Mùa xuân về những chàng trai, cô gái H'Mông Pà Cò xuống đường thổi khèn, đánh quay, chơi pao để thể hiện tài năng trước các cô gái. Các thiếu nữ dân tộc có vẻ đẹp đầy đặn và tự nhiên như bông hoa rừng khoe sắc giữa trời xuân.
Tết ở Pà Cò
Chúng tôi về xã Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình) vào những ngày này đâu đâu cũng thấy sắc trắng của hoa mận, màu đỏ dịu của những cành đào và đặc biệt là những làn khói tỏa ra từ những mái nhà sàn, từ những đụn giấm ven đường, trên đồi.
Pà Cò nằm cheo leo trên các núi đá cao và ẩn mình dưới màn sương mù dày đặc, trắng xóa, hai bản người Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) là hai xã sâu xa nhất của tỉnh miền núi này. Mùa xuân về mang theo những đợt mưa phùn bay bay vương nhẹ trên cỏ cây và quần áo khiến mặt đường trở nên lầy lội. Điều đó không làm nản lòng những chàng trai Mông xuống đường thổi khèn, đánh quay, chơi pao để thể hiện tài năng trước các cô gái. Các thiếu nữ dân tộc có vẻ đẹp đầy đặn và tự nhiên như bông hoa rừng khoe sắc giữa trời xuân. Đứng thành từng nhóm bên đường "khoe váy", các cô e ấp và ngại ngùng giấu ánh mắt cùng nụ cười duyên sau lưng bạn mỗi khi bắt gặp cái nhìn đầy tình tứ từ các chàng trai đang có ý với mình.
Hoa mận khoe sắc đón một mùa xuân mới.
Tết đến, núi rừng thay đi "bộ cánh" cũ còn con người thì mặc những chiếc áo, váy tự tay thêu dệt. Mỗi năm, họ chỉ có một bộ quần áo mới để mặc tết. Bộ trang phục này được thêu trong suốt một năm và hoàn thành vào dịp cuối năm. Váy của các thiếu nữ Mông có nhiều loại nhưng chủ yếu có hai màu chủ đạo, xanh và đỏ. Những đường thêu cẩn thận và tỉ mỉ trên váy chứng tỏ cô gái rất khéo tay. Cô nào cầu kỳ hơn còn gắn thêm rất nhiều "phụ kiện" trên đó như hạt cườm và các đồng xu. Chiếc váy nào càng được chuẩn bị công phu, thêu đẹp và xòe rộng thì càng được các chàng trai để ý. Mỗi gia đình người Pà Cò đều có một bếp lửa trong nhà, vừa là để nấu nướng, vừa là để sưởi ấm.
Đang lạnh cóng chân tay mà vào ngồi cạnh bếp lửa của người Pà Cò thì không gì bằng, hơi ấm không chỉ từ bếp lửa mà còn từ tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân nơi đây. Người Pà Cò đón Tết bình dị, không phô trương nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. 30 Tết, nhà nào nhà nấy lịch kịch chuẩn bị cỗ, đồ dùng, trang phục…
Không giống như người Kinh, người Pà Cò mổ lợn ăn Tết muộn hơn. Trong ba ngày Tết, mỗi ngày mổ một con lợn (tùy theo tình hình kinh tế của mỗi gia đình) để đón khách. Ngày 30, những người đàn ông trong gia đình cùng nhau thịt trước một con lợn để ăn trong buổi tối ngày hôm đó. Thịt lợn cũng được chế biến thành những món ăn như của người Kinh: thịt lợn luộc, thịt lợn nướng… Một thứ không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông là bánh dày.
Gạo làm bánh dày là gạo nếp nương của chính người Pà Cò trồng. Những hạt gạo nếp sẽ trong nước 24 tiếng đồng hồ, sau đó bỏ vào một chiếc nồi to đồ chín như cách làm xôi của người Kinh. Sau khi xôi chín xôi được đổ ra một dụng cụ dài và rộng hình chiếc máng rồi giã bằng chày chuyên dụng khoảng 30 phút. Lúc này xôi chuyển thành một hỗn hợp sền sệt và nhuyễn mịn, các bà các chị bắt đầu nặn thành những chiếc bánh dày tròn to bằng bàn tay, dày khoảng 4cm.
Bác Sùng Thị Hoa cho biết: “Mỗi gia đình tùy theo từng dòng họ mà để ba, năm hoặc bảy chiếc bánh dày lên bàn thờ cúng tổ tiên. Bánh dày cũng như bánh chưng dưới xuôi, là món ăn cổ truyền từ lâu đời và là nét làm nên đặc trưng trong Tết của người Mông chúng tôi”.
Phong tục của dân tộc Mông Pà Cò
Người Mông ở Pà Cò có những nghi lễ và tín ngưỡng rất đặc biệt trong ngày Tết. Bàn thờ của người Mông được đặt chính giữa hướng cửa vào, trên bàn thờ dán một tờ giấy trắng cùng những hình thù biểu tượng cho sức khỏe. Mỗi dịp năm mới bàn thờ lại được sửa sang và lau chùi sạch sẽ, nhưng có điểm đặc biệt là mỗi lần thắp hương thờ cũng tổ tiên vào dịp Tết người Mông nơi đây thường mang một chiêc bàn nhỏ bằng gỗ ra để lên đó con gà, bánh dầy, hoa quả cùng với những vật dụng trong công việc lao động hàng ngày của họ như búa rìu, cuốc xẻng… Họ tin rằng những vật dụng này cũng cần nghỉ ngơi thì mùa năm sau công việc sản xuất mới thuận lợi và phát đạt.
Những vật dụng trên bàn thờ đều là những vật dụng do chính tay người Mông làm ra. Ngoài ra, người Mông bản Pà Cò còn thờ hai bếp lửa chính, những bếp lửa này luôn được giữ trong suốt ba ngày Tết để xua đuổi tà ma và thú dữ. Theo ông Sùng A Sa, chủ tịch ủy ban nhân dân xã Pà Cò thì người Mông luôn thờ ma nhà và các vật dụng sản xuất trong suốt những ngày của năm mới.
Tạm biệt xã Pà Cò, tạm biệt những âm thanh của tiếng khèn tiếng nhạc Mông, tạm xa những bạt ngàn hoa mận cùng sự mến khách nồng hậu của người dân nơi đây chúng tôi lại theo con đường ngoằn ngoèo xuống núi. Hơi rượu ngô còn nồng ở cổ, áo quần còn vương mùi khói, chúng tôi sẽ còn quay lại đây để chứng kiến cảnh đổi thay không ngừng của đồng bào Mông.
Nguồn : NHN