Trải qua bao vật đổi sao dời suốt chặng dài tồn tại, Tháp nước Hàng Đậu cũng không tránh khỏi có lúc thăng lúc trầm, có lúc bị bỏ quên trong nhếch nhác, có lúc bị chuyển đổi chức năng làm quán nhậu, song may mắn thay đến ngày nay nó đã được trở lại với dáng vẻ đĩnh đạc ngày xưa, như chàng Hercule, chàng David, như võ sĩ giác đấu nơi vũ trường La Mã ngày xưa
Tọa lạc đúng vào vùng giáp ranh giữa hai quận đậm vẻ tâm linh là Ba Đình và tấp nập bán mua là Hoàn Kiếm, giữa tâm điểm của 6 đường phố xòe ra như những giẻ quạt khổng lồ mang tên Phan Đình Phùng, Hàng Cót, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Hàng Than và Quán Thánh; ở cái đỉnh tụ lại của chúng, nghiễm nhiên hình thành một quảng trường nhỏ nhắn, tiếp cận ngay với đầu một vườn hoa mang tên Vạn Xuân, mà trước năm 1975 cũng mang tên Hàng Đậu. Nơi đây đột khởi lên một công trình kiến trúc đã có tuổi thọ đáng nể: 116 năm, vắt qua 3 thế kỷ XIX, XX, XXI.
Đó là Tháp nước Hàng Đậu, còn mang thêm nhiều danh xưng nữa phản ánh mối thiện cảm mà công chúng tặng cho: két nước Hàng Đậu, Đài nước Quán Thánh, nhà tròn Quán Thánh và đặc biệt còn một lầm lẫn hài hước là Bốt Hàng Đậu – cái tên không oan lắm vì trông dáng dấp bên ngoài cùng vật liệu xây dựng và màu sắc xanh xám cộng với 54 cái cửa sổ rất hẹp và cao y như những cái lỗ châu mai nơi đồn bốt thực dân xưa dăng dăng đầy nội ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận.
Tháp nước Hàng Đậu hình trụ tròn, cao trên 25m với mái chóp nhọn cùng với cột thu lôi vươn lên trời xanh, như khoe cái mã ngoài bằng đá hộc và xi măng cốt thép. Nghe đâu đá này lấy ra từ vụ phá bỏ Hoàng Thành của chính quyền thực dân rồi qua tay một bà cô tên là Tư Hồng thu gom mà nên. Hình như đá này còn được sử dụng trong công trình lớn khác không xa là mấy: Cầu Long Biên (tên cũ là Paul Doumer) và hệ thống cầu cạn bên phố Phùng Hưng. Cây cầu 19 nhịp vượt sông Hồng và hệ thống cầu cạn này nghe như thời đó (sinh sau Tháp nước Hàng Đậu 8 năm) được tôn vinh là dài nhất châu Á.
Để tránh cái cảm giác nặng nề do chất liệu xi măng đá hộc gây nên, nhà thiết kế cũng cố gắng bao phủ mặt ngoài công trình bằng các giải pháp tạo hình thẩm mỹ bắt mắt: các vòm cửa hình vòng cung, các mô-típ trang trí sắt uốn, các đường diềm phân tầng, các hình kỷ hà vuông tròn tiếp nối chạy vòng quanh thành những giải phân tầng nhẹ nhõm.
Đặc biệt là ở tầng 1, ngoài 17 cửa sổ, còn một cổng ra vào mà hai cánh cổng là hai giải pháp trang trí được sử dụng quen thuộc ở các công trình xây dựng trong nước, ở chính quốc (Pháp) và trên thế giới thời đó.
Giải pháp sử dụng vòm cuốn trên trán cửa và nhắc lại thành một nhịp liên tục chạy vòng quanh khối kiến trúc tầng 1, kết hợp một hệ thống cột đỡ theo dạng thức cột đá Hy Lạp cổ: cột dorique (dạng cột này là đơn giản nhất trong 3 dạng thức: dorique, ionique và corinthien). Hàng cột dorique này chỉ sử dụng nơi tầng 1 và đỉnh của chúng cũng là bệ đỡ cho những vòng cung nhắc lại vòng cung cửa sổ, là điểm dừng cho những vòng cung cửa sổ và điểm dừng cho nhịp nhỏ trong cả hệ thống nhịp lớn chạy quanh chu vi công trình.
Từ tầng 2 cho đến tầng 4 áp mái, cột dorique chỉ còn là những dải phân cách cho chiều thẳng đứng công trình, bề ngang cột thì vẫn tương đương với các cột tầng 1 nhưng càng lên cao càng mỏng dần kết hợp với những dải viền chu vi phân tầng tạo nên những mô-tip cục bộ, càng lên cao càng giảm bóng để cho nhẹ bớt cảm thức áp đảo.
