Sông Gâm không chỉ gắn liền với ngọn nguồn sự sống của người bản địa vùng Đông Bắc, là thủy lộ nối liền 4 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, mà nó còn ẩn chứa nhiều vẻ đẹp hoàn mỹ chốn sơn cùng thủy tận.
Trong suốt chiều dài 217 km chảy vào địa phận Việt Nam, sông Gâm uốn mình, trôi xuôi theo hình cánh cung, giữa những dãy núi cao ngất cấu tạo bằng đá phiến thạch anh, cát kết và đá vôi qua quá trình vận động, kiến tạo làm nên những cảnh sắc đẹp tuyệt vời.
Thuyền xuyên qua hẻm núi đá đổ cao chót vót tới mức những đám mây trắng bồng bềnh cứ thay nhau sà xuống bủa vây |
Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất chính là đoạn sông dài non 100 km, nối liền Hà Giang với Na Hang - Tuyên Quang.
Đó là cuộc giang trình khởi đầu từ hẻm núi mang tên khe đá Đổ, tựa như một “Thủy Môn Quan” trên dòng nước biếc. Rồi không gian lại mở ra một thế giới toàn núi rừng trùng trùng điệp điệp ngập trong mây trời.
Những đám mây phảng phất như khói sương lúc tản mạn trôi lãng đãng đầu non, khi ùn lại thành đám bông trắng sà xuống tận chiếc thuyền câu đang gác chèo, thả lưới...
Và không gian đôi bờ sông Gâm còn quyến rũ với vẻ đẹp thình lình: bản làng người Mông mộc mạc bất ngờ lộ diện sau một khúc quanh, những ngọn thác như dòng sữa len lỏi dưới tán cây rừng rồi tung bọt trắng xóa trên mặt sông...
Với người ở Na Hang - Tuyên Quang, Vài Phạ tên gọi một cột đá sừng sững hay cọc buộc trâu trời theo tiếng dân tộc Tày giữa hàng trăm đảo đá vôi giăng khắp mặt sông là nơi sơn kỳ thủy tú, ít nơi nào có cảnh quan kỳ bí, say lòng người đến thế.
Núi đá lô nhô, lúc dàn trải hệt những quân cờ uy nghi, trầm mặc lúc thì gối lên nhau tầng tầng, lớp lớp đến tận trời xanh. Thảng hoặc, xuất hiện chiếc thuyền chèo, hình dáng đầy gợi cảm len lỏi giữa rừng đá, rồi khuất dần sau làn sương núi, không biết đi đâu về đâu.
Cảnh sắc hoang dại, thanh vắng đến nao lòng...
(Theo Tuổi trẻ)