Vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc, không điện, không sóng điện thoại, chỉ có núi đồi trập trùng, tiếng gà, lợn, côn trùng rả rích… của Hang Táu (Mộc Châu) khiến nhiều du khách say mê.
Mình là Bùi Ngọc Công, thường được biết tới với cái tên thân mật - Rọt. Mình 24 tuổi và hiện đang là một Travel Blogger, sở hữu trang cá nhân “Blog của Rọt” chia sẻ hình ảnh, thông tin về các điểm đẹp dọc đất nước như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Huế, Hội An, TPHCM,....
Mới đây mình đã có chuyến hành trình “đi ngược thời gian”, trở về với “cuộc sống thời nguyên thủy”: không điện, không sóng điện thoại, không ồn ào, khói bụi. Nơi giúp mình trải nghiệm cảm giác “xuyên không” đó là Hang Táu - hay còn có biệt danh là “Làng Nguyên Thủy”.
Hang Táu thuộc bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây được xem là một trong những nơi còn nguyên sơ nhất của cao nguyên Mộc Châu, cách trung tâm thị trấn khoảng 18km.
Nghe tên, nhiều người lầm tưởng đây là khu vực hang động nhưng thực ra địa danh này là một khu canh tác, sản xuất nông nghiệp rộng khoảng 1ha. Khung cảnh nơi đây vô cùng hoang sơ, như một thảo nguyên thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc. Vài năm gần đây, Hang Táu trở thành địa điểm thu hút tín đồ du lịch.
Mình từng tới Hang Táu lần đầu vào tháng 1/2021 và quay lại vào cuối tháng 11 vừa qua. Vẻ đẹp hoang sơ, bao quanh bởi núi non trùng điệp, chưa có tác động quá lớn để phục vụ du lịch đã níu chân mình quay lại. Tới đây, mình thấy tâm hồn bình yên vô cùng!
Hang Táu chưa có định vị trên Google Maps nên khi tới thị trấn Mộc Châu du khách nên hỏi đường người dân địa phương. Trong đó, đoạn đường khoảng 7km từ bản Tà Số 1 đến Hang Táu khá dốc, nhiều đoạn đầy sỏi đá gập ghềnh, lởm chởm, di chuyển khó khăn. Muốn vượt qua đoạn đường, bạn nên đi xe số, loại xe tốt, khỏe và có tay lái vững chãi.
Đến Hang Táu vào cuối tháng 11, các cánh đồng cải trắng bắt đầu bung nở, trải dài khắp thung lũng
Trong cảm nhận của Rọt, phong cảnh nơi đây đẹp không kém Thụy Sĩ trong các thước phim
Ở đây, những căn nhà gỗ người H'Mông nằm thành cụm biệt lập trong thung lũng, tựa vào núi đá, xung quanh là rừng xanh, vườn cây ăn quả và nương ngô xanh tốt. Người dân làm nông, làm rẫy, tự nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống bình yên như thế kỉ trước.
Người dân ở đây vẫn sống “như thời nguyên thủy”: không điện, không sóng điện thoại. Nguồn nước được họ lấy từ suối, thác
Tới Hang Táu, du khách sẽ cảm nhận thấy sự bình yên, không khí mát mẻ, tiếng chim hót lảnh lót. Ngoài việc chụp ảnh, mình còn được hòa mình vào cuộc sống của người H’Mông: trải nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, xem cách phụ nữ thêu váy, cùng đào măng, bắt gà, thưởng thức rượu ngô…
Người dân ở đây thân thiện, gần gũi. Nhưng ban ngày họ thường đi làm trên nương, trong rừng nên ở làng chỉ còn người già, trẻ em.
Nếu đến Hang Táu dịp cuối tuần, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều trẻ em
Trẻ em nơi đây rất vô tư, trong sáng. Rọt có chuẩn bị một chút quà bánh, làm món quà nhỏ tặng các em. Những đứa bé thích thú, cười lảnh lót, tiếng cười vang trong không gian, khiến mình cũng yêu đời hơn
Hang Táu đẹp nhờ khung cảnh hoang sơ, bình yên nên theo mình, du khách có thể tới tham quan nơi này bất cứ thời điểm nào trong năm.
Mỗi mùa Hang Táu mang một vẻ đẹp riêng. Mùa xuân, trên đường vào Hang Táu, du khách sẽ gặp các triền hoa mận khoe sắc bên cạnh những nương ngô, trảng cỏ. Cuối thu, đầu đông, nơi đây bạt ngàn các loại hoa khoe sắc: cải trắng, hoa đào. Tuy nhiên, du khách nên xem kĩ thời tiết vì nếu tới đây vào ngày mưa, nhất là tầm tháng 7 - 8, đường đi sình lầy, trơn trượt, rất khó đi.
Mỗi mùa nơi đây có một vẻ đẹp riêng
Với mình, đây là nơi tuyệt vời để “reset” bản thân. Các bạn có thể tới đây picnic, cắm trại qua đêm. Ban đêm, có thể ngồi giữa thung lũng nướng ngô, khoai, nướng gà, cảm nhận không khí trong lành, lắng nghe tiếng côn trùng rả rích.
Điều khiến mình hơi bất ngờ trong chuyến quay lại Hang Táu này là nơi đây bắt đầu bán vé cho khách du lịch. Du khách phải trả 30.000 đồng/người để được vào trong làng. Trên đường đi, mình bắt gặp chiếc xe tải chở cát, xe cẩu vật liệu. Có lẽ, khu vực này đã bắt đầu tiến hành xây dựng. Mình hơi lo lắng về điều này!
Bên trong làng không bán nước, đồ ăn nên các bạn nên chuẩn bị trước. Tuy nhiên, nhớ thu dọn rác nhé, chỉ nên “để lại dấu chân” mà thôi.
Theo Vietnamnet
Sưu tầm: Ngô Diệp