Bảo tàng Dân Tộc Học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý giá về văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam.
Đây không chỉ là một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam mà còn là một điểm đến hết sức lý thú đối với chính những người Việt Nam.
Ý định thành lập bảo tàng đã có từ năm 1987 nhưng mãi đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ mới ra quyết định chính thức về việc xây dựng bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngày 12 tháng 11 năm 1997, bảo tàng chính thức được khánh thành. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam toạ lạc trên một khu đất rộng, cách trung tâm thủ đô chừng 8km.
Về chức năng, Bảo tàng là nơi nghiên cứu khoa học về các dân tộc Việt Nam, sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu và khai thác những giá trị lịch sử - văn hóa của các dân tộc, đồng thời cung cấp tư liệu dân tộc học và đào tạo cán bộ. Bảo tàng bao gồm một nhà triển lãm lớn là một toà nhà 2 tầng có dáng mô phỏng hình trống đồng - biểu tượng của nền văn minh Việt Nam.
Bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quí giá về văn hoá của cả 54 dân tộc Việt Nam gồm 15.000 hiện vật, 42.000 phim. Các hiện vật này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau như: dân tộc, công dụng, y phục, đồ trang sức, nông cụ, ngư cụ, vũ khí, đồ gia dụng, nhạc cụ, tôn giáo-tín ngưỡng, cưới xin, ma chay và nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác...
Ở ngay trong lòng thủ đô Hà Nội, với một chuyến tham quan khoảng 2 giờ đồng hồ tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bạn không chỉ được ngắm tranh, ảnh, xem phim tư liệu mà còn được tận mắt chứng kiến những hiện vật sống động và những nét đặc sắc nhất trong văn hóa các dân tộc Việt. Ngoài những cổ vật đắt tiền, ở đây trưng bày nhiều hiện vật rất bình thường trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, chiếc khố, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu...phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể, phi vật thể, những nét tiêu biểu trong đời sống và sáng tạo văn hoá của mỗi cộng đồng dân cư.
Ngoài ra còn có tập hợp riêng về các hiện vật tôn giáo - tín ngưỡng, cưới xin, ma chay hay nhiều hoạt động tinh thần, xã hội khác… Mỗi hiện vật đều có chú thích ghi rõ tên gọi hiện vật, đồng thời cho biết dân tộc và xứ sở sản sinh ra nó. Những nét văn hóa truyền thống từ ăn, ở, đi lại, sinh hoạt của các dân tộc đều được giới thiệu thông qua những chi tiết tiêu biểu nhất, giúp người xem nhận ra nét đặc trưng của mỗi dân tộc.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn là điểm dã ngoại ngoài trời thú vị đối với những gia đình trong những ngày cuối tuần. Khu trưng bày ngoài trời với những mẫu nhà đặc trưng của mỗi dân tộc thực sự là nét sinh động cho việc học tập, nghiên cứu của các em học sinh cũng như những người nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục, tập quán của các dân tộc. Để phục vụ đầy đủ khách tham quan, các bài viết cũng như các chú thích được viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật…
Bên ngoài là một khuôn viên khá rộng và đẹp được dùng làm không gian trưng bày ngoài trời, giới thiệu những phong cách kiến trúc đặc trưng nhất của các dân tộc ở Việt Nam. Có 9 công trình kiến trúc dân gian như: nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Ê Đê, nhà sàn của người Tày, nhà Rông…
Để giúp đỡ khách tham quan, trong mỗi khu nhà đều có nhân viên hướng dẫn hoặc các tình nguyện viên rất thân thiện và cởi mở. Du khách có thể ghi lại những ấn tượng của mình vào những cuốn sổ ghi cảm tưởng đặt tại mỗi địa điểm, hoặc có thể ghi lại những bức hình thật độc đáo tạo chuyến thăm quan.
Với cảnh quan đẹp, không gian thoáng mát, lại có nhiều góc rất ấn tượng. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn múa rối nước, góp phần vào việc bảo lưu vốn văn hóa dân tộc. Với những hoạt động đã đang và sẽ được thực hiện trong tương lai, có thể nói Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đang có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vừa là một cơ sở khoa học vừa là một trung tâm văn hóa có tính khoa học cao và tính xã hội rộng lớn . Đây là nơi hội tụ tất cả những giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần của hơn 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam. Với những giá trị vừa cổ điển, vừa hiện đại, thể hiện nét điển hình của dân tộc Việt, nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn, thú vị của du khách không chỉ trong và ngoài nước quan tâm đến văn hóa và các dân tộc Việt Nam.
Nguồn : Báo Bắc Kạn