Kết thúc giải pháp thiết kế trang trí toàn thể, nơi tầng 4 áp mái, nhà thiết kế đã cho chạy một đường diềm vòng quanh công trình bằng 18 tổ hợp hình kỷ hà: vuông, tròn kế tiếp nhau vừa để kết thúc vừa để nhắc lại nét khắc cuối cùng đã được sử dụng nơi tầng 1.
Trải qua bao vật đổi sao dời suốt chặng dài tồn tại, Tháp nước Hàng Đậu cũng không tránh khỏi có lúc thăng lúc trầm, có lúc bị bỏ quên trong nhếch nhác, có lúc bị chuyển đổi chức năng làm quán nhậu, song may mắn thay đến ngày nay nó đã được trở lại với dáng vẻ đĩnh đạc ngày xưa, như chàng Hercule, chàng David, như võ sĩ giác đấu nơi vũ trường La Mã ngày xưa. Bây giờ tuy không còn công năng chứa nước và cấp nước, song lại có một môi trường mới: tồn tại như một vật chứng, một chứng tích một thời nô lệ và độc lập, áp bức và giải phóng.
Tháp nước Hàng Đậu vẫn đứng đó, từng chứng kiến bao cảnh đời: đón đoàn quân giải phóng qua cầu Long Biên, tiễn đưa tên lính cuối cùng leo lên cầu Long Biên xuống tàu Hải Phòng về Marseille, chứng kiến cảnh đạn bom dội xuống quanh mình, những mảng rốc két vung vãi khắp nơi, rơi cả xuống mái tôn.
Nhưng không có vinh quang nào hơn, chàng dũng sĩ David những tháng ngày hào hùng binh hùng tướng mạnh cử đoàn quân xa tiến vào duyệt binh nơi Quảng trường Ba Đình qua đây củng cố đội ngũ, những tốp nữ dân quân áo nâu quần đen súng trường quàng vai tụ tập ngay dưới chân mình.
Rồi những ngày Tết Âm lịch, từng đoàn xe ô tô, xe ngựa kéo đến từ ga đầu cầu, từ các ngả đường, chất chứa bao nhiêu hàng hóa Tết, đủ chủng loại, đủ sắc màu, đủ kích cỡ đậu lại quanh đây để chờ đem vào chợ hoa Hàng Lược.
Những chú ngựa hồng, ngựa bạch đang nghỉ chân được tháo xích để nhồm nhoàm nhai những hạt ngô lốc cốc, móng cứ đua nhau gõ lên mặt bê tông Tháp nước những tiếng rộn rã, khô giòn, mắt đang hướng về phía dốc Hàng Cót để vào chợ hoa. Đừng tưởng súc vật thì không biết gì đâu. Chúng cũng háo hức cọ lưng vào hốc tường đá nhám xù xì, mắt hấp háy chờ lệnh chủ tiếp bước vào hàng phố mái ngói xôn xao chờ đóa hoa đào và pháo Tết.
Trong cái vẻ ung dung bề ngoài, anh chàng David Tháp nước đang giấu nỗi xao xuyến vào sâu trong lòng tường đá, mắt hé nhìn đoàn người lại qua với đủ các lứa tuổi, đủ các loại trang phục trang sức. Họ hồ hởi lắm đấy nhỉ, song không ai quên sự hiện diện của chàng hiệp sĩ thánh chiến từ xứ sở xa xôi nào đây, đã đứng đây chia sẻ vui buồn với họ.
Ôi, giá có tay, chàng sẽ ôm choàng lấy tất cả, truyền đến từng người, từng người niềm vui mừng vì sự hồi sinh của mình. Muốn vỡ òa lên song chàng hiệp sĩ Tháp nước Hàng Đậu không thể vượt qua được ranh giới tồn tại cụ thể này, chỉ biết lặng lẽ hòa mình vào trong tâm cảm chung. Lặng lẽ, yên bình cũng là một ứng xử hợp lý.
Hình như hàng sấu già bên đường Phan Đình Phùng, hàng hoa sữa bên đường Quán Thánh cũng cảm thông với chàng Tháp nước Hàng Đậu bằng cách lắc lư thân cành, vẫy lá chào như muốn sẻ chia niềm vui mà đất trời đang gieo rắc quanh ta.
Ôi, trong cõi vô thường này, cái đẹp chẳng cần tìm ở đâu xa, ngay trong cát sỏi gỗ đá thô nhám, hay nơi làn da thơm mát thiếu nữ, cái đẹp luôn ẩn hiện chẳng phải chỉ ở nơi đài các thâm nghiêm cũng vậy.
Chỉ cần có cái tâm trong trẻo, cái trí minh triết thì địa đàng ngay ở lòng ta rồi, ngay trong tầm với của ta mà đôi khi ta phải dầy công xây đắp kiếm tìm mà đã chắc gì tìm được.
Nguồn : QH