Năm 1999, tại phiên họp lần thứ 23, Khu di tích Mỹ Sơn của Việt Nam đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vì di sản này là một ví dụ điển hình về sự trao đổi văn hóa và là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất.
Khu di tích Mỹ Sơn - Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Tp. Đà Nẵng 69km, cách thị xã Hội An 42km và cách thành cổ Trà Kiệu 30km.
Thánh địa Mỹ Sơn là tổ hợp gồm nhiều đền đài của vương quốc Champa, nằm lọt trong một thung lũng nhỏ có đường kính khoảng 2km, được bao quanh bởi núi đồi, chỉ có một lối vào duy nhất là con đường độc đạo nằm giữa hai quả đồi và một con suối chắn ngang trước mặt con đường vào thung lũng như một chiến hào sâu rộng, gây trở ngại cho những ai muốn vào thánh địa.
Thánh địa Mỹ Sơn là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Champa và là nơi đặt lăng mộ của các vị vua hay hoàng thân quốc thích Champa. Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á.
Một góc quần thể Thánh địa Mỹ Sơn |
Tuy đã đổ nát nhiều, nhưng Mỹ Sơn vẫn là một di sản xứng tầm của thế giới |
Theo tài liệu, thì Mỹ Sơn bắt đầu được xây dựng vào thế kỉ thứ IV. Trong nhiều thế kỉ thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Champa tại Việt Nam. Trong đó Bhadravarman (Phạm Hồ Dật) trị vì từ năm 381-413 là vị vua đầu tiên của Champa đã cho xây dựng ở đây một thánh đường để thờ Linga và Thần Shiva, vị thần thiêng liêng, hộ mệnh của dân tộc Chăm. Kiến trúc thánh đường chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ giáo cả về kiến trúc lẫn văn hóa. Nhưng đến cuối thế kỉ VI khu đền bị hỏa hoạn thiêu hủy. Vào đầu thế kỉ VII, vị vua kế vị là Sambhavarman (Phạm Phạn Chi), trị vì từ năm 577- 629 đã cho xây lại ngôi đền bằng gạch. Từ đó các triều đại nối tiếp nhau giữ gìn tôn tạo và cho xây thêm nhiều đền tháp mới nguy nga, lộng lẫy hơn. Đặc biệt dưới vương triều Vikrantavarman I và Vikrantavarman II cho xây nhiều đền thờ có quy mô to lớn hơn.
Những ngọn tháp và lăng mộ ở đây chủ yếu có từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV, nhưng qua các cuộc khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ IV. Tổng số công trình kiến trúc có đến trên 70 chiếc. Rõ ràng thánh địa Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo và văn hóa của Nhà nước Champa, trong khi thủ đô của quốc gia này là Trà Kiệu.
Một số phù điêu và hiện vật tiêu biểu về kiến trúc Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn |
Trong lịch sử, thánh địa Mỹ Sơn từng bị tàn phá nhiều lần do các cuộc chiến tranh. Và cho tới năm 1470 khi vương quốc Champa chấm dứt, thánh địa Mỹ Sơn không còn được người Chăm thờ phụng, bỏ hoang phế, lãng quên nhiều thế kỉ trong rừng rậm. Đến năm 1885 thánh địa Mỹ Sơn mới được nhà thám hiểm người Pháp là ông C.Paris phát hiện ra. Mười năm sau các nhà khoa học mới bắt đầu thực hiện cuộc phát quang, nghiên cứu khu di tích này. Suốt 40 năm đầu thế kỷ XX Mỹ Sơn đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học Pháp.
Trải qua nhiều cuộc tìm kiếm và khai quật, năm 1904, hai nhà khảo cổ Launet Finot và H.Parmentier đã công bố những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn. Qua các công trình nghiên cứu của H.Parmentier người ta mới biết cách nay hơn 100 năm Mỹ Sơn có 68 công trình kiến trúc và các công trình này được Viện Nghên cứu Viễn Đông cho trùng tu sửa chữa nhiều lần. Nhưng đến năm 1945, chiến tranh nổ ra, Mỹ Sơn không những không được tu bổ mà còn bị bom đạn phá hủy. Thảm họa lớn nhất đối với Mỹ Sơn là đợt ném bom rải thảm máy bay B52 của Mỹ hồi cuối năm 1969 đã phá sập toàn bộ khu tháp chùa kì vĩ bằng đá cao 30 mét. Đây là ngôi đền đá duy nhất của các di tích Chăm. Văn bia Mỹ Sơn cho biết ngôi đền này được trùng tu lần cuối vào năm 1224 . Các tài liệu thu thập được cho thấy có nhiều khả năng đây là ngôi đền được xây đầu tiên vào thế kỉ IV. Hiện Mỹ Sơn chỉ còn lại 20 ngôi tháp gạch nhưng phần lớn bị đổ nát.
Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc chủ yếu chịu ảnh hưởng phong cách Ấn Độ giáo. Song biểu tượng Phật giáo cũng tìm thấy ở Mỹ Sơn. Vì Phật giáo Đại Thừa (Mahayana)đã trở thành tín ngưỡng chính của người Chăm vào thế kỉ X. Nguyên liệu xây khu đền tháp Mỹ Sơn chủ yếu là gạch, đá và sa thạch. Kiểu dáng kiến trúc các ngôi tháp đều được xây theo kiểu truyền thống: Mặt bằng của tháp hình tứ giác. Tháp xây 3 tầng, tầng trên là hình thu nhỏ của tầng dưới. Tầng dưới cùng tượng trưng cho thế giới trần gian. Thân tháp biểu tượng cho thế giới thần linh. Tầng trên cùng hình chóp, biểu tượng núi Meru Thần thánh, nơi cư ngụ của các vị Thần Hindu giáo. Toàn bộ tháp được chạm trỗ công phu, tinh tế, đường nét mềm mại, sống động. Đó là các hình chim, muông thú, hoa lá, các Apsara vũ nữ nhà Trời…
Dù số lượng tháp còn lại không nhiều và bị hư hỏng nặng và dù không đồ sộ, kì vĩ như Angkor (Campuchia), Pagan (Myanma), và Borobudur (Indonesia )… nhưng nó vẫn là khu đền tháp quan trọng nhất của người Chăm và vẫn có vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật vùng Đông Nam Á. Chính vì vậy, thánh địa Mỹ Sơn xứng đáng được ghi danh vào Di sản Văn hóa Thế giới./.
Nguồn : BAVN