Từ thành phố Hạ Long, ngược miền Đông, dọc theo quốc lộ 18 chừng hơn 80km, sẽ đến thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên).
Đây là một vùng đất có lịch sử hình thành khá lâu đời. Thời Tiền Lê, vùng đất này thuộc châu Tân An, đến đời Lê, là châu Tĩnh Yên, thuộc phủ Hải Đông, thừa tuyên An Bang, sau là châu Tân Yên. Đời Hậu Lê, vì kỵ huý của vua Lê Kính Tông là Duy Tân, nên đổi là Tiên Yên...
Không phải là nơi có nhiều chùa chiền nổi tiếng như Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí v.v.. nhưng Tiên Yên lại chứa đựng nhiều nét đẹp văn hoá rất đặc trưng của một thị trấn miền núi...
Đến Tiên Yên, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của một thị trấn nhỏ nằm khép mình bên ngã ba sông, với những ngôi nhà hai tầng cổ kính, kín đáo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, nhiều ngôi nhà nay đã xuống cấp, được các chủ nhân tu sửa lại phần nào làm mất đi vẻ cổ kính, nhưng vẫn còn mang dáng dấp của kiến trúc xưa.
Người dân sống lâu năm ở Tiên Yên kể lại, rằng phố Tiên Yên xưa thưa người, nhà cứ tiếp nhà. Phố không hề có vỉa hè, cứ một bước từ hiên nhà là ra đến đường. Đêm ngủ không cần khoá cửa. Đi đường xa về qua phố huyện, vào nhà xin miếng nước uống cho đỡ khát, có chủ nhà thì hỏi, chủ nhà đi vắng cứ tự nhiên vào múc nước mà uống…
Người dân Tiên Yên “gốc” luôn tự hào về phố huyện của mình với những ngôi nhà mái ngói âm dương thâm nâu màu xưa cũ và những cây cổ thụ, những công trình kiến trúc hàng trăm năm… Chúng dẫu nay còn rất ít nhưng chắc chắn sẽ mãi là nhân chứng sống động cho một phố Tiên Yên yên bình, cổ kính và trầm mặc…
Tiên Yên không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà cổ kính mà còn được biết đến với đặc sản “gà đồi”… Không mấy ai ở Quảng Ninh là không biết câu ngạn ngữ: “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Gọi là “gà đồi” bởi gà Tiên Yên không phải giống gà nuôi nhốt mà chúng được thả rông, suốt ngày chạy nhảy, đêm đến thì ngủ trên cây… Đây là giống gà thuần chủng ở địa phương, có thịt thơm, ngọt đặc biệt, săn chắc mà vẫn giòn, không dai; ngậy mà không ngấy…
Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, nhưng ngon nhất vẫn là thịt gà luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Da gà Tiên Yên không chỉ vàng mọng mà còn rất dày. Thoạt trông, có cảm giác hơi ngậy, nhưng cắn một miếng mới thấy thật giòn và ngọt...
Nghe cái tên của bánh thôi đã thấy độc đáo. Không ai biết cái tên này có từ bao giờ, nhưng khi bạn cầm trên tay cái bánh, bạn sẽ mỉm cười mà rằng: - Cái tên gọi thật quả là… gợi!
Bánh gật gù được làm bằng gạo nương. Gạo đem ngâm rồi xay thành bột. Khi xay, người ta pha lẫn một ít cơm nguội và “ngón” bí truyền mà các gia đình làm bánh luôn giữ là pha trộn theo tỷ lệ nào thì bánh ngon nhất. Bột xay rồi đem tráng, không mỏng như bánh cuốn, không dày như bánh đa. Bánh tráng xong cuộn lại, dài bằng gang tay, to như ngón tay cái xếp trên đĩa sứ, trắng muốt. Bánh trong, mềm, dẻo mà không dính. Khi cầm lên tay, bánh cứ “gật gù” “gật gù” trông rất ngộ…
Bánh “gật gù” chấm nước mắm cốt lẫn hành khô, tỏi, ớt và đặc biệt không thể thiếu là đĩa hến với mỡ gà. Thịt một chú gà sống thiến, bóc hai lá mỡ đem rán lên, đổ mỡ đun sôi cùng nước mắm và các thứ gia vị. Người ăn ngồi quanh bàn, cầm bánh gật gù chấm nước mắm nóng, ăn vào thấy người râm ran nóng, má hồng, mắt sáng, miệng xuýt xoa… Rồi tự nhiên cũng vừa ăn, vừa… “gật gù”, tấm tắc!
Người dân địa phương bảo, ăn bánh gật gù chẳng những ngon, bổ, mà còn là thứ thuốc giải cảm rất hữu hiệu.
Ngoài những nét đặc trưng nói trên, Tiên Yên còn là nơi có nhiều phong cảnh đẹp và kỳ thú mà bất cứ ai khi đến đây hẳn sẽ khó quên.../.
Nguồn : website báo Quảng Ninh