Hồ Tây còn là một kho báu của văn hóa dân gian. Quanh hồ có khoảng 20 đền miếu và 20 ngôi chùa thờ các vị thần có phát tích hoặc từng đến đây rèn dân, lập nghiệp, tiêu biểu là nghề dệt và giấy.
Với diện tích hơn 500 ha mặt nước và chu vi kéo dài tới 17 km, hồ Tây là một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Theo sách “Tây Hồ Chí” thì từ thời Hùng Vương, hồ là một cái bến ở cạnh và vẫn thông với sông Hồng, cho đến thời Hai Bà Trưng thuộc động Lâm Ấp của thôn Long Đỗ, rồi thành hồ do biến đổi địa chất từ thời này qua thời khác, cộng với tác động của con người. Xung quanh hồ có nhiều khu rừng rậm rạp như rừng gỗ tầm ở giữa, rừng tre ngà phía Tây Nam và có rất nhiều muông thú từ hổ, voi, cáo, trâu rừng đến thuồng luồng, giải, rái cá, rùa. Quanh hồ lại có nhiều hang động: Giá La động phía Tây, Nha Lâm động phía Đông, Bình Sa động phía Nam. Hồ có nhiều tên gọi như: Kim Ngưu (trâu vàng), Lãng Bạc (bến có sông lớn), Dâm Đàm (đầm có sương mù).
Năm 1573, vì kiêng tên húy của vua Lê Duy Đàm nên mới đổi tên là Tây Hồ. Từ thời Lý, các làng nghề ven hồ đã đông vui, nhộn nhịp: Trích Sài hái củi, Võng Thị bán lưới đánh cá, Nghi Tàm trồng hoa, Bưởi làm giấy và nhuộm màu… Đời vua Lê Thánh Tông, quanh hồ có 12 phường (12 làng) đắc địa nằm ở thế long ly quy phượng theo phong thủy: Trấn Vũ, Thụy Chương nằm ở thế rùa chầu; Trúc Bạch, Yên Ninh ở thế rồng chầu; Nhật Chiêu, Trích Sài nằm trên thế ly chầu. Riêng Võng Thị, Hồ Khấu ở thế con cá bơi. Các vua đời Lý, Trần vẫn xây hành cung và ly cung cạnh hồ để hóng mát. Triều Nguyễn, năm 1821, vua Minh Mạng ngự giá ra Thăng Long cũng say sưa ngoạn cảnh hồ Tây mùa thu…
Phong cảnh hồ càng kỳ ảo, bí ẩn trong sương và dưới ánh trăng nên đã có rất nhiều thơ, phú ngợi ca: Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa màn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. Các văn sĩ như Nguyễn Mộng Tuân viết: Mặt hồ đáy nước trong xanh/ Quế hương đưa ngát cho thanh lòng trần. Nguyễn Huy Lượng có vế đối: Chày yên Thái nện trong sương loảng choảng/ Lưới Nghi Tàm ngăn dòng nước quanh co. Nguyễn Công Trứ thốt lên: Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đạt/ Trong khí thanh riêng một áng lâm tuyền/ Bóng kỳ dải trăng mặt nước như in…
Hồ Tây còn là một kho báu của văn hóa dân gian. Quanh hồ có khoảng 20 đền miếu và 20 ngôi chùa thờ các vị thần có phát tích hoặc từng đến đây rèn dân, lập nghiệp, tiêu biểu là nghề dệt và giấy. Triều Lý Huệ Tông có nàng Thụ La vốn khéo tay ươm tơ, dệt vải, xin vua lập một phường thủ công ven hồ Dâm Đàm và dạy nghề dệt cho dân chúng, sau được suy tôn là bà chúa dệt. Đời Lý cũng có ông Khổng Lồ được vua cử sang Trung Quốc quyên đồng đen về đúc tượng Phật. Ông đã lấy cả kho đồng đen về nước chia 4 phần đúc tháp Báo Thiên, tượng Phật, đinh và chuông Hồng Chung.
Vì đồng đen là mẹ của vàng nên khi đánh chuông lên, tiếng vang xa đến mức có con trâu vàng bên Tàu chạy sang để nằm bên cạnh mẹ nó. Thấy cái họa gây hiềm khích với các nước nên ông Khổng Lồ ném chuông xuống hồ Tây, con trâu vàng cũng lao xuống theo, vì thế hồ còn gọi là Kim Ngưu, nhân dân thờ ông Khổng Lồ là thần nghề đúc đồng. Còn ở làng Hồ Khẩu có một nghệ nhân đến hướng dẫn dân làm giấy moi, tiếp đó ông sang làng Động Xá dạy cách làm giấy quỳ, sang làng Yên Thái dạy dân làm giấy lệnh, cuối cùng ông đến làng Nghĩa Đô dạy dân làm giấy sắc. Về sau các làng này đều nổi tiếng về nghề giấy và nhân dân tôn thờ ông là vị tổ nghề làm giấy.
