Bất cứ ai đã một lần du lịch Quy Nhơn đều sẽ nhớ ngay đến Tháp Đôi, di tích kiến trúc mang màu sắc tôn giáo vô cùng đặc sắc của người Chăm. Với niên đại lên tới 800 năm, Tháp Đôi được biết đến là một trong 8 cụm Tháp Chăm tồn tại lâu đời nhất của đất Bình Định.
Lịch sử
Vào cuối thế kỷ XII - đầu thế kỷ XIII, tháp được xây dựng nên bởi bàn tay khéo léo của con người Chăm, tuy nhiên vị trí lại không nằm trên khu vực đồi núi như thường thấy mà là trên khu đất bằng phẳng, được bao bọc xung quanh bởi khu dân cư đông đúc. Năm 1980, Tháp Đôi đã được đưa vào xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Khuôn viên của tháp có diện tích khoảng 6.000 mét vuông, được tô điểm bởi những thảm cỏ xanh và những hàng cây rợp bóng. Chính vì vậy, di tích này trở thành tòa tháp đẹp "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc và là nơi lý tưởng cho du khách dừng chân nghỉ mát.
Kiến trúc độc đáo
Tháp đôi Quy Nhơn có cấu trúc độc đáo, gồm 2 tháp là: Tháp lớn cao khoảng 20 mét và Tháp nhỏ cao 18 mét. Năm liền kề với nhau giống như đôi vợ chồng quấn quýt không rời. Bên trong lòng tháp có đặt một cối đá xay bột gạo thời xưa mà sau này cũng được người Kinh dùng để xay bột chế biến thành các loại bánh.
Khi nhìn lên cửa Tháp cao vút trông như những mũi lao sắc nhọn. Đứng trong lòng Tháp bạn có thể tưởng tượng như được nhìn ra cả “vũ trụ” bao la. Phần cửa chính của 2 Tháp đều quay về hướng Nam. Tháp được xây bằng gạch nung xếp chồng lên nhau bởi một chất kết dính đặc biệt. Đây là một kỹ thuật vô cùng độc đáo của người Chăm xưa mà cho đến nay vẫn chưa được giải mã.
Kết tinh văn hóa
Kiến trúc Tháp Đôi không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chăm, mà là một cấu trúc gồm hai phần chính: khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong, các góc tháp được tạo tác những bức tượng chim thần Garuda trong tư thế đôi chân hơi chùn lấy thế đạp vào góc tường tháp, hai cánh tay giơ thẳng hết cỡ như muốn nâng đỡ mái tháp, khuôn mặt khắc khổ và dữ tợn. Kiến trúc này là sự hòa quyện giữa lối kiến trúc đặc trưng của tháp Champa và phong cách nghệ thuật Khmer thời Angcovat - Bayon.
Tín ngưỡng độc đáo
Tiêu biểu cho sự ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ, bên trong Tháp Đôi cũng thờ Linga và Yoni, là biểu tượng sống động thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm xưa, nhằm cầu mong vạn vật sinh sôi nảy nở sung túc.
Lễ hội Tháp Đôi
Lễ hội Tháp Đôi diễn ra vào tối Mồng 2 tết âm lịch tại di tích Tháp Đôi, Quy Nhơn. Người dân nơi đây sẽ có cơ hội tham gia, trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian truyền thống, đồng thời có thể có thêm nhiều kiến thức về những nét truyền thống văn hóa của người Chăm ngày xưa. Đêm hội có nhiều tiết mục đặc sắc như: trống hội, múa lân, hát múa Chăm tôn vinh vẻ đẹp Tháp Đôi huyền ảo, quyến rũ.