Thời tiết ở Tam Cốc, Bích Động mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng. Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng toàn bộ những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, thì sau Tết độ tháng 2, tháng 3 là thời gian thích hợp. Còn bạn muốn chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp Tam cốc mùa lúa chín vàng vóng sẽ vào khoảng tháng 6.
Di chuyển du lịch Tam Cốc
Với những bạn xuất phát từ Hà Nội nên phương tiện di chuyển thuận lợi bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô riêng.
Ngoài ra, bạn có thể linh hoạt tuyến Limousine tuyến Hà Nội – Ninh Bình. Giá vé 150K/ chiều vào tận Tam Cốc và 130K/ chiều về tận khách sạn ở Tp. Ninh Bình.
Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động hiện có diện tích tự nhiên là 350,3 ha, nằm cách quốc lộ 1A 2km, cách thành phố Ninh Bình 7 km, chủ yếu khu vực nằm trên xã Ninh Hải (Hoa Lư). Cũng giống như Tràng An, để đi tham quan Tam Cốc, du khách phải đi bằng thuyền, xuôi theo dòng sông Ngô Đồng thơ mộng, nước trong vắt tới đấy để chiêm ngưỡng lần lượt 3 hang. Khung cảnh Tam Cốc nổi bật bởi sự kết hợp hài hòa của đá và nước. Các ngọn núi với ở đây mang những hình thù đa dạng, nối tiếp nhau, ngọn này đến ngọn khác.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động gồm nhiều tuyến tham quan du thuyền, đi xe đạp và đi bộ nối khoảng gần 20 điểm du lịch. Các tuyến chính của khu du lịch:
- Các tuyến du thuyền gồm: Tuyến bến Văn Lâm - sông Ngô Đồng - Tam Cốc; Tuyến Xuyên thủy động (xuyên dưới Bích Động); Tuyến Thạch Bích - thung Nắng; Tuyến thung Nham - vườn chim, Tuyến hang Bụt - động Thiên Hà...
Các điểm du lịch đi bộ, xe đạp và leo núi: Núi và chùa Bích Động; động Tiên; hang Múa; khu nhà cổ Cố Viên Lầu; đền Thái Vi - động Thiên Hương...
Tam Cốc, có nghĩa là "ba hang", gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
Hang Cả: dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng.
Hang Hai: cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ
Hang Ba: gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia.
Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền đưa du khách trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thuỷ, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 2 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng có thể thay đổi theo mùa lúa (lúa xanh, lúa vàng hoặc màu bạc của nước trên cánh đồng).
Bích Động – Xuyên Thủy Động: nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là "động xanh". Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi (làm chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.
Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài khối núi Bích Động. Xuyên Thủy động như 1 đường ống hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350 m uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Bình quân bề rộng của Xuyên Thủy động là 6m, chỗ rộng nhất là 15 m. Trần và vách động thường bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng.
Ngoài ra còn có chùa Bích Động, là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông. Chùa được dựng từ đầu đời nhà Hậu Lê. Trong chùa có quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ, mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa. Thời Lê Hiển Tông chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.
Hiện nay giá vé tham quan cho Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là 120.000 VND/người, Trẻ em 60.000 VND. Đò tham quan Tam Cốc là 150.000 VND/thuyền.
Nếu như muốn tận mắt chiêm ngưỡng sắc vàng của đồng lúa chín thì khoảng thời gian cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 là lúc bạn nên ghé thăm nơi đây. Khi đó, hình ảnh ruộng lúa màu xanh xen lẫn ruộng lúa chín vàng sẽ tạo nên một bức tranh với những mảng màu tuyệt đẹp. Sau tết là quãng thời gian bạn có thể được chiêm ngưỡng những cánh đồng xanh mơn mởn đang vươn mình chào đón gió xuân.