LẠNG SƠNHang Nà Lả có rất nhiều thạch nhũ, măng đá hình dạng độc đáo, cùng các thác nhũ đá khổng lồ và lấp lánh ánh vàng.
Hang Nà Lả, trước đây thuộc xã Vân Mộng nay thuộc xã Liên Hội (sát nhập 3 xã Vân Mộng, Phú Mỹ và Việt Yên kể từ tháng 11/2019), nằm ở phía bắc huyện Văn Quan. Những bụi dương xỉ mọc bám trên các vách đá rêu phong bên ngoài cửa hang.
Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Bùi Vinh Thuận, sống và làm việc tại TP Lạng Sơn, thực hiện trong chuyến khảo sát cùng địa phương cuối năm ngoái.
Đoàn khảo sát tại khu vực bên trong lối vào cửa hang và chuẩn bị hành trình khám phá hang. Chuyến đi có sự hỗ trợ của người dân địa phương là anh Lương Đình Đoạn (thứ tư từ trái sang, mang đôi ủng xanh).
Vào mùa khô lạnh, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, là thời điểm thích hợp khám phá. Còn vào hè, mưa lớn có thể ngập suối ngầm chảy trong hang.
Anh Đoạn cho biết, từ thị trấn Văn Quan, đi khoảng 13 km theo hướng quốc lộ 1B và đường tỉnh 232 tới trung tâm Vân Mộng. Sau đó, kết hợp đi xe máy trên đường bê tông và đường mòn gần 1 km là tới khu vực hang Nà Lả. Tuy nhiên, phải lội một quãng đường nữa, có đoạn bùn lầy mới tới cửa hang.
Sau khi vào cửa hang được khoảng 50 m, phần hang bắt đầu mở rộng dần và chia hai ngã rẽ. Đoàn khảo sát rẽ trái, còn rẽ phải là dòng suối ngầm. Dọc lối đi bên vách hang là các khối thạch nhũ (hay nhũ đá) còn nguyên sơ. Khi rọi đèn pin, các khối nhũ đá này hiện ra kỳ vĩ, lấp lánh như được dát vàng.
Trong hang tối mịt nên mọi người phải chuẩn bị đèn pin, giày đi bộ hoặc ủng. Với các nhiếp ảnh gia nên mang thiết bị quay, chụp ảnh cầm tay gọn, nhẹ để thuận tiện di chuyển và tác nghiệp.
Anh Thuận cho hay đoạn hang mà đoàn khảo sát tới được dài gần 200 m, có đoạn phải khom sát nền hang mới bò qua được. Khu vực rộng nhất có đường kính khoảng 15 m và trần cao khoảng 5 m.
Sau khi đi được khoảng 100 m đầu sẽ gặp đường cụt, tuy nhiên có khe hẹp sát nền hang kéo dài khoảng 10 m vừa một người bò qua từ từ. Chui lách lọt qua khe hẹp bên kia là cả một không gian của nhũ đá, măng đá đầy ấn tượng, trong đó có “tầng thác nhũ đá” như cảnh tượng thác nước đang đổ xuống.
Mảng thạch nhũ trải dài và có hình dạng “gợn như sóng biển”. Theo các nhà khoa học, thạch nhũ được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng nghìn năm. Đây còn gọi là khoáng vật “treo” trên trần hay tường của các hang động.
Mỗi không gian hang là nền kiến tạo địa chất với những hình dáng thạch nhũ, măng đá khác nhau giống như cối xay (ảnh), vườn đỗ, ruộng bậc thang hay khu vườn mít.
Đoàn khảo sát đi sang một khoang khác thì gặp “khu vườn đỗ” với những hạt đá kết tròn như hạt đỗ, kích thước không đều nhau. Đoạn hang vườn đỗ có chiều dài khoảng 30 m và bề rộng tầm 5 m.
Trong "khu vườn đỗ" này, măng đá vẫn đang mọc và nhú lên. Măng đá là một dạng trầm tích hang động phát triển từ nền hang động đá vôi, với hình măng, nón thấp nhỏ. Măng đá và nhũ đá gặp nhau tạo thành cột đá.
Trong không gian tĩnh lặng, có thể nghe rõ tiếng nước rơi tí tách. Đoàn gặp bất ngờ này đến bất ngờ khác, đáng chú ý là khu nền địa chất hang có hình dạng như ruộng bậc thang còn đọng nước.
Khi vào sâu trong hang xuất hiện các nhũ đá to như quả mít cỡ một người ôm (ảnh) và có bề mặt sần sùi. Ngoài ra, còn có một hố đá vôi sâu cỡ 2 m.
Đang tò mò quan sát thạch nhũ, măng đá thì đoàn nghe tiếng lạch cạch trong các khe đá vôi, rọi đèn pin thì đó là cua đá chân màu tím, nâu vàng với kích cỡ chừng ba, bốn ngón tay. Trong ảnh là con cua cái mang trứng đang vào mùa sinh sản.
“Bên trong hang có dòng suối ngầm chảy qua và dòng nước rẽ sang vùng rừng núi khác là môi trường sống lý tưởng cho cua đá. Trong yên vắng, tiếng bò lạch cạch của chúng trên thành nhũ làm mọi người một phen hết hồn, ngỡ là rắn đuôi chuông”, anh Thuận kể lại.
Đoàn vào sâu bên trong hang một đoạn nữa thì bắt gặp khối nhũ đá có hình dạng như “múi sầu riêng” khổng lồ. Sự lộng lẫy của những khối nhũ đá màu vàng ươm khi có ánh đèn chiếu vào làm ai cũng mê say.
Anh Đoạn cho hay, hiện chưa biết chiều dài chính xác của hang. Nếu vào sâu nữa là gặp tầng hang cạn thông lên trên núi, xung quanh là rừng núi Vân Mộng bao phủ. Đến trưa thì đoàn khảo sát quay ra ngoài theo đường cũ.
Hang Nà Lả được xem là nguồn tài nguyên du lịch của huyện Văn Quan, do người dân trong vùng phát hiện từ lâu nhưng nay mới bắt đầu được địa phương khảo sát, đánh giá để định hướng phát triển du lịch. Hang nằm trong hệ thống điểm du lịch vừa được UBND tỉnh đưa vào Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho huyện Văn Quan trong tương lai không xa.
Huỳnh Phương