Vĩ Dạ ơi! Đừng trách "Sao không về chơi thôn Vỹ, Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên" (1). Tôi đã về nơi Hàn Mặc Tử gửi hồn thơ ấy, cũng đã đến thăm khu kinh thành rực rỡ vàng son nằm bên tả ngạn sông Hương với cửa Ngọ, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Kiên Trung, cung Khôn Thái... cổ kính, lầu Tàng Thơ, hồ Tịnh Tâm man mác hương sen..., khu Đông Ba, khu Gia Hội, khu Bến Ngự tưởng nhớ "ông già Bến Ngự" hơn một lần qua Tây Nam Bộ gieo mầm cách mạng (2)...
Vẻ đẹp sông Hương
|
Tôi cũng đã "ngồi tựa mạn thuyền", bồng bềnh trên sông Hương trước bến Văn Lâu, thả đèn gió, thưởng thức "chầu văn" điệu hò, khúc nhạc Huế. Cặp bến, viếng Thiên Thọ lăng, trèo đồi đến Hiếu Lăng, Xương Lăng, Khiêm Lăng, An Lăng, Tư Lăng, Ưng Lăng... ngân vang đôi câu đối đề trước Tả trực phòng:
"Tứ diện hiên kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ"
"Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư" (3)
Nhưng, cho phép tôi trong bài viết nhỏ hôm nay chỉ ghi lại đôi điều cảm xúc của mình về tình cảm của văn nhân, tài tử Huế mà ông bà ta thường kêu là người ngoài "nớ" - với miền Nam, với những con người trong "ni".
Lăng Minh Mạng
|
Đứng trước lăng Minh Mạng, tôi bỗng văng vẳng bên tai lời thơ tràn đầy xúc cảm chân thành của Miên Thẩm tài học uyên thâm, từng được các nhà văn đương thời suy tôn "nhất đại thi ông". Là con trai thứ 10 của Minh Mạng, sống trong nhung lụa mà ông hoàng ấy lại đậm hồn yêu nước, cảm thông sâu sắc nổi khổ đau của người dân bình thường nước mình từ những năm sau năm 1859 bị quân xâm lược dày xéo non sông.
Đến thăm thành Trấn Hải ở cửa Thuận An - nhiều lần nã đạn vào tàu giặc, làm chậm bước tiến quân cướp nước của bọn chúng - Miên Thẩm bồi hồi gửi gắm lòng mình trong mấy vần thơ tâm sự:
"Đầu thành trăng sáng soi bãi cát
Bờ biển đó đây đầy thuyền chài
Những dũng sĩ đã từng đánh trăm trận giờ đây nghỉ ngơi,
Ngồi trên pháo nhãn của thành thổi điệu sáo Bình Tây"....
Vậy là Miên Thẩm cảm thụ được "hào khí Đồng Nai" - hào khí tiếp nối "hào khí Đông A" của tiên tổ từ ngàn năm xưa truyền lại...
Nghe nhiều bạn Huế hỏi thăm về Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) - quê hương của bà Từ Dũ (mẹ của Tự Đức) và cũng là quê của Ma-ri-ét Nguyễn Hữu Hào (tức Nguyễn Hữu Thị Lan) - vợ Bảo Đại - tôi nhớ nhiều đến cái tình của bà Thái hậu với bà Nguyễn Thị Tồn lần bà lặn lội từ Vĩnh Long ra tận đế đô gióng ba hồi trống trước Tam pháp ty kêu oan cho chồng - tức thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (quê đất Long Tuyền, nay thuộc thành phố Cần Thơ).Sau cuộc hội kiến ấy, cảm kích trước hành động dũng cảm và chí tình, chí nghĩa của bà Tồn, Thái hậu Từ Dũ ban tặng bà Tồn tấm biển đề 4 chữ : "Liệt phụ khả phong" cùng chiếc võng trên có 4 cái gang và can thiệp với Tự Đức đề nhà vua không kết tội tử hình Bùi Hữu Nghĩa.
Xử sự như vậy với bà Tồn, với thủ khoa Nghĩa, trong ý nghĩ thầm kín của bà Thái hậu có chăng niềm kính trọng với "con rồng vàng" miền Nam họ Bùi? Tôi chưa đủ cơ sở để khẳng định. Song vẫn nhớ đã có lần khi nhận xét về ông tiến sĩ Phạm Phú Thứ, Thái hậu Từ Dũ từng nói với Tự Đức rằng: "Người trượng phu không vui ở chức tước cũng như được người trên trọng hay khinh, mà vui ở việc làm chân chính của mình".
Trong những ngày ở Huế, tôi nghĩ nhiều đến một đấng trượng phu đã có những "việc làm chân chính" là cụ Phan Bội Châu, nhà chí sĩ yêu nước, ngọn cờ tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Vào những năm cuối thập kỷ thứ nhất, đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, Phan Bội Châu từng vô . Qua Sài Gòn, Sa Đéc, Cần Thơ v.v... tìm người đồng chí lập hội Đông Du...
Trên đất Tây Đô, cụ Sào Nam từng về Nam Nhã Đường (Còn gọi là chùa Nam Nhã) truyền bá tư tưởng chống Pháp cho Nguyễn Thần Hiến - lúc này đã từ chức Hội đồng quản hạt tỉnh Hà Tiên, về Cần Thơ lập nghiệp. Nhờ được cụ Phan giác ngộ, "tiểu tú tài" Nguyễn Thần Hiến nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tuyệt vời từ hồi còn nhỏ như "rồng gặp mây" trở thành người soi đường, định hướng cho lớp lớp thanh niên yêu nước ở miền Tây Nam Bộ thuở đó. Rồi con ông và chính ông cũng Đông Du tìm đường cứu dân. Cùng với Phan Bội Châu (đại diện miền Trung), Nguyễn Thượng Hiền (đại diện miền Bắc) - Nguyễn Thần Hiến (đại diện miền ) trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng lão thành cao nhất của Hội Việt quang phục khi hội này được thành lập hồi tháng 3/1912 (năm Nhâm Tý) ở Hương Cảng.
Nhìn tấm hình Nguyễn Thần Hiến trang trọng đặt bên hình Phan Bội Châu trên bàn thờ Phan tiên sinh ở cố đô Huế, ai là người miền Nam chẳng thấy dâng lên trong lòng mình niềm cảm xúc lâng lâng... đầy tự hào. Trở về thành phố Hồ Chí Minh - nơi phế đế Thành Thái trút hơi thở cuối cùng sau 47 năm bị giam lỏng ở Vũng Tàu, rồi bị đày sang đảo Rê-uy-ni-ông giữa Ấn Độ Dương (4) về Cần Thơ - nơi cách đây hơn 8 thập kỷ Phan Bội Châu từng bàn chuyện cứu nước với Nguyễn Thần Hiến, nhớ Huế, trong tôi càng đậm đà thêm cái tình của Huế đối với miền Nam.
Quehuongonline