Theo chân Nguyễn Anh Thế để biết thêm về một thế giới tự nhiên kỳ thú ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Nguyễn Anh Thế (thường gọi Andy Nguyễn, sinh năm 1984), một người đam mê chụp ảnh động vật hoang dã, sinh sống ở TP HCM đồng thời là hướng dẫn viên các tour du lịch hoang dã ở Việt Nam. Anh còn là chủ website Vietnambirds, giới thiệu tour quan sát chim và động vật hoang dã, trong đó có Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Theo anh Andy Nguyễn, kiểu tour này kén khách, thường dành cho người đam mê thiên nhiên và các chuyên gia nghiên cứu khoa học trong, ngoài nước. Một tour tối đa có 6 khách vì đông quá có thể ảnh hưởng động vật và làm chúng trốn mà không thể quan sát kịp. Cách tiếp cận động vật hoang dã ở Cát Tiên tốt nhất là sử dụng ống nhòm, đi ban ngày bằng xe đạp hoặc xe bán tải. Vé vào vườn là 60.000 đồng/người.
Trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước với hơn 80.000 ha được bao quanh bởi 90 km sông Đồng Nai, VQG Cát Tiên cách TP HCM khoảng 150 km. Đây là một trong những VQG có nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học dồi dào và là điểm đến du lịch sinh thái, trải nghiệm quan sát, chụp ảnh động thực vật hoang dã lý tưởng tại Việt Nam.
Trên hình là khu vực Bàu Sấu, nằm trong vùng lõi Cát Tiên, có diện tích đất ngập nước lớn nhất của vườn, mở rộng đến hàng nghìn ha vào mùa mưa và thu hẹp lại khoảng 200 hecta vào mùa khô.
Đường từ trung tâm hành chính VQG Cát Tiên đường đến Bàu Sấu dài khoảng 14 km. Trong đó có 5 km đi bộ xuyên rừng quan sát được các loài gỗ quý như cây tùng đại thụ hàng trăm tuổi, cây ươi, cây gõ đỏ hay các loại dây leo đặc trưng trong rừng như bàm bàm, móng bò leo.
Đặc biệt, Bàu Sấu là nơi sinh sống của loài sấu nước ngọt (hay cá sấu xiêm, tên khoa học là crocodylus siamensis) quý hiếm. Du khách có thể thuê thuyền để ngắm cá sấu. Chúng thường nằm im lìm nổi phần đầu và hai mắt trên mặt nước, lưu ý khi quan sát phải theo sự chỉ dẫn của kiểm lâm và hướng dẫn viên.
Sau những cơn mưa mùa hè là lúc các đàn bướm xuất hiện nhiều ở Cát Tiên, chúng bay dập dờn trên đường mòn và qua những khóm cây. Những cánh bướm nhiều sắc màu soi bóng bên vũng nước tạo nên bức tranh đầy cuốn hút.
VQG Cát Tiên có hệ động vật đa dạng, phong phú với 1.529 loài, trong đó có 109 loài bò sát, gồm loài hổ mang miền nam, chụp tại một góc rừng Cát Tiên. Trên hình là một con rắn hổ mang phun nọc Đông Dương (naja siamensis).
“Nghề hướng dẫn viên du lịch động vật hoang ít người theo, ngoài sự đam mê thì cần am hiểu sự đa dạng sinh học cũng như tập tính của từng loài sinh vật. Ví như phân biệt được các loài chim nhờ tiếng hót của chúng, có thể giúp du khách quan sát những loài thú, loài rắn vốn dĩ luôn tìm cách lẩn trốn trong rừng rậm”, anh Andy Nguyễn cho biết.
Ngoài ra, hướng dẫn viên luôn phải lưu ý khách bỏ rác thải đúng nơi quy định để khu rừng luôn xanh, sạch, không khắc, vẽ bậy lên cây rừng và giữ yên lặng để không làm ảnh hưởng đến đời sống hoang dã.
Với 351 loài, chiếm khoảng 42% tổng số loài chim tại Việt Nam, trong đó có nhiều loài quý hiếm, Cát Tiên tựa như một “đất nước thu nhỏ” của các loài chim rừng Việt Nam.
Trên hình là loài gõ kiến xanh cánh đỏ (lesser yellownape), một loài chim phổ biến tại VQG Cát Tiên. Chim có mào vàng nổi bật từ đỉnh đầu xuống cổ, phần thân trên màu xanh với lông cánh sơ cấp màu đỏ, thân dưới nhiều sọc trắng, chim trống có phần lông màu đỏ trên đỉnh đầu.
