Từ thời Tiền - Sơ sử, cư dân các nền văn hóa cổ ở Việt Nam đã biết chế tác và sử dụng đồ trang sức. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều công xưởng chế tác đồ trang sức thể hiện kỹ thuật tinh xảo.
Trang sức là một loại hình di vật đặc biệt, không chỉ với mục đích làm đẹp cho con người mà còn biểu thị trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác; qua đó chúng ta có thể hình dung được sự phát triển của tư duy thẩm mỹ người Việt qua từng thời kỳ lịch sử.
Từ thời Tiền - Sơ sử, cư dân các nền văn hóa cổ ở Việt Nam đã biết chế tác và sử dụng đồ trang sức. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều công xưởng chế tác đồ trang sức thể hiện kỹ thuật tinh xảo. Không chỉ dùng để làm đẹp, đồ trang sức còn được sử dụng với ý nghĩa là chỉ dấu tình trạng cá nhân, vật hộ mệnh, biểu hiện sự tôn quý, khẳng định quyền lực và sự giàu có của chủ nhân, phục vụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng...
Với nguồn nguyên liệu phong phú, dưới bàn tay khéo léo, sự sáng tạo và óc thẩm mỹ tinh tế của các thế hệ người Việt Nam, đồ trang sức ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, tinh xảo và giàu tính nghệ thuật.
Nhằm giới thiệu khái quát về kỹ thuật, chất liệu chế tác; ý nghĩa, giá trị sử dụng đồ trang sức của người Việt qua các thời kỳ lịch sử, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang tổ chức trưng bày chuyên đề Trang sức cổ Việt Nam, với gần 140 hiện vật quý hiếm từ thời Tiền - Sơ sử (thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo) cho đến đầu thế kỷ XX. Đây hầu hết là hiện vật gốc đang lưu giữ tại Bảo tàng, trừ chiếc mũ miện bằng vàng, văn hóa Chămpa, thế kỷ XVII - XVIII, được phục dựng.
Ngay từ thời Tiền - Sơ sử, người Việt đã có các công xưởng chế tạo đồ trang sức. Đồ trang sức thời Tiền - Sơ sử chủ yếu hạt chuỗi, các loại vòng tay, vật đeo..., được làm từ chất liệu đá, xương, răng, sừng động vật và vỏ nhuyễn thể, là chỉ dấu cho biết địa vị, quyền lực của người mang nó. Bước sang thời dựng nước đầu tiên, cách ngày nay khoảng 2500 - 2000 năm, đồ trang sức khá phong phú về hình dáng, chất liệu và mang tính mỹ thuật cao.
Đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn là các loại vòng đeo tay, vòng đeo chân, lục lạc, khóa thắt lưng, trâm cài đầu... bằng đồng. Sưu tập trang sức văn hóa Sa Huỳnh có màu sắc đa dạng, chất liệu phong phú, nổi bật là khuyên tai hai đầu thú, chất liệu đá và thủy tinh, có nguồn gốc bản địa. Ngoài ra còn có các loại khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai ba mấu, khuyên tai bốn mấu...
Thời kỳ này cũng ghi nhận sự giao lưu văn hóa của cư dân văn hóa Sa Huỳnh bởi các loại khuyên tai này cũng được tìm thấy ở Thái Lan, Philippines; các loại hạt chuỗi thủy tinh xanh và mã não nguồn gốc giao lưu từ Ấn Độ. Sang đến văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - VIII sau CN), trang sức chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Ấn Độ, với loại hình trang sức chủ yếu là khuyên tai, nhẫn, vòng cổ, mặt dây chuyền, vật đeo hộ mệnh... bằng vàng, một số chạm ngọc cầu kỳ.
Mũ xung thiên, thế kỷ XIX - XX |
Đặc biệt, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu tương đối đầy đủ sưu tập trang sức thời chúa Nguyễn thế kỷ XVIII và cung đình Nguyễn thế kỷ XIX - XX. Đây là một sưu tập quý hiếm và hoàn mỹ, thể hiện trình độ kỹ thuật, nghệ thuật chế tác đạt tới đỉnh cao. Các loại dây chuyền, mặt dây chuyền, vòng tay, bao tay, khuyên tai, trâm cài đầu... được chế tác bằng những chất liệu thuộc vào loại quý hiếm bậc nhất thời bấy giờ là vàng, bạc, ngọc, ngà voi, đồi mồi... Trong số này có mũ xung thiên vua đội trong những buổi thiết triều.
Được làm bằng vàng, đá quý, ngọc trai và vải, chiếc mũ thể hiện trình độ chế tác điêu luyện, trang trí cầu kỳ hình rồng 5 móng, mây và mặt trời. Hay chiếc bác sơn (trang sức che trán của phụ nữ hoàng tộc thời chúa Nguyễn) bằng vàng nạm đá quý, thế kỷ XVIII. Hiện vật có hình 3 ngọn núi được chế tác tinh xảo hoa văn mây, sóng nước, chim phượng và hoa lá.
Chiếc trâm cài tóc của phụ nữ hoàng tộc thời chúa Nguyễn cũng được đậu, chạm tỉ mỉ, tinh xảo, đầu trâm gắn cành hoa đào, hoa cúc, có bướm, chuồn chuồn đậu quanh..., thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của thợ kim hoàn Việt Nam. Về xuất xứ của trang sức cung đình thời Nguyễn, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Đình Chiến cho biết, triều Nguyễn có ngự xưởng - xưởng chế tác riêng của nhà vua, tập trung đội ngũ thợ tốt nhất trong nước. Vì thế, các sản phẩm này có thể được sản xuất tại chỗ.
Có một điều đáng tiếc là bộ sưu tập Trang sức cổ Việt Nam thiếu vắng trang sức thời Lý - Trần - Lê. Theo ông Nguyễn Đình Chiến, đây là một khoảng trống, vì không dễ tìm được các hiện vật liên quan đến thời kỳ này, mặc dù kỹ thuật chế tác đồ vàng thời đó rất cao.
(Theo NĐBND)