Quần thể di tích Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao bên cạnh Xóm Bóng và cửa Sông Cái, phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang. Được xây dựng từ thế kỷ VIII, nơi đây thờ Nữ thần Ponagar - người mẹ xứ sở của dân tộc Chămpa và cũng là Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tháp Bà Ponagar (cửa tháp chính).
Phù điêu trên đỉnh Tháp Bà.
Du khách tìm hiểu lịch sử Tháp Bà.
Theo truyền thuyết, Nữ thần Ponagar được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển. Bà tạo dựng nên sự sống và dạy dỗ con dân lao động mưu sinh trong cuộc sống, là vị thần rất linh thiêng, che chở, độ trì, ban phúc lành và ước nguyện cho muôn dân. Công đức của Bà đã để lại lòng tin trong nhân dân, bao trùm cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, và ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến một số tỉnh phía Bắc miền Trung và miền Nam. Người dân tôn kính gọi Bà là Thiên Y Thánh Mẫu, tạc tượng, lập am, miếu thờ. Ngày 23-3 âm lịch hằng năm là ngày vía Bà và lễ hội Tháp Bà kéo dài từ ngày 20 - 24/3 âm lịch, trở thành ngày lễ hội lớn ở TP.Nha Trang, thu hút đông đảo người Việt, người Chăm ở Khánh Hòa - Nha Trang và du khách thập phương về dự lễ, mang theo những điệu múa bóng, múa Chăm, kết những đài hoa, quả, lễ vật trang trọng dâng cúng Bà.
Năm 1979, Tháp Bà được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tại Tháp Bà, du khách không chỉ được tận mắt thưởng thức nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc đặc sắc của các tòa tháp, những bức tượng tạc có tuổi thọ trên 100 năm, mà còn có thể thưởng ngoạn phong cảnh diệu kỳ của biển xanh, núi non hùng vĩ giữa TP.Nha Trang.
Nguồn : Báo Ảnh Đất Mũi