Sả vằn hay bói cá vằn (banded kingfisher) có chiều dài trung bình 22 cm. Điểm nhấn bề ngoài của loài này là “bộ cánh thời trang” với sọc vằn xanh đen, là loài định cư tương đối phổ biến từ Trung Bộ đến Nam Bộ, thường gặp ở Cát Tiên.
Nuốc bụng vàng (orange-breasted trogon) là một trong những loài chim đẹp, có bộ lông sặc sỡ với kích thước trung bình khoảng 28 cm.
Trong quá trình chụp ảnh chim, Andy Nguyễn ấn tượng với loài gà tiền mặt đỏ (germain's speacock pheasant). Anh kể loài chim này mang vẻ đẹp quyến rũ, kiêu sa như mang trên mình những viên ngọc xanh lấp lánh. Chúng là loài chim nhút nhát, thường sống quanh bụi rậm, đặc hữu và là loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Chụp ảnh loài chim này là một thách thức không nhỏ, nhiều người dành vài năm chụp nhưng không thành công, phải ở một chỗ và bị vắt cắn rất nhiều vì ở đây có nhiều vắt vào mùa mưa.
“Cách đây 3 năm, lần đầu tiên tôi chụp được loài gà tiền mặt đỏ. Lúc đó cận Tết, tôi ở lì trong rừng và có thời gian để tìm hiểu quy luật sinh sống của gà. Ba ngày đầu tiên, gà chỉ đi lòng vòng mà không di chuyển ra chỗ có đủ không gian “đẹp”. Nhưng mãi đến ngày thứ 4, thì gà ra đúng vị trí, chịu ăn những hạt bắp nhỏ là thức ăn để dẫn dụ. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc đó, tôi chụp liên tục, thật là một niềm vui thật khó tả”, Andy Nguyễn kể.
Đuôi cụt bụng vằn (bar-bellied pitta) là một trong những loài chim được nhiều người muốn chiêm ngưỡng nhất khi đến VQG Cát Tiên.
Muốn chụp ảnh được đuôi cụt bụng vằn, Andy phải tạo site (vị trí) để chim có thể đến kiếm ăn, tốn hàng tháng trời kiên nhẫn để tạo cho chim một phản xạ quen dần. Và dựng lều ngụy trang cách chỗ con chim đến kiếm ăn khoảng 10-15 m để khách chui vào lều và ngồi im canh chim tới, tránh gây tiếng động. Khi chim từ từ xuất hiện trong sự trầm trồ, nín thở của du khách, anh tập trung chụp thật nhiều hình.
VQG Cát Tiên ghi nhận sự đa dạng của 113 loài thú. Riêng động vật linh trưởng có khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng (yellow-cheeked gibbon) và cu li, đều thuộc nhóm 1B - động vật nguy cấp, quý hiếm, ở mức nguy hiểm trong Sách đỏ thế giới và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Vượn đen má vàng (ảnh) sống trên những tán cây cao 30 m, con đực màu đen, túm lông ở hai bên má màu vàng, còn con cái toàn thân màu vàng, có chỏm lông màu đen ở đỉnh đầu. Chúng sống theo gia đình từ 3 đến 5 cá thể gồm có bố mẹ và các con. Đây là loài có tập tính bảo thủ về lãnh thổ rất cao, nếu vùng sống của bầy bị thu hẹp hay chia cắt, chúng vẫn sẽ tiếp tục ở đó thay vì đi nơi khác.
Cu li nhỏ (pygmy loris) cũng có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, có đặc điểm nổi bật là hiền và cặp mắt to tròn. Cu li nhỏ thường sống về đêm, trong các khu vực rừng tre nứa hoặc tre nứa xen gỗ.
Tour du lịch tham quan, ngắm động vật hoang dã do anh Andy Nguyễn tổ chức thường trọn gói, giá cho một khách khoảng 2-3 triệu đồng/ngày, đã gồm chi phí ăn ở, vé và các phương tiện di chuyển trong VQG. Nếu chỉ thuê dịch vụ hướng dẫn, chi phí còn lại khách tự trang trải, giá thuê người là 800.000 - 1,2 triệu đồng/ngày.
Huỳnh Phương
Ảnh: Andy Nguyễn