Trong rất nhiều địa danh nổi tiếng ở Tây Ninh, Tòa Thánh là một trong những điểm mà mọi du khách đều muốn ghé thăm khi đến với vùng đất cực Tây của vùng Đông Nam Bộ.
Tòa Thánh Tây Ninh
còn được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc là Đền Thánh.
Công trình tọa lạc tại đường Phạm Hộ Pháp, thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây
Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 5km về phía Đông Nam và cách Thành
phố Hồ Chí Minh khoảng 100km về phía Tây.
Cái tên Tòa Thánh Tây Ninh do người dân quen gọi mà ra. Trong đạo
Cao Đài, tên gọi đầy đủ của Đền Thánh là “Tòa thánh Đại đạo Tam Kỳ Phổ
độ” hay “Tòa thánh Cao Đài”. Cụm công trình với hơn 100 công trình kiến
trúc lớn nhỏ nằm trong khuôn viên rộng hơn 1,2km2, chung quanh có 12 cổng. Các cổng đều được chạm khắc hình Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và hoa sen.
Trung tâm của cụm công trình này là Tòa Thánh dài 135m, rộng 27m.
Cửa chính hướng về phía Tây với tam đài cao 36m, hiệp thiên đài (hai lầu
chuông và trống) cao 27m, nghinh phong đài, cửu trùng đài và bát quái
đài cao 36m. Có rất nhiều phần công trình trong Tòa Thánh được xây theo
kích thước là những bội số căn bản của 9.
Công trình đồ sộ này được xây trong hơn 20 năm (từ năm 1926 đến năm
1947), qua 5 kỳ tạo dựng. Trong suốt thời gian xây dựng Tòa Thánh, tất
cả các công đoạn đều làm bằng tay và không dựa trên bất kỳ giấy tờ, hình
vẽ nào mà hoàn toàn dựa vào người lao động. Điều lạ là, rất nhiều người
là nông dân chưa từng học qua trường lớp mỹ thuật nào, họ cũng không vẽ
trước bản kiến trúc mà xây dựng theo sự hướng dẫn của cơ bút mà vẫn tạo
tác thành công hàng chục ngàn họa tiết điêu khắc, hàng chục bức tượng
đạt trình độ mỹ thuật cao.
Đáng chú ý, trong suốt thời gian này, những người tham gia xây
dựng công trình phải lập Hồng thệ (không lấy vợ, lấy chồng), nhằm giữ
“tinh khiết” để tạo tác Tòa Thánh, một công trình được người theo đạo
Cao Đài coi là Thiên ý (ý trời) hợp cùng Nhân lực (sức người) tác tạo
nên. Đây là nơi thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài, được gọi
là Tổ Đình, bởi Tây Ninh được coi là vùng đất tổ của đạo. Theo giáo lý,
đạo Cao Đài có tôn chỉ: Quy nguyên Tam giáo (hòa chung Khổng giáo, Đạo
giáo, Phật giáo) và Phục nhất Ngũ chi (thống nhất 5 nhánh Nhân đạo, Thần
đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo).
Hằng ngày, các tín đồ đạo Cao Đài sẽ có 4 khóa lễ vào các giờ Tý,
Ngọ, Mão, Dậu. Theo quy định, nam giới sẽ vào Chính điện bằng cửa bên
phải, trong khi nữ giới sẽ đi cửa phía bên trái.
Các nam tín đồ đi vào chính điện qua cửa bên phải.
Trước giờ hành lễ...
Cửu trùng đài (Chính điện) là nơi thu hút du khách nhất trong Tòa
Thánh. Khoảng không gian dài 81m, rộng 27m, được phân chia với các không
gian khác trong Chính điện bằng 18 cột trụ chia làm hai bên, được chạm
khắc, trang trí hình rồng tinh xảo.
Các hàng cột trụ này phân khu vực Cửu trùng đài thành 9 gian, mỗi
gian chênh nhau 18cm. Đây chính là khu vực hành lễ của mỗi phẩm cấp tín
đồ. Khi buổi lễ cúng diễn ra, các chức sắc và tín đồ mỗi người sẽ có một
vị trí riêng tương ứng với hàng phẩm của mình trong đạo Cao Đài. Bên
trên trần là tạo hình sơn vẽ hình ngôi sao, hình mây tượng trưng cho các
tầng trời.
Bát quái đài là khu vực nằm ở phía cuối của Đền Thánh, là phần đuôi
của Long Mã hướng thẳng về phía Đông. Bát quái đài có phần mái được sơn
màu vàng. Khu vực này có 8 cột trụ rồng xếp thành hình Bát Quái. Ở giữa
là quả Càn Khôn với đường kính 3,3m. Đây cũng chính là phần đặc biệt của
Tòa Thánh so với các thánh thất khác của Đạo Cao Đài. Quả Càn Khôn biểu
trưng cho vũ trụ quan của đạo. Tâm của Càn Khôn đặt một ngọn đèn tên là
Thái Cực, được giữ sáng suốt ngày đêm. Chung quanh hình vẽ Thiên Nhãn
trên Càn Khôn, còn có 3.072 vì sao thể hiện cho 72 quả địa cầu cùng với
3.000 thế giới.
Không khí trang nghiêm trong giờ hành lễ.
Vào giờ cử hành thánh lễ, chỉ có người theo đạo Cao Đài mới được đi vào khu vực đại điện.
Không khí trang nghiêm trong giờ hành lễ.
Họa tiết độc đáo tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Hình tượng mắt Thiên nhãn tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Một trong 12 cổng dẫn vào Tòa Thánh trong ráng chiều.
Các tín đồ rời khỏi Tòa Thánh sau khóa lễ.
Các tín đồ rời khỏi Tòa Thánh sau khóa lễ.
Không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo quan trọng của các giáo dân
đạo Cao Đài, với lối kiến trúc vô cùng độc đáo cùng lịch sử lâu đời
được chính bàn tay những người nông dân chưa từng được đào tạo xây dựng
nên, Tòa Thánh Tây Ninh còn được xem là một trong những địa điểm tham
quan du lịch hút khách bậc nhất miền Đông Nam Bộ.
THÀNH ĐẠT-SƠN BÁCH
Nguồn: Báo Nhân Dân