“Ao vua” Bảo Đại được xây dựng hơn 60 năm trước, tọa lạc bên cánh rừng thuộc khu vực Hố Tôm, P.10, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).
Từ đường Hùng Vương (Đà Lạt) rẽ vào đường Trần Thái Tông, chạy qua nhiều khúc quanh uốn lượn xuống thung lũng sâu, tiếp tục men theo con đường đá, dưới bóng mát của rừng thông nguyên sinh, băng qua những vườn rau khoảng 1 km sẽ thấy chứng tích “ao vua” nép vào vách núi thuộc khu du lịch Dinh 1. “Ao vua” là hồ tắm của vua Bảo Đại trong những cuộc săn bắn.
“Ao vua” được người dân nạo vét để lấy nước tưới rau, hoa, nước hồ ngập lên nền dãy phòng đã mất hết cửa. Cụ ông Nguyễn Gạc (76 tuổi), một trong 5 cư dân đầu tiên đến lập nghiệp tại khu vực này kể lại: “Nơi đây là rừng rậm, chiều tối thường xuất hiện nai, cọp, heo rừng... nên vua Bảo Đại thích đi săn ở đây. Vua phát hiện từ một khối đá bên vách núi (sát Dinh 1) phun ra mạch nước trong, nên cho xây dựng một hồ tắm kiên cố, đẹp mắt để tắm rửa và thư giãn trong những cuộc săn bắn”. Từ đó người dân gọi hồ này là “ao vua” Bảo Đại. Để tiện việc đi lại, vua Bảo Đại cho làm một con đường đá từ đường Hùng Vương vào rừng Hố Tôm, ngay đầu đường Hùng Vương xây một cổng vòm bằng bê tông kiên cố, cổng có 2 cánh cửa lớn luôn được khóa kỹ nên người dân gọi là “cổng Bảo Đại”.
Theo cụ Gạc, “ao vua” nguyên thủy rộng khoảng 70 m2, được thiết kế theo bậc thang, mỗi bậc cao khoảng 0,5 m, nơi sâu nhất tới 5 m, từ trên cao có thể nhìn thấy đáy ao vì nước luôn trong vắt, mát lạnh. Dãy nhà tắm bên “ao vua” có 2 tầng, tầng dưới gồm nhiều phòng để tắm, nghỉ ngơi, riêng phòng trong cùng có khối đá được tạc thành hình đầu cọp, nước phun ra từ miệng cọp chảy xuống hồ để vua tắm. Ông Nguyễn Văn Phước (50 tuổi), con cụ Gạc nhớ lại, hồi nhỏ ông cùng đám bạn từng leo lên lan can tầng trên lao xuống “ao vua” để bơi, nước trong ao rất mát và tinh khiết vì mạch nước phun ra liên tục. Do không được quản lý, người dân đã phá dỡ hết các ô cửa, các thiết bị, vật dụng, ao bị đất bồi lắng trở nên hoang phế.
Đáng tiếc, mới đây chính quyền TP.Đà Lạt lại cho phép một doanh nghiệp phá bỏ “cổng Bảo Đại” để xe tải dễ dàng lưu thông khiến những người sống lâu năm tại đây tiếc nuối và không đồng tình vì trước đó họ có kiến nghị trùng tu cổng. Nên chăng cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tìm tòi tư liệu cho khôi phục lại nguyên trạng “ao vua”, “cổng Bảo Đại” để phục vụ du lịch.
Nguồn : Thanh niên