Sau các trận lũ lịch sử những năm 1999-2000, các địa danh như cửa biển Tư Hiền, Hòa Duân… được nhắc đến nhiều hơn trên mặt báo với những nét đặc trưng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên ít nơi nào có được.
Thật ra, cửa biển Tư Hiền hay Tư Dung, Ô Long cùng các thắng tích trong vùng như phá Tam Giang, chùa Thánh Duyên (Túy Vân), núi Linh Thái… đã gắn liền với nhiều sự kiện trong lịch sử, đặc biệt sự kiện công chúa Huyền Trân đời Trần làm vợ vua Chăm hay các tuyệt tác “Tư Dung hải môn lữ thứ” của vua Lê Thánh Tôn (Một cõi cơ đồ một cõi chung/ Về nam địa giới Hải Vân giăng. Ba canh trăng tĩnh Đồng Long rạng/ Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung…) và cả bài thơ khắc trên bia đá “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị, triều Nguyễn…
Tuy đã đi thuyền vài lần vượt phá Tam Giang, nhưng trong chuyến đi tìm họ tộc vừa qua, lần đầu tôi đến xã Vinh Hiền và có dịp lên Túy Vân Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến bất ngờ ở đây. Quả là người xưa đã không nhầm khi gọi đây như một “quốc gia thắng cảnh”, hay là một trong “thần kinh nhị thập cảnh” của xứ Huế. Từ nam ra bắc theo QL1A, vừa qua khỏi đèo Phước Tượng gần huyện lỵ Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), chúng tôi rẽ theo QL49B về phía biển. Cầu qua cửa Tư Hiền mới xây dựng vài năm nay giúp việc lưu thông đến xã Vinh Hiền trở nên dễ dàng hơn. Chỉ hơn 10 phút, người dân và các loại hải sản ở đây có thể đến QL1A để vào thị trường Đà Nẵng. Ngược lại, khách du lịch từ Lăng Cô, Bạch Mã hoặc Đà Nẵng có thể đến viếng Túy Vân Sơn chỉ trong vòng chưa đầy một giờ chạy ô tô. Con đường 10 km uốn lượn theo các sườn núi và bờ nam phá Tam Giang rợp bóng những rừng keo tràm xanh thẫm càng tạo cho chuyến đi thêm lãng mạn. Con đường này rút ngắn thời gian đáng kể nếu so với tuyến đi đến Huế, và đi ngược về phía nam theo đường ven biển Hòa Duân trước đây.
Chùa Túy Vân hay Thánh Duyên xây dựng từ thời các chúa Nguyễn đàng Trong và sau đó được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị trùng tu nhiều lần và nâng lên tầm quốc tự, gồm nhiều công trình, tọa lạc trên núi Túy Vân với khá nhiều bia đá chứa các thông tin lịch sử, văn học có giá trị. Thầy Thích Minh Chính đang bận tu thiền trong chùa lớn, nơi có mười tám tượng La Hán cổ tuyệt đẹp. Thầy cho chúng tôi đi thăm chùa dưới sự hướng dẫn của một giáo viên ở Vinh Hiền, bắt đầu từ chùa Chính, đến chùa Trung và lên tháp vọng cảnh 3 tầng, gọi là Điếu Tháp Ngư. Gần tháp là lầu vọng hải xây dựng từ thời Minh Mạng. Tại đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng Tam Giang, Cầu Hai, lên đến Bạch Mã và ra phía núi Linh Thái ẩn hiện trong sương mù. Đặc biệt, vùng phá Tam Giang, một khu đầm phá rộng đến trên hàng chục ngàn héc ta, được coi là vùng sinh thái nước lợ rộng nhất Đông Nam Á và có nhiều nguồn thủy hải sản đặc thù, trong đó nổi tiếng nhất là hai loại cá mú và cá vẩu vàng rất được khách du lịch ưa thích.
Việc xây dựng các khu dân cư, thương mại quanh Túy Vân Sơn ngày nay vẫn còn bộn bề, làm giảm đi giá trị của một khu di tích tín ngưỡng và danh thắng tầm quốc gia. Theo các công ty du lịch và đơn vị lữ hành lớn trên địa bàn Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, nếu được quy hoạch và quản lý tốt, các chợ hải sản đêm và nhiều dịch vụ khác ở đây sẽ góp phần tạo cho Túy Vân Sơn và cả vùng cửa biển Tư Hiền trở thành một điểm đến lý tưởng, gắn kết liên hoàn với các điểm du lịch phía bắc đèo Hải Vân, Bạch Mã hiện nay, tạo ra một chuỗi điểm dừng chân có sắc thái đa dạng, bổ sung cho nhau và hấp dẫn các luồng du khách đến từ Huế, Đà Nẵng và cả hành lang kinh tế Đông Tây.
Nguồn : TN