Cũng chính bắt nguồn từ cuộc sống lao động dân gian truyền thống mà nơi đây sản sinh ra vô số những giai thoại văn học truyền kỳ, nửa hư, nửa thực nhưng giàu tính nhân văn và vô cùng lãng mạn. Từ thời Lý đã có chuyện cá hồ Tây nhảy lên trời. Nguyên do là ông Hoàng ở làng Lệ Mật đã có công vớt xác công chúa Cả chết đuối ở sông Thiên Đức. Khi vua ban thưởng, ông từ chối, chỉ xin đưa dân đến cư trú, mở mang 13 trại ở Hà Nội. Hồn công chúa cảm ơn ấy nên cứ đến ngày giỗ ông Hoàng lại hóa phép cho cá hồ Tây bay về giếng trước đình Lệ Mật để dân làm cỗ cúng, vì thế có câu hát: Đợi ngày 23 tháng 3/ Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê/ Kinh quán, cựu quán đề huề/ Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.
Thời vua Lý Nhân Tông đã xảy ra vụ kỳ án với khai quốc trạng nguyên Lê Văn Thịnh trên hồ Dâm Đàm. Khi thuyền chở vua và các triều thần đi chơi đến giữa hồ thì sương mù mịt, một con cọp hiện ra lao vào như muốn ăn thịt vua, người lái thuyền Mục Thân ném một tấm lưới để lính vây bắt được cọp thì đó là trạng nguyên Thịnh. Đáng ra tội phải chu di tam tộc nhưng vua nể ông có công to, lại là thầy dạy nên chỉ bắt đi đày. Ông sống thanh bạch cho đến khi mất thì được thờ làm Thành hoàng làng. Đây là một trong vụ án khó hiểu, có thể do người đời thêu dệt? Câu chuyện tình thơ mộng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng diễn ra bên hồ Tây. Khi đi dạo, ông thấy một cô bán chiếu xinh xắn thông minh bèn xuất khẩu bài thơ: Nàng ở đâu ta bán chiếu gon?/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?/ Đã có chồng chưa được mấy con?
Không ngờ cô gái nhoẻn miệng cười ứng đáp ngay: Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Cớ chi ông hỏi hết hay còn/ Xuân xanh đã đến trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có hỏi chi con! Vì bài thơ linh hoạt, mẫn tiệp ấy mà Nguyễn Trãi và cô gái Nguyễn Thị Lộ nên duyên vợ chồng. Còn vào thời Lê Anh Tông, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan cùng hai người bạn đi thuyền chơi trăng trên hồ Tây tình cờ gặp một cô gái trẻ cùng ngâm thơ liên khúc, xong 4 câu, định hỏi quý danh thì bỗng không thấy cô gái đâu nữa mà một tờ giấy màu hồng có chép thơ bay tới: Mây làm xiêm áo, gió làm xe/ Sáng chơi Đâu xuất, chiều từ ráng khói về/ Người đời muốn biết tên ta hử?/ Khách ở bên non: ngọc quỳnh kia! Trạng Phùng giỏi chữ đã đoán được tên nàng tiên là Quỳnh Hoa, tức là công chúa Liễu Hạnh. Và nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng dựng một mái nhà tranh giản dị ở phường Khán Xuân cổ, ngoảnh mặt ra hồ Tây để xem sách, làm thơ và dạy học trò gọi là Cổ Nguyệt đình, đây cũng là một cách chơi chữ của nữ sĩ vì ghép hai chữ lại thành chữ Hồ.
Hồ đình là nhà của cô gái họ Hồ. Nhưng vin vào tên gọi này mà nhiều tài tử mượn cách trêu ghẹo, khích bác nữ sĩ như vế đối: Người cổ lại còn đeo thói nguyệt/ Buồng xuân chỉ để lạnh mùi hương? Hay bài thơ: Trăng xưa đã khuyết mấy lần?/ Phẩm tiên trong giá trắng ngần còn chăng?/ Xa xôi ta nhắn chị Hằng/ Hồ Tây nước bạc xin đừng bóng soi! (có ý chê nàng kén chọn mãi, cam chịu phòng không). Cũng vì sát đình là đền Trấn Vũ nên nhiều nho sĩ thích khoe khoang, giở dói văn chương đề thơ vào vách gác chuông, nữ sĩ bèn có bài thơ đuổi rằng: Dắt díu nhau lên trước cửa đền/ Cũng đòi học nói, nói không nên/ Ai về nhắn nhủ phường lòi tói/ Muốn sống đem vôi quét trả đền!
Hồ Tây còn một đặc sản là chim sâm cầm, thịt ngon và là một vị thuốc bổ vì nó chuyên ăn sâm, cứ mùa đông từ phương Bắc bay về đây tránh rét lại được vỗ béo nhờ hạt sen già hồ Tây. Hàng năm, dân làng Nghi Tàm có thêm nghề đánh sâm cầm để tiến vua nên có câu ca dao:
Vải quang, húng Láng, ngô Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây.
Bây giờ loài chim này trở nên hiếm hơn, nhưng nhiều nhà hàng vẫn bày hũ rượu ngâm những cặp chân chim gọi là sâm cầm! Cứ nhấp một ngụm hồng hồng cay cay ấy, văng vẳng tiếng: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi, màu sương thương nhớ, đàn sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” là thấy hiển hiện cả một vùng hồ Lãng Bạc mộng mơ…./.
Nguồn : Hà Nội ngàn năm