- Thuỵ Sỹ là một nước có hẳn một đạo luật bảo vệ tinh hoa ẩm thực truyền thống, cùng với các món ăn nổi tiếng thì rượu vang Lavaux là thương hiệu quốc gia hàng đầu.
Khi nghe tin tôi đi Geneve, mấy người bạn từng công tác ở cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Geneve nhắc nhớ đến chơi với Trần Minh Thế - một người Việt lập nghiệp ở Nyon, chủ nhà hàng MeKong khá thành đạt. Nyon cách trung tâm Geneve chưa đầy 30km cùng hướng với Lausanne - một thành phố học thuật, thương mại hàng đầu, một trong 10 điểm đến không thể bỏ qua khi đến Thụy Sỹ.
Nhìn trên facebook thấy Thế lúc thì ở Cali Mỹ, lúc thì ở Phú Quốc, Côn Đảo, không biết liệu có được gặp? Vậy mà vừa bấm máy thì đã thấy Thế hồ hởi: “Em đang có nhà, tối nay em đón anh về nhà chơi”. Về nhà Thế, tôi muốn tìm hiểu về quá trình ăn ra làm nên của gia đình Thế, nhưng Thế lại gạt đi và muốn dành cho tôi: đã đến đây thì nhà báo phải được thưởng ngoạn di sản thế giới vùng Nho Lavaux".
Sáng hôm sau, anh tự lái xe đưa tôi đi Lavaux, dân thổ công nên chỉ sau nửa tiếng đồng hồ chúng tôi đã chọn một quán cà phê có vị trí rất đẹp để ngồi ngắm cảnh bên hồ Leman thơ mộng in bóng dãy núi Alpes hùng vĩ. Có người đã ví Lavaux là một kiệt tác hội họa của tự nhiên thật quả không ngoa. Từ nhỏ tôi đã thấy những bức tranh "sơn thủy hữu tình" làm say đắm lòng người, thì giờ đây tôi đang được thả mình trong bức tranh kỳ diệu ấy.
Phong cảnh bên hồ Leman đẹp như bức tranh sơn thủy - tuyệt tác những ruộng nho ven đường khắp các ngôi làng.
Hôm trước, tôi đến Annecy trên đất Pháp cũng hồ rộng cũng núi cao, nhưng điểm nhấn mà du khách quan tâm là những kênh rạch nhà cửa kiểu Venise. Còn ở đây cái hùng vĩ của núi cao, hồ lặng gắn liền những cánh đồng nho bậc thang bát ngát làm du khách thanh thản lạ lùng.
Ngắm toàn cảnh xong, chúng tôi lại lên xe len lỏi từ "làng" này sang thị trấn khác, những cái tên nối tiếp xuất hiện: Lutry, Villette, Gandvaux, Chenaux, Cully, Riex, Epesses, Chexbres, Rivaz, St.Saphorin... Những ngôi nhà nông thôn kiểu châu Âu, những nhà thờ cổ và có cả pháo đài, thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại ở một hầm rượu hay một vườn nho. Nếu không tiện ô tô riêng thì có thể đi tàu hỏa chạy điện, loại tàu phục vụ du lịch nên người ta cũng dừng ở những điểm nhấn cần thiết cho du khách xuống tham quan, chụp ảnh giá 15 francs Thụy Sỹ tương đương khoảng 300.000VND.
Những ruộng nho quanh các làng.
Đến Epesses, chúng tôi dừng lại để vào một vài ruộng nho ngay bên cạnh đường. Những thửa ruộng bậc thang được kè bằng những bờ kè đá trắng. Cho nên người ta nói nho ở vùng này được hưởng ba loại ánh sáng, ánh sáng từ mặt trời, ánh sáng phản xạ từ mặt hồ Leman và ánh sáng, nhiệt phản xạ từ những bờ kè đá bảo vệ ruộng nho. Nhờ vậy mà chất lượng nho có hương vị đặc biệt. Tư liệu cho biết: nghề trồng và làm rượu nho ở đây có tự rất lâu đời.
Những ngôi làng tôi đã đi qua.
Gần 2000 năm trước, người La Mã đã bắt đầu khám phá và thực hành nghề trồng nho tại nơi đây. Tới thế kỷ 12, nghề làm rượu ở Lavaux đã nổi tiếng. Các cha cố thuộc dòng Citeaux đến cai quản vùng đất này mang theo bí quyết làm rượu vô cùng độc đáo: Vang Lavaux.
Những hầm rượu.
Nho được trồng ở vùng này đã tạo nên tám thương hiệu vang nổi tiếng toàn Thụy Sỹ. Bạn có thể thăm các hầm rượu và nếm thử hương vị sản phẩm của từng gia đình.
Những tháp chuông nhà thờ cổ kính.
Được Trần Minh Thế - một người con của mảnh đất Kiên Giang tận cùng đất nước đưa đi thăm các hầm rượu, bất giác tôi nhớ đến năm trước tôi đã được đi thăm các bồn nước mắm Phú Quốc quê anh. Bí quyết và truyền thống của từng gia đình chính là điều rất quan trọng tạo nên thương hiệu sản phẩm của từng gia đình. Và chính điều này đã thu hút du khách khi ra về ai cũng muốn có sản phẩm làm quà để giới thiệu cùng bè bạn.
Lại may mắn cho tôi hôm đến thăm vùng nho là vào cuối tháng 9 đã vào mùa nho chín. Vào thời gian này khi vùng Trung Âu hàng loạt cây chuyển màu vàng là lúc báo hiệu đến mùa thu hoạch nho. Người ta kể rằng vào mùa đông nếu gặp dịp những ruộng nho phủ tuyết và đóng băng thì loại nho này có thể sản xuất được ice wine.
Những bờ kè ruộng bậc thang bằng đá tỏa nhiệt giúp nho sinh trưởng tốt.
Chúng tôi dừng lại ở Epesses.
Từ khi thu hoạch đến khi đưa vào sản xuất nho phải được đóng băng tự nhiên, đây là loại rượu hiếm và được bán với giá rất cao. Thụy Sỹ còn có nhãn hiệu Pinot Noir là loại vang được sản xuất từ những trái nho đen mọng nước cũng nghe nói là đặc sản vùng này.
Qua vùng nho Lavaux mới hiểu vì sao một vùng quê trồng nho tưởng như rất đỗi bình thường lại được UNESCO phong danh hiệu Di sản thế giới ngang hàng với những kỳ quan thiên nhiên hay những công trình nhân tạo kiệt tác thế giới.
Trước khi rời Lavaux chúng tôi cùng chụp chung tấm ảnh kỷ niệm bên hồ Leman.
Theo Dân Trí
Nguyễn Lương Phán