Đền Nhược Sơn không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, mà tiếng linh thiêng đã được khách thập phương gần xa biết và đến đây xin được ngài lai tài, lai lộc.
Ngày 20/9 âm lịch được biết đến là ngày giỗ của danh tướng thời Trần tên là Hà Chương - người có công lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía bắc, chống lại quân xâm lược Nguyên Mông và góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam vào thế kỷ thứ XIII.
Ngoài các tư liệu ghi lại trong "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" và "Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục", gia phả của dòng họ Hà - Vốn gốc người Tày Khao, thuộc dòng Hà Đặc, Hà Chương thời trần. Nay tụ cư tại An Bồi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có viết: Hà Khâm và Hà Chương là 2 anh em, khi đánh quân Nguyên, Hà Chương hăng hái truy kích địch tới vùng Yên Bái bị hy sinh tại đó. Ngài được phong hầu là "Bình Nguyên Thượng Tướng Trung Dũng Hầu".
Còn theo lời của các cụ cao niên tại Châu Quế Hạ truyền miệng lại: Hà Chương trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai đã đuổi quân Nguyên từ Phú Thọ theo đường sông Hồng lên Yên Bái, tới Châu Quế Thổ (tức Châu Quế Hạ ngày nay), Hà Chương chiêu mộ thêm thổ binh địa phương tiếp tục truy kích địch, đóng bè mảng mang ra cắm chốt tại cửa ngòi Thác Nhược để phục kích quân địch. Sau một tuần quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta từ mọi hướng xông ra phá tan quân địch. Trong lúc quyết chiến, tướng Hà Chương bị thương nặng, được đưa sang sông cứu chữa nhưng không qua khỏi và chôn cất tại cửa thác Nhược Sơn.
Đền Nhược Sơn không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong xã mà tiếng linh thiêng đã được khách thập phương gần xa biết và đến đây xin được ngài lai tài, lai lộc. Tương truyền, ngày giỗ quan tướng Hà Chương, cùng với lễ dâng Đức thánh Trần và chúa thượng ngàn, nhân dân mổ lợn to 50 - 80 kg từ 5 giờ sáng tại bờ sông Hồng, tiết chia thành 12 chậu để cúng Long vương tại thác Nhược Sơn. 6 giờ sáng bà con dân bản mang cốm và bánh dày dâng cúng quan lớn Nhược Sơn.
Ngày nay vẫn tháng một mổ trâu, tháng chín mổ lợn, nhưng trong 5 mâm lễ không thể thiếu cốm xanh và bánh dày. Lễ do các “giai chay, gái tịnh” trong trang phục dân tộc Tày dâng lên quan ngài. 9h sáng, lễ chính diễn ra, văn tế thầy mo gồm 7 tuần tưởng nhớ công lao của ngài và cầu cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Đền quay ra hướng Bắc, nhìn xuống sông Hồng với cảnh quan sơn thủy hữu tình. Những vốn văn hóa truyền thống được tái hiện qua lễ hội hàng năm và tiếp tục được từng bước phục dựng. Đây là điều kiện tốt để Nhược Sơn đón tiếp ngày càng đông đảo khách thập phương và giúp cho người dân nơi đây nâng cao đời sống vật chất tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Nguồn : Báo Yên Bái