Văn học dân gian, các giai điệu dân gian mãi là nguồn nuôi dưỡng và gạn lọc đời sống tinh thần con người. Những giai điệu đẹp không những làm phong phú tâm hồn mà còn làm cao cả con người. Cuộc sống dù có hiện đại đến đâu, trong thực đơn văn hóa cũng cần phải có một món dân ca...
Với địa bàn thuận lợi cho việc tiếp nhận và giao lưu, vùng đất Nam Trung bộ đã tiếp thu được nhiều nguồn văn hóa: phía Bắc vào, Tây nguyên xuống, Nam bộ ra và nguồn văn hóa Chiêm Thành ngay tại địa phương. Nhân dân Nam Trung bộ vốn đã có sẵn hàng nghìn câu hát, hàng trăm làn điệu dân ca, trong đó có rất nhiều những điệu hò mang âm điệu khỏe khoắn và lãng mạn. Dù là hò khoan, hò đò, hò đi cấy, hò tát nước, hò giã gạo hay hò giựt chì... điệu nào cũng nhằm hướng đến sự rung cảm của tâm hồn, sự gợi mở của nhiều tầng tâm thức. Và, dù là hò gì đi chăng nữa, vấn đề muôn thuở của con người là tình yêu vẫn được dành phần ưu tiên nhất.
Nước dưới sông lững đững
Mây đưa gió dật dờ
Tơ duyên đã buộc sờ sờ
Qua đây bậu đó còn chờ đâu xa.
Hò Nam Trung bộ hầu hết là hò lao động. Nó diễn tả những thao tác làm việc trong cuộc sống hàng ngày theo nhữn nhịp điệu khác nhau. Tuy nhiên, yếu tố trữ tình vẫn luôn luôn đưỢc lồng vào một cách khéo léo. Vì thế hò lao động vừa cổ vũ, tạo nhịp điệu cho công việc vừa chuyển tải tâm tư tình cảm con người.
Ai trắng như bông, lòng tôi không chuộng
Người đó đen giòn làm ruộng tôi thương
Biết rằng dạ có vấn vương
Để tôi cậy mối tìm đường sang chơi.
Khởi phát từ những lời lẽ chân thật, mỗi câu chữ trong từng điệu hò cũng rất chân thật. Chân thật nên gần gũi, nên dễ rung động. Có những câu hò rất giống các kiểu hò huê tình, đong đưa, đùa cợt nhưng cũng có những câu âm điệu ai oán, não nùng. Mỗi sắc thái tình cảm hiện lên cụ thể nhưng cũng rất ví von để người nghe thấy lắng vào lòng, thấy ngấm vào gan ruột.
Đây là lời thề của một chàng trai quê, vừa là lời khẳng định sự cương quyết trong tình yêu:
Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
Chết thời mặc chết, buông nàng (tôi) không buông.
Còn đây là lời thề thủy chung của người con gái:
Giàu như anh sớm canh chiều cá
Nghèo như em sáng rổ rau má chiều trả cua đồng
(Nhưng) công cha em không bỏ, nghĩa chồng em không quên.
Tình yêu đôi lứa trong câu hò Nam Trung bộ có rất nhiều cung bậc. Đó là những giận hờn oán trách, đó là lời tán tỉnh bóng gió xa xôi, đó là lời thề thủy chung son sắt... Cũng có khi đó là những lời than thân trách phận, khóc thương cho duyên số lỡ làng... Tất cả những biểu hiện tình cảm đó ở nhiều khía cạnh khác nhau đều nhằm hướng đến ca ngợi tình yêu, khẳng định tình yêu. Đối tượng thứ 2 - người nghe - chính là đối tượng mà người hò hướng đến, để tâm sự, để tỏ bày: không có cái dữ dội của tình yêu hiện đại nhưng có cái mạnh mẽ của ý hướng "muốn có nhau". Đó là những lời tâm sự không phô diễn mà kín đáo, không cuồng nhiệt mà vẫn đủ độ mặn nồng, không lời hoa bướm nên chân thành rất mực.
Thuốc ngon Bình Định
Giấy quyến Sa Huỳnh (1)
Ai xa thì mược nẫu, hai đứa mình đừng xa.
Hay:
Mưa sa nhỏ giọt như dầu
Khổ thời anh chịu chứ lìa nhau anh không lìa.
Không chỉ có tán tỉnh, hẹn thề, hò Nam Trung bộ còn đề cập đến vấn đề - thân phận con người, thân phận tình yêu. Đó là những "Thân em như trái bòng bong", "Thân em như hạt mưa sa", "Số anh là số long đong", "Đời anh lên núi xuống rừng"... Tất cả tạo nên tính phức điệu, đa thanh trong từng câu hò điệu hát.
Nghĩ tơ duyên đã lỡ
Giận căn nợ bời bời
Đau lòng ai lắm ai ơi
Xui chi cho gặp để chẳng trọn đời với nhau.
Đây là lời than thân trách phận còn bóng gió. "Gặp ông Tơ hỏi sơ cho biết, Gặp bà Nguyệt gạn thật cho rành" chỉ là một cách nói, để vơi bớt nỗi lòng mà thôi. Các đối tượng yêu còn vượt lên trên liệu pháp tinh thần đó và nói thẳng với người cần phải nói:
Anh nói với em như rìu chém xuống đá
Như rựa chém xuống đất
Như mật rót vào tai
Bây chừ anh nỡ nghe ai
Bỏ em giữa chốn non đoài hở anh?
Kỷ niệm cũng được đem ra để oán trách kẻ bạc tình:
Hồi nào đi tát nước cùng kêu cùng hú
Hồi nào đào hang củ cũng rủ cũng ren
Bây giờ trống nọ xa kèn
Đàn kêu tiếng khác anh quen ai rồi?
Trong tình yêu, dường như mọi cử chỉ đều có giá trị biểu cảm. Mọi lời ví von, so sánh đều là những cách bày tỏ tâm tình. Trong hò Nam Trung bộ, vấn đề tình yêu đôi lứa được đặt vào những khung cảnh gần gũi, những hành động bình thường. Trong nhiều trường hợp, đó là con đường cần thiết cho một người thích đi vòng vo trên hành trình tìm đến tình yêu. Chàng trai nông dân thì mượn cảnh "sương sa trời đất mờ mờ", chàng trai sông nước thì mượn "đèn treo cột đáy" (2) để nói lòng mình. Những hình ảnh này tạo ra sắc thái gần gũi trong lời ca, tạo nên sự lung linh của "phông" cảnh. Vì thế, hò lao động trở nên dễ nhớ, dễ nghe và nhất là dễ tác động vào lòng người hơn.
Có một điều ai cũng quí - đó là lòng bao dung. Trong tình yêu, bao dung là cách để nuôi dưỡng tình yêu, để tôn vinh tình yêu và là nhịp cầu hạnh phúc trong chuyện lứa đôi. Họ cũng đã nói lên điều ấy.
Con cuốc lẻ đôi cuốc ngồi than khóc
Huống chi hai đứa mình phân tóc chia tơ
Giận nhau vác phạng chém bờ
Chém nhằm bể sống, lưỡi giơ lên trời.
Văn học dân gian, các giai điệu dân gian mãi là nguồn nuôi dưỡng và gạn lọc đời sống tinh thần con người. Những giai điệu đẹp không những làm phong phú tâm hồn mà còn làm cao cả con người. Cuộc sống dù có hiện đại đến đâu, trong thực đơn văn hóa cũng cần phải có một món dân ca...
Nguồn : Áo Trắng