Tháng ba là thời điểm đẹp nhất của Tây Nguyên. Thời gian này trời xanh trong vắt. Mùa màng đã xong, các dân tộc ở Tây Nguyên vào mùa lễ hội. Điều thú vị nhất là từ ngày 12 đến 15/3 sẽ diễn ra lễ hội cà phê - hứa hẹn những ngày trải nghiệm tuyệt vời đối với du khách...
Nhắc đến Buôn Mê Thuột, người ta nghĩ ngay đến một thủ phủ của món uống hấp dẫn trên toàn thế giới. Vì thế, một lễ hội chuyên về cà phê diễn ra tại đây thật sự hấp dẫn đối với người “nghiện” cà phê, ưa thích không khí lễ hội và nhất là đối với những người yêu vùng đất Tây Nguyên. Chương trình lễ hội khá phong phú “đặc sánh” như cà phê: “Cách cà phê nói”, chương trình nghệ thuật “Huyền thoại cà phê”, tour du lịch cà phê... Đặc biệt, dịp này du khách yêu thích cà phê Tây Nguyên có cơ hội thưởng thức cà phê miễn phí tại hơn 20 quán và các khu vực trưng bày, triển lãm...
Đối với những người lần đầu đến Tây Nguyên, dịp này còn rất thú vị vì tận mắt thấy và hòa vào không gian văn hóa đặc sắc sinh động với tiếng rộn ràng của cồng chiêng và những điệu múa nhịp nhàng, tiếng hát trong vắt như chim hót của các đôi trai gái ở các bản làng. Lễ hội từ ngày ngày 12 đến 15/3/2011, chỉ trong vài ngày nhưng chương trình dày đặc, làm choáng ngợp du khách. Tất cả các hoạt động đều diễn ra trong không gian mở. Khách có thể vừa nhâm nhi cà phê vừa thưởng thức các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa...
Đặc biệt, du khách đừng quên ghé thăm bảo tàng cà phê thế giới duy nhất tại Việt Nam ngay tại thành phố Buôn Mê Thuột trưng bày hơn 10.000 hiện vật liên quan đến cà phê từ xưa đến nay. Làng cà phê Trung Nguyên cũng được khai trương vào dịp này để phục vụ du khách. Ghé vào đây, du khách không chỉ thưởng thức cà phê mà còn có dịp tìm hiểu văn hóa cà phê Việt Nam và thế giới...
Trong vòng bán kính vài mươi cây số còn có các danh thắng của vùng đất Tây Nguyên. Tây Nguyên sở hữu nhiều thác hùng vĩ bậc nhất của Việt Nam. Thác Krong Kmar nằm dưới chân dãy núi Chư Yang Sin, cách trung tâm huyện Krông Bông chừng khoảng 2 cây số có 3 tầng, những khối đá chất chồng lên nhau tạo ra những tầng bậc và kết nối tạo thành những hồ chứa nước ở mỗi tầng. Thỉnh thoảng, có vài chú voi nhà đi ngang qua và dừng lại uống nước.
Cưỡi voi trên hồ Lăk |
Nếu thác Krong Kmar là một danh thắng thì hồ Lắk là một kho huyền thoại Tây Nguyên. Đây là hồ tự nhiên, lấy nước từ dòng sông mẹ Krông Ana. Hồ rộng đến 500 ha, nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển. Hầu như du khách khó bỏ qua cơ hội thưởng lãm vẻ đẹp thơ mộng của hồ lúc hoàng hôn buông xuống có màu tim tím hay vẻ đẹp mênh mông vào ban ngày. Các loại cá trong hồ rất ngon. Tại đây, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ, du khách còn nghe kể về câu chuyện chàng trai con của Thần Lửa và nàng con gái Mơ Nông gắn với sự tích hồ.
Tây Nguyên có nhiều dân tộc với nhiều văn hóa khác nhau. Chính sự đa dạng văn hóa đã cho du khách hết bất ngờ này đến bất ngờ khác và nể phục trước sự tưởng tượng của người xưa khi lý giải những điều kỳ thú của thiên nhiên một cách nhân văn.
Nguồn : QH