Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ Tết Đoan Ngọ (Tết mồng 5 tháng 5 âm lịch) là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân Việt..
Tục hái lá thuốc mồng 5 tháng 5
Tết Đoan Ngọ vốn bắt nguồn Trung Quốc với truyền thuyết về vị trung thần Khuất Nguyên thời vua Hoài Vương. Bọn gian nịnh thần ganh ghét Khuất Nguyên bèn bày kế để Hoài Vương thử lòng trung thành của Khuất Nguyên bằng cách ra lệnh ông nhảy sông tự vẫn. “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” (Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là kẻ bất trung). Khuất Nguyên vô cớ bị xử oan nhưng vẫn tuân lệnh vua trầm mình xuống sông tự vẫn đúng vào giờ Ngọ, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Người dân Trung Quốc tôn kính, tưởng nhớ Khuất Nguyên nên hàng năm cứ vào ngày ông mất, đúng mồng 5 tháng 5 âm lịch, lại thả bánh, quả xuống nước thờ cúng ông.
Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào giữa trưa. Ca dao có câu: “Tháng Tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”. Truyền thuyết đó gắn kết trong đời sống tâm linh của người dân Việt với ý nghĩa gần gũi hơn, và cũng không mấy ai còn truy tìm nguồn gốc của nó.
Tương truyền, Khuất Nguyên vốn là bậc thần y nên dân ta có tục hái lá mồng 5 về ủ rồi phơi khô làm thuốc. Khi ốm đau mang những lá thuốc này nấu nước uống chữa bệnh rất hiệu nghiệm.
Theo lệ, sau lễ cúng gia tiên, đúng ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.
Lá mùng 5 là hỗn hợp của bất cứ thứ lá nào có được trong vườn, từ lá tre, lá bưởi, lá cam, lá quýt, đến lá ổi, lá dủ dẻ, hành, tỏi, trầu không... và nhiều nhất là ngải cứu. Trong khi hái lá thuốc, ai nhìn thấy rắn, thằn lằn thì cả năm được nhiều may mắn vì những loài này vào thời khắc đó rất hiếm thấy.
Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân lại có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. Độ trước Tết vài ngày, các bà, các mẹ, các chị từ thôn quê ra chợ phố mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.
Lá thuốc mùng 5, dẫu là loại thuốc linh nghiệm thật hay chỉ là truyền thuyết nhưng qua bao đời nay đã gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Tết diệt sâu bọ
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được “Việt hoá” thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên vào thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu. Vì vậy hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.
Hà Nội ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Chị Liên (buôn bán ở chợ Ngọc Hà, Hà Nội) cho biết: “Rượu nếp là thứ bán chạy nhất trong ngày này. Từ sáng tới giờ tôi đã bán hết 10 chậu nếp cẩm”.
Ngoài ra, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người Bắc không thể thiếu hoa quả các loại. Từ sáng sớm, các hàng bán hoa quả đã đông người hỏi mua.
Ở Đà Nẵng, từ sáng sớm các bà, các chị đã tất bật đi sắm đồ lễ chuẩn bị cho một cái Tết Đoan Ngọ đủ đầy. Sáng nay, các chợ cũng xôm tụ hơn hẳn ngày thường. Một món không thể thiếu trên mâm cơm cúng Tết Đoan Ngọ với người dân nơi đây là bánh ú tro. Bánh ú tro được bán rất nhiều với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/chục. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên.
Một người phụ nữ đang chọn những chục bánh thật đẹp chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết mồng 5 tháng 5 cho biết năm nào cũng vậy, vào dịp này, bánh ú tro là thứ chị chọn mua đầu tiên bởi theo chị loại bánh này mang ý nghĩa như bánh chưng ngày Tết Nguyên Đán.
Hàng hoa quả cũng nhộn nhịp không kém, giá các loại hoa quả tăng nhẹ so với những ngày thường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg các loại. Hoa tươi cũng tăng giá nhưng không đáng kể, được bày bán nhiều nhất là cúc vàng.
Ngoài ra, theo truyền thống của người miền trong, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này.
Nhìn khuôn mặt các bà, cá mẹ ai cũng hớn hở khi chọn mua đồ lễ vì lại có thêm một ngày trong năm gia đình được quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Ai đi đâu về đâu, ngày này cũng nhớ về sum họp cùng gia đình, vui Tết mồng 5.
TPHCM: Lễ “hẻo” vì kinh tế suy thoái?
Người dân TPHCM năm nay không mấy hồ hởi với việc sắm sửa Tết Đoan Ngọ.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết: Để chuẩn bị cho lượng hàng bán ra trong dịp Tết Đoan Ngọ, những ngày qua lượng hàng rau củ quả, đặc biệt trái cây về chợ đầu mối tăng từ 2.700 tấn lên 3.000 tấn; giá cả tăng nhẹ không đáng kể. Các chợ Bà Chiểu, Gò Vấp, An Đông, Bến Thành, Bình Tây… mặt hàng phục vụ cho Tết Đoan Ngọ cũng được bày bán rất nhiều, đặc biệt là lá xông và bánh ú tro.
Tuy nhiên, theo nhận định chung của các tiểu thương, người mua hàng năm nay mua ít hơn hẳn mọi năm; lượng hàng mua cũng giảm. Vì vậy nhiều tiểu thương không tăng giá mặt hàng, chấp nhận lấy công làm lãi.
Chị Nguyễn Thị Thanh nhà tại đường Nguyễn Kiệm cho hay mọi năm đều mua bánh và lá xông về để ăn Tết Đoan Ngọ. Nhưng năm nay, gia đình chị hạn chế hơn vì giá cả hơi cao.
Không khác ngoài chợ, tại các siêu thị lượng người mua sắm cho Tết Đoan Ngọ không nhiều dù lượng hàng phục vụ cho ngày tết này khá phong phú như bánh trôi nước, chè bắp, bánh bèo, xôi khúc, bánh bò nước cốt dừa, bánh da lợn...; các loại trái cây đặc sản; gà luộc, heo sữa quay...
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa cho biết: “Lượng khách đến mua hàng hôm qua và sáng nay tăng không đáng kể. Đa số người dân đến để mua các loại thực phẩm tươi sống hàng ngày”.
Còn theo chị Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc siêu thị Big C: Số người đến mua hàng cho ngày Tết Đoan Ngọ không có gì đột biến.
Nguồn : ST