Vườn quốc gia Bi Đúp – Núi Bà nằm trong huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt nơi gần nhất 25km, nơi xa nhất 60km. Vườn quốc gia Bi Đúp – Núi Bà có diện tích tự nhiên 64.800ha, đất có rừng 59.034ha (trong đó có 50.000ha rừng nguyên sinh), chiếm 91% diện tích tự nhiên, nhiều nhất trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Tính đa dạng sinh học của rừng: hệ thực vật Vườn quốc gia Bi Đúp – Núi Bà có khoảng 1.468 loài, trong đó có 62 loài quý hiếm. Ngoài 6 loài kể trên của rừng thông, còn có: pơ mu, bách xanh, đỉnh tùng. Vườn quốc gia Bi Đúp – Núi Bà có nhiều kiểu rừng và sinh vật cảnh như: rừng kín thường xanh, rừng lùn đỉnh núi, rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim, rừng tre nứa, rừng hỗn giao tre với cây lá rộng.
Đây là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới. Các loài chim thường gặp: bách thanh, sáo sậu, cu gáy, gà gô, gà nước, bìm bịp, chèo bẻo, gõ kiến xanh. Bước đầu đã xác định có 3 loài chim đặc hữu trong khu vực: Khướu đầu đen má xám (Garrulax yersini), Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Sẻ thông họng vàng (Carduelis monguiloti).
VQG có 208 loài động vật, trong đó có 52 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam: chồn bay, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc vá chân đen, sói lửa, báo lửa, báo hoa mai, bò tót, sơn dương, gà lôi hồng tía, gà tiền mặt đỏ, tê tê Java, vẹt đầu hồng, rùa núi vàng…
Nguồn : dalat.gov.vn