Phố Huế dài 1.166m, đi từ phố Hàm Long đến Đại Cồ Việt. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, đây nguyên cũng là một đọan của con đường thiên lý xưa, nối kinh thành Thăng Long với các trấn, tỉnh ở phía Nam.
Theo cuốn Phố và Đường Hà Nội của tác giả Nguyễn Vinh Phúc, so với hình thế các làng mạc xưa (tính đến đầu thế kỷ 19), phố Huế chạy qua phần đất của các thôn: Phục Cổ, Giáo Phường, Đông Hạ, Yên Thọ thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.
Tới khoảng giữa thế ký 19, thôn Đông Hạ hợp với thôn Sài Tân, Cấm Chỉ thành thôn Đông Tân, còn Yên Thọ thì đổi ra là Yên Nhất, do hợp với thôn Thống Nhất.
Một góc Hà Nội xưa |
Vết tích các thôn, phường này là những đình đền mà tới nay vẫn còn tồn tại: đình Phục Cổ hiện là nhà số 14 phố Nguyễn Du; đình Giáo Phường là số nhà 83B phố Huế; đình Đông Hạ là số nhà 133 phố Huế (đền của làng này là số 28 ngõ Huế) và đình Yên Nhất là số nhà 260 phố Huế.
Phường Phục Cổ được sử sách nhắc tới vào năm 1371. Đó là năm quân Chiêm Thành, khoảng tháng 3 nhuận, tiến đánh thành Thăng Long. Toàn thư ghi: “Du binh của địch đến bến Thái Tổ, nay là phường Phục Cổ (nay là thế kỷ 15, thời gian đoạn sách). Như vậy, cho đến cuối thế kỷ 14, sông Hồng chưa lùi về phía Đông như ngày nay.
Còn thôn Giáo Phường, sở dĩ có tên gọi như vậy là vì đây chính là nơi cư trú của những người làm nghèo ca xướng thủa xưa. Tương truyền vào đầu đời Lê (thế ký 15) có họ Đào từ Thanh Hóa ra sinh sống ở đây. Họ vừa chuyên dạy ca hát đàn phách, vừa tổ chức ra những đoàn chuyên nghiệp đi diễn trò, hát múa phục vụ các hội hè, đình đám. Những đoàn này gọi chung là "Giáo Phường". Đình Giáo Phường ngày nay đã trở thành nhà ở, chỉ còn một cái cổng trên đề 3 chữ: “Giáo Phường từ”…
Đình làng Đông Hạ được bảo vệ tương đối tốt - đó là nơi thờ thần Cao Sơn. Trong thần phả đình này có một câu rất đáng chú ý gợi ý về địa lý Hà Nội cổ như sau: “Thượng tự Đông Hạ, hạ chí Trung Chí, giai Búa Cái phường”. Nghĩa là: trên từ Đông Hạ, dưới đến Trung Chí đều là phường Búa Cái.
Trung Chí nay vẫn là một làng mé dưới Lương Yên và như vậy có thể suy ra rằng, một phường ở thời Lý Trần thì đến thời Lê Nguyễn đã bị chia ra thành nhiều phường thôn nhỏ. Còn như đình Yên Nhất thì thờ một anh hùng chống giặc ngoại xâm, chưa biết tên thật là gì, chỉ biết duệ hiệu là Phạm Phụ Quốc. Trong đó Phụ Quốc có nghĩa là giúp nước, còn Phạm được cho là Phạm Cự Lạng, danh tướng của vua Lê Đại Hành.
Cuối cùng phố Huế chấm dứt ở ở Ô Cầu Dền. Đây là một cửa ô mở qua tường tòa thành đất vòng giữa bao bọc phần dông dân cư của Thăng Long xưa. So với bản đồ Hà Nội năm 1931, thì cửa ô này có tên là ô Yên Ninh. Song dân chúng chỉ gọi là ô Cầu Dền. Và Cửa Ô này đã đi vào lịch sử từ thế kỷ 16. Sử cũ chép rằng, tháng 6 năm Nhâm Thìn (1592), Trịnh Tùng sai Trịnh Đồng và Hoàng Đình Ái đưa 1 vạn quân đánh cửa Cầu Dền để tiến vào Thăng Long (lúc này do nhà Mạc chiếm giữ). Mạc Mậu Hợp sai Nguyễn Quyện, Bùi Văn KHuê… đem quân tới chống lại… Trận đánh diễn ra từ giờ Tỵ đến giờ Mùi (tức 9h cho đến 14h) thì quân Trịnh thắng.
Ngày nay, phố Huế trở thành một trong những con phố nổi tiếng và sầm uất vào bậc nhất của Hà thành và những ai đến Thủ đô cũng muốn ghé thăm và khám phá lối sống phong lưu bậc nhất của người Hà Nội qua chợ Hôm Đức Viên.
Theo Đất Việt