là những người xa xứ. Mùa nắng, khoảng trước và sau Tết Nguyên đán, khi mực nước trong các ao, đìa, mương rạch vơi đi nhiều, cũng là lúc vào mùa tát đìa.
Tát đìa - một đặc trưng của người dân miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng.Bắt được cá to.Chuyển cá từ đìa vào nhà.Làm cá.Thật thú vị khi thưởng thức món cá lóc nướng rơm thơm ngon ngay khi được bắt lên khỏi đìa.
Tát đìa, thu hoạch cá đồng sinh trưởng tự nhiên trong những ao, đìa, mương rạch là hình ảnh rất dễ bắt gặp vào mùa khô ở miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng. Trước đây, người dân thường tát bằng gàu, dùng sức người là chính. Nay, để đỡ mất thời gian và công sức, người dân thường tát bằng máy bơm. Với nguồn cá đồng phong phú, sinh trưởng tự nhiên, vào mùa tát đìa, ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời… bắt được những con cá lóc nặng từ 1 - 1,5kg là chuyện thường. Ở thôn quê, hầu như nhà nào cũng có ao đìa, nên đến mùa tát đìa, tình làng nghĩa xóm cũng thêm thắt chặt qua việc “vần công”, giúp nhau thu hoạch cá.
Sau khi thu hoạch, cá thường được phân loại, bán ngay cho thương lái hoặc “rọng” lại phục vụ bữa ăn hằng ngày, làm mắm hoặc phơi khô để dành ăn dần, tặng biếu bà con, họ hàng...
Con cá đồng, đặc biệt là cá lóc vào mùa tát đìa, đem nướng rơm, ăn với muối ớt cay, mùi vị thơm ngon, nhớ mãi không thôi.
Nguồn : baoanhdatmui