Người Xá Phó còn được gọi là Phù Lá, Lao Pạ, Lao Mạ, Bồ Khô Pạ, Bồ Khô Mạ... ở Lào Cai sống tập trung chủ yếu ở một số xã: Phú Nhuận, Gia Phú (Bảo Thắng); Kim Sơn (Bảo Yên), Nậm Sài (Sa Pa); Hợp Thành (thành phố Lào Cai).
Họ có đời sống kinh tế gắn liền với sản xuất nông nghiệp, bởi vậy đã hình thành nên một tập quán riêng trong đời sống hàng ngày với nhiều nét văn hóa mang đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó Tết cơm mới là một nghi lễ truyền thống mang đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp của người Xá Phó.
Đối với người Xá Phó, tết cơm mới là một nghi lễ rất quan trọng để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình, cộng đồng có vụ mùa bội thu. Khi các cánh đồng lúa đã ngả màu, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới, các gia đình trong làng chọn lấy một ngày tốt, ngày đẹp để tổ chức ăn tết cơm mới.
Theo phong tục của người Xá Phó, ngày tổ chức ăn tết cơm mới, gia đình cử một người phụ nữ đi cắt lúa mới, thường là người vợ của chủ nhà. Người vợ sẽ dậy sớm hơn mọi khi, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương cắt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi. Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi việc đi cắt lúa mới không chỉ đơn thuần là cắt lúa mang về nhà mà đây là nghi thức đón hồn lúa về nhà, nên mọi công việc đều diễn ra một cách bí mật. Khi cắt lúa, lúa mặt phải quay về hướng đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở. Đến sáng hôm sau, họ mới mang những cum lúa mới xuống giã thành gạo nấu cơm mới để cúng tổ tiên. Tuy nhiên, trước khi đồ cơm, hoặc đồ xôi, gia đình phải vào rừng tìm lấy một bắp chuối rừng, một nắm quả cà dại, một ít cát ở dưới suối mang về nhà. Ngày gia đình ăn tết cơm mới, toàn bộ thóc gạo cũ của gia đình đều được đem cất đi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ với ý nghĩa để đón hồn lúa mới về. Gạo được đồ chín, sau đó bỏ ra các sàng lót lá chuối bên dưới để chuẩn bị cho nghi lễ thờ cúng.
Lễ vật trong lễ cơm mới được bày thành hai mâm, một mâm cúng ma nhà được đặt ở mép cửa và một mâm cúng trời đất được đặt ở ngoài sàn. Trên mâm cúng tổ tiên gia đình đặt một gói xôi, một gói cơm tẻ, một đĩa thịt gà, một gói cát, một gói hoa chuối, một gói cà xanh, hai ống nứa đựng rượu, chén uống rượu, bát đũa, hai cuộn chỉ dùng để buộc vào tay với ý nghĩa là lộc cho anh em về ăn tết với gia đình. Ngoài ra, họ còn mang một bộ quần áo mới, cùng khăn, các đồ trang sức, vòng bạc... treo gần đó. Sau khi đồ lễ được bày xong, thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống, ngồi trước bàn thờ tổ tiên, bàn thờ trời đất cúng gọi các đời tổ tiên, các vị thần về ăn tết cơm mới với gia đình và cầu mong tổ tiên, các vị thần phù hộ cho gia đình được may mắn. Tiếp đó là đến nghi thức trao lộc cho anh em về dự lễ. Ăn cơm xong, chủ nhà rót ba lần rượu, mọi người đều phải uống hết ba lần để làm "lý" rồi được tự do mời, chúc tụng nhau. Ai biết hát, biết thổi sáo thì hát, nhất là khi màn đêm đã về khua, chất men làm cho mọi người trở nên thăng hoa hơn, họ cùng thi thố tài năng qua các bài hát, điệu nhạc, trai gái cầm tay nhau xòe quanh bếp lửa rồi cùng nhau nâng chén rượu, cầu chúc cho gia đình những lời tốt đẹp nhất, chúc cho cây trồng, mùa vàng bội thu, gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nguồn : Báo Lào Cai