Chuyến du ngoạn "con đường di sản miền Trung" đã cho tôi bao điều bổ ích. Nhưng có lẽ thú vị và ấn tượng nhất là chuyến theo tàu ra đảo Cù Lao Chàm.
Một hòn đảo còn hoang sơ, thô mộc đến ngỡ ngàng và đầy quyến rũ, đặc biệt là màu xanh, xanh đến ngát mắt, xanh đến thăm thẳm, màu xanh cứ miên man làm nao lòng…
Cù Lao Chàm còn được gọi là viên ngọc xanh của đại dương, là một xã cụm đảo mang tên Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Giữa vùng biển yên bình đầy nắng và gió, cái nắng tháng sáu ở đây dìu dịu không gắt gỏng, ngột ngạt như ở trong đất liền. Không biết có phải do cái màu xanh thăm thẳm của biển, của rừng, của dừa kia lấn át hay không mà nắng cứ vàng ươm, đãi đằng trải khắp. Gió cứ dào dạt phóng túng, phiêu diêu ru hồn lữ khách. Những vườn dừa xanh ngát xoã tóc bay trong gió, những bãi tắm cát trắng mịn màng, duỗi dài trong làn nước xanh trong như không thể trong xanh hơn được nữa. Phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, nơi nghỉ mát tham quan thật lý tưởng.
"Đây Cù Lao Chàm sóng nước quyện trời xanh" - câu thơ của Tường Linh được người bạn Hoàng Xuân Trung người gốc xứ Quảng đọc cho nghe như đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi lên tầu ra đảo. Anh hiện là sĩ quan quân đội công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam. Với lòng hiếu khách, nhiệt tình bạn thân lâu ngày gặp lại, đã tình nguyện làm hướng dẫn viên không chuyên cho đoàn chúng tôi thăm đảo.
Từ Cửa Đại, du khách có thể lên tầu cao tốc của Công ty Đầu tư và phát triển Cù Lao Chàm. Rồi chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút bồng bềnh trên sóng nước xanh thẫm của đại dương, ngửa mặt nhìn trời, nhìn nước mênh mông, ngắm bầy hải âu sải đôi cánh chập chờn để lòng mỗi người thấy bâng khuâng xa nhớ điều gì chưa rõ nét thì tầu đã đưa ta đến đảo. Hoặc theo tàu chợ ngày hai chuyến xuất phát từ Cửa Đại, hay bến Phố cổ Hội An khoảng 1 đến 2 tiếng sau, quý khách đã đặt chân lên cầu cảng Bãi Làng, đó là cảng lớn nhất Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm cách bờ biển Cửa Đại hơn 10 hải lý, tương đương 19km. Cụm xã đảo Tân Hiệp có dân số gần 3.000 người, với 8 hòn đảo lớn nhỏ. Đỉnh cao nhất trên hòn Lao là 517 mét, quanh đảo mực nước khá sâu, thuận lợi cho thuyền lớn neo đậu nghỉ ngơi hoặc ẩn trú khi bão gió trên hành trình thương thuyền biển Đông, điểm sâu nhất trên 60 m. Với diện tích toàn đảo 15,5km2 thì rừng nguyên sinh chiếm đến 90%, có 14 ha đất canh tác và 4 ha đất thổ cư. Cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản. Kể từ khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, người dân nơi đây đã chuyển một phần lao động sang hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ nhưng vẫn giữ được bản chất thật thà, thân thiện và mến khách.
Anh bạn Hoàng Xuân Trung hăng hái đưa chúng tôi thăm đảo theo chương trình. Thăm chợ Bãi Làng, chúng tôi thưởng thức và mua sắm các sản phẩm từ biển làm quà lưu niệm. Thăm các di tích lịch sử như: Lăng Ông, miếu Bà, miếu Thần Nông, miếu thờ Tổ Nghề Yến, chùa Hải Tạng, giếng cổ Chăm. Các di tích ở đây có niên đại hàng trăm năm, thiết kế xây dựng theo kiểu cư dân vùng biển bão gió, khá độc đáo và còn nguyên vẹn. Đến Cù Lao Chàm, du khách còn được thưởng ngoạn tắm, lặn xem san hô. Dải san hô ở đây trải rộng trên 165 ha, gồm 188 loài, 61 giống, 13 họ và nhiều rong tảo quí hiếm. Với làn nước trong vắt, nếu du khách nào không muốn tắm, lặn có thể nhìn san hô qua thuyền đáy kính, đủ các màu sắc như thủy cung. Nếu du khách có thời gian hãy đi thăm nghề khai thác yến sào trong các hang đá chênh vênh trên đảo.
Cù Lao Chàm có hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Bước chân lên đảo có nhiều điều thú vị, nhưng với tôi cũng như nhiều du khách ấn tượng nhất vẫn là màu xanh hoang sơ của rừng. 1.549 ha rừng cơ bản là nguyên sơ, nhiều loại quí hiếm hàng trăm năm tuổi như: thiên tuế, kền kền, dẻ chua… các dược liệu quí chất lượng tốt như: mã tiền, ối tím, ngũ gia bì… có đến gần 200 loại dược liệu. Động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và nhiều loài lưỡng cư hiếm. Đặc biệt, hai loài chim yến và khỉ đuôi dài có tên trong sách đỏ. Hải sản quí đặc sản nhiều nơi không có như: ốc hương lệ, ốc vú nàng, hải sâm, đồi mồi, cua đá…
Trong cái miên man của rừng, của biển, âm âm những ngọn sóng đổ dài lên bãi như tiếng vọng xa xôi của quá khứ về bờ cõi thiêng liêng trên biển Đông. Chúng tôi ngồi quanh bên bếp than nướng những con ốc vú nàng bốc thơm phưng phức. Một con ốc, một tợp rượu, anh bạn cất giọng Quảng nặng nồng nhưng ấm áp. "Ra lao nhớ ghé bãi Làng/Hỏi thăm hương lệ, vú nàng lớn chưa/Anh hỏi thì em xin thưa/Vú nàng đã lớn nhưng chưa ai sờ"... Câu ca làm cho mấy cô thoáng đỏ mặt, nhưng sau nghĩ ra loài ốc đặc sản vú nàng đã làm mọi người cười ngả nghiêng cả chiều đảo. Rồi lại được nghe anh bạn khoe chuyện phương hướng phát triển du lịch của chính quyền địa phương nơi đây, nào là xây dựng các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp rộng hàng trăm ha tại bãi Hương, bãi Bìm. Khu RESORT cao cấp 5 sao rộng 4 ha tại bãi Ông. Có hơn hai chục công ty tầm cỡ xuyên quốc gia vào khai thác du lịch tại Cù Lao Chàm. Rồi, rồi... Tôi nghe mà thấy cứ rộn cả người lên. Khai thác du lịch đó là hướng đi đúng. Khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế địa phương tạo việc làm cho người dân, nhưng phải hài hoà môi trường sinh thái, phải bền vững...
Cảm ơn màu xanh Cù Lao Chàm đã cho tôi một ấn tượng khó phai!
Nguồn : Báo Lào Cai