Bình Liêu vốn được biết đến là một “Sa Pa thu nhỏ vùng Đông Bắc”. Vào thời điểm này, Bình Liêu trở nên thơ mộng, hấp dẫn với những cung đường biên giới nở trắng hoa lau.
Bình Liêu là một huyện biên giới nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh. Nơi này nổi lên là một trong những địa điểm du lịch tiềm năng, phù hợp với những người thích khám phá, chinh phục. “Đặc sản” của Bình Liêu vốn là những cung đường biên giới uốn lượn đầy mê hoặc. Vào thời điểm này, những cung đường biên giới càng quyến rũ với hoa cỏ lau trắng xóa.
Thu sang, mùa hoa cỏ lau rợp trời trên cung đường biên giới
Nếu như đến Bình Liêu vào mùa hè, du khách say mê với khung cảnh xanh mướt, hiền hòa của màu cỏ phủ rộng trên những quả đồi, triền núi thì sang thu, mùa cỏ cháy là lúc hoa lau nở rộ, khoe sắc dịu dàng và biến vùng đất này thành “thiên đường” cho lữ khách mải miết ngắm nhìn.
Mốc 1297 như "thiên đường" khi vào mùa hoa lau nở
Địa điểm vẫn được nhiều người tìm đến để “săn” cỏ lau là mốc 1297. Thực tế mốc 1297 nằm trên địa phận tỉnh Lạng Sơn, giáp ranh huyện Bình Liêu. Tuy nhiên đường đi từ Bình Liêu đến mốc biên giới này thuận lợi hơn nên các phượt thủ thường chọn cách đi từ thị trấn Bình Liêu tới mốc 1297.
Tới mốc 1297, bạn sẽ thấy cỏ lau mọc ở khắp mọi nơi, bao phủ khắp những quả đồi “khổng lồ". Có những đoạn lau thấp dưới chân du khách nhưng cũng có đoạn, cỏ lau được mùa mọc cao đến hơn đầu, khiến du khách ngỡ rằng mình đang lạc vào một vùng đất bí ẩn, đầy bất ngờ. Giữa cảnh sắc thiên nhiên ngập tràn trong sắc trắng cỏ lau, những bậc thang dẫn lên mốc 1297 nằm ở chính giữa con đường khiến người lữ khách thấy mình như đang được dẫn lối lên “thiên đường”. Từ trên mốc biên giới nhìn xuống, cả khoảng trời phủ kín cỏ lau dập dềnh theo gió khiến khung cảnh cũng trở nên thanh bình, đầy chất thơ và an yên đến lạ.
Lau nở phủ khắp không gian núi đồi, dập dờn theo làn gió tạo ra khung cảnh nên thơ, lãng mạn cho vùng đất biên viễn
Theo chia sẻ của bạn Cường Pin, một hướng dẫn viên tự do ở Bình Liêu thì mùa cỏ lau ở đây bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 12, trong đó tháng 11 là lúc lau nở rộ đẹp nhất. Thời điểm này đến Bình Liêu, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng cả những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng óng ả và cả một trời hoa lau trải dài ngợp sắc trắng.
Khung cảnh nên thơ khi nhìn xuống từ mốc biên giới
Để có thể ngắm Bình Liêu lãng mạn trong sắc trắng muốt của cỏ lau, du khách nên chọn đi Bình Liêu vào những ngày tiết thu trong trẻo và có nắng để thuận lợi cho việc ngắm nhìn và chụp lại những bức ảnh đẹp cùng không gian mộng mị này. Bên cạnh mốc 1297, đường lên mốc 1305 qua “sống lưng khủng long” đầy thách thức cũng là địa điểm lý tưởng để bạn có thể chiêm ngưỡng mùa hoa lau nở đẹp ở Bình Liêu.
Lưu ý khi tới Bình Liêu mùa hoa lau
- Có thể sử dụng cả xe máy và ô tô cho hành trình “săn” hoa lau ở mốc 1297. Đường biên giới ở đây đã được đổ bê tông, đường khá đẹp, rộng và ít xe ngược chiều. Tuy nhiên đường biên dốc và nhiều đoạn cua nên cần đi với tốc độ vừa phải.
Đường biên giới được đổ bê tông khá đẹp, có thể di chuyển bằng cả ô tô và xe máy, tuy nhiên đường dốc, nhiều điểm cua nên cần đi với tốc độ vừa phải
- Cách đi: Từ thị trấn Bình Liêu đi theo hướng cửa khẩu Hoàng Mô, rẽ trái tới bản Ngàn Chuồng, đi thêm 10km tới ngã ba đường biên. Lúc này bạn rẽ trái tới mốc 61 để tới địa phận xã Bắc Xa (huyện Đình Lập -Lạng Sơn). Tiếp đó đi thêm khoảng 5km đến ngã ba rẽ phải khoảng 100m nữa là tới mốc 1297.
- Lịch trình tham khảo:
Lịch trình di chuyển bằng ô tô:
8h sáng xuất phát từ thị trấn Bình Liêu di chuyển tới mốc 1297 và các điểm mốc xung quanh.
10h quay về theo hướng bản Pắc Phe xã Lục Hồn check-in cầu treo Pắc Phe.
11h ăn nhẹ và di chuyển vào chơi, tắm thác Khe Vằn, còn thời gian đi tiếp tới Cao Ly hoặc về phố.
Lịch trình di chuyển bằng xe máy:
Buổi sáng từ thị trấn Bình Liêu di chuyển đi check mốc 1297, 1300, cầu treo Pắc Phe, cửa khẩu Hoàng Mô, nghỉ ăn trưa chợ Đồng Văn.
Buổi chiều di chuyển lên núi Cao Ly và thác Khe Vằn rồi về thị trấn.
- Hãy tìm hiểu kĩ về cung đường bạn định đi, hỏi kĩ thông tin từ người dân, nếu không có thể thuê hướng dẫn viên bản địa hỗ trợ để hành trình được suôn sẻ và thuận lợi.
- Thời tiết trên núi thường lạnh hơn nên bạn cần chủ động về trang phục để giữ sức khỏe.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường ở mỗi địa điểm bạn tới, đặc biệt là các mốc biên giới để thể hiện là người du lịch văn minh.