Đã nghe loáng thoáng về chợ phiên mới Đồng Văn (Hà Giang), nhưng chưa có dịp mắt thấy tai nghe nên tôi không khỏi bàng hoàng khi nửa đêm ngồi đọc những lời ta thán, tiếc nuối của cư dân mạng. Buồn, giận... nhưng rồi vẫn quyết tâm phải một lần trở lại.
|
Chợ phiên Đồng Văn mới - Ảnh: Đ.M.G. |
Chợ phiên Đồng Văn mới họp bên kia đường, trên một triền đồi rộng mới san ủi vẫn còn ngổn ngang đất cát. Chợ mới to gấp 4-5 lần chợ cũ, người đông hơn, sản vật đông hơn, hàng hóa chất ngất. Bà con ai cũng thấy vui vì từ nay đi chợ sẽ bán được nhiều hàng, mua được nhiều đồ dùng mới lạ, tiện ích cho cuộc sống. Thấy mừng rỡ vì cuộc sống đang đổi thay, cuộc sống của đồng bào miền cao sẽ ngày một tiến bộ, văn minh, sung túc và no đủ. Người Đồng Văn vẫn hồn nhiên và mộc mạc. Nhưng sao vẫn thấy buồn?
Người ta bảo chợ cũ dời đi để bảo tồn phố cổ. Nhưng nhiều người tự hỏi sao phải dời chợ cũ, thật buồn. Chợ cũ có tuổi đời gần trăm năm, cảnh quan hài hòa, quyến rũ. Cái quyến rũ không nhìn thấy bằng mắt thường mà phải đến, cùng đi chợ và cảm nhận. Gặp những người bạn vừa quen vừa lạ, gặp người thanh niên phiên chợ nào cũng treo lồng chim trên cột kèo nơi góc chợ, người đàn ông phiên chợ nào cũng kéo ghế mời khách du lịch uống một bát rượu ngô say nồng, người đàn bà phiên chợ nào cũng nướng bánh gạo trên than hồng, cô bé phiên chợ nào cũng vừa ăn kem vừa thử rượu... Phải lâu lắm những thói quen đi chợ để giao lưu và vui chơi mới hình thành đậm nét đến thế ở chợ phiên ngày cũ. Không phải vô cớ mà dân đi năm nào cũng muốn trở lại Đồng Văn...
Người ta bảo chợ cũ từ nay sẽ được dùng làm nơi tổ chức đám cưới, lễ hội, bán hàng phục vụ khách du lịch và được bảo tồn như một kiến trúc cổ cần phải gìn giữ. Nhưng chợ cũ có còn cũng chỉ là cái xác, chợ cũ có không phá cũng chỉ là những viên đá trơ trọi dưới chân núi Đồn Cao, có phục vụ du khách cũng không còn là những thanh âm chân thực của cuộc sống. Còn đâu những hồn phách cũ, đá có trơ gan cùng tuế nguyệt cũng ý nghĩa gì khi không có người xưa?
Có lẽ nào tôi đã chần chừ không trở lại với mùa hoa cao nguyên, vì không muốn phải đối diện với cảm giác “xót xa như rụng bàn tay” bởi hôm qua đã không bao giờ còn tìm lại được. Bới tung ổ cứng, những thư mục đầy nghẹt ảnh, không có tường rào, song sắt, không vật liệu xây dựng ngổn ngang, không những mái lều tạm phủ bạt xanh rờn, không cần cẩu song hành với những ngôi nhà ống. Chợ phiên Đồng Văn, nơi tôi luôn tìm về với những sắc màu văn hóa và nồng nàn cảm xúc, chỉ trong chớp mắt đã trở thành dĩ vãng, thương nhớ đến lặng người...
Sẽ không còn nữa, bạn bè - những người từng đến và yêu thương mảnh đất địa đầu cực bắc như một phần cơ thể - đều không muốn tin rằng sẽ không còn nữa một phiên chợ họp mỗi cuối tuần dưới chân núi Đồn Cao, những dãy nhà đá lợp ngói máng xếp hình vuông vắn gần bên phố cổ. Không còn những cô bé tụm năm tụm ba dưới mái hiên nhà, những quán ăn nghi ngút khói, bếp lò bập bùng bên cột đá. Không còn nữa, nơi người Mông tụ tập thử rượu và thử khèn, nơi anh tựa cột nhà cho em tựa vào anh...
Chợ mới bây giờ nhiều tính thương mại hơn. Chợ đúng là nơi người mua kẻ bán gặp nhau. Đồng bào miền cao đang bắt đầu phải “vẽ lại” những thói quen uống rượu, gặp bạn bè, giao lưu và đi chơi chợ. Không biết đồng bào có kịp ghi dấu cho những sinh hoạt đậm đà bản sắc văn hóa vô hình đó trước khi bị “thương mại hóa” bởi chợ mới hay không?
Bài toán bảo tồn văn hóa vốn dĩ vẫn luôn là một bài toán khó. Bảo tồn bản sắc chợ phiên Đồng Văn và đáp ứng nhu cầu thương mại của “phiên chợ” không dễ gì tìm ra lời giải. Trong khi những ký ức đẹp nhất về chợ phiên ngày cũ đang dần mất đi, đừng hỏi vì sao tôi lại thương nhớ Đồng Văn...
|
Chợ phiên ngày cũ - Ảnh: Đ.M.G. |
Tồn tại gần một thế kỷ, chợ phiên Đồng Văn từ lâu đã trở thành một điểm đến nổi tiếng trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Phiên chợ họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật dưới chân núi Đồn Cao, bên cạnh phố cổ Quyết Tiến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà trình tường.
Chợ phiên Đồng Văn được di dời sang địa điểm mới ngày 14-8-2011, cách chợ cũ khoảng vài trăm mét, trên địa bàn thôn Đồng Tâm, thị trấn Đồng Văn. Chợ mới được dựng lên trên một diện tích lớn gấp 4-5 lần chợ cũ, với hai khối nhà ống và các lán tạm xung quanh để bà con bán hàng, đất đá hiện vẫn còn chưa được san ủi hoàn thiện nên khá lộn xộn. |
Nguồn : Tuổi trẻ