Cuộc sống bình ổn sau luỹ đá giăng thành và cây ngàn trùng điệp của động Hoa Lư hiểm trở không ngăn được tầm nhìn đổi mới trong tư duy của vị vua mở đầu triều Lý.
Lý Công Uẩn đã nhận thức rằng, muốn đưa đất nước phát triển thì nơi đóng kinh đô là quan trọng, phải là nơi hội tụ của bốn phương thiên hạ. Và ông cũng đã nhìn thấy có một dải đất như vậy: thành Đại La với “đất ấy rộng mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa... muôn vật cực kỳ giàu thịnh, đông vui, thật là trọng yếu để bốn phương sum họp”.
Thế là sau khi lên ngôi vua được bốn tháng ông xuống chiếu hỏi ý kiến triều thần về việc dời đô ra Đại La. Năm tháng sau, vào tháng 7 năm Canh Tuất (1010) công việc dời đô được thực hiện.
Cho tới nay Hà Nội vẫn giữ nguyên giá trị đó. Vì con mắt tinh đời của Lý Công Uẩn đã nhìn ra, theo cách nói ngày nay là những điều kiện thuận lợi của Thăng Long - Hà Nội về tự nhiên, cư dân, kinh tế, chính trị trong việc dựng đô.
Cho nên, từ năm 1010 - bước- ngoặt đó, những tài khéo của khắp nơi tập hợp về đây lập ra phố, ra phường tạo nên những kỳ tích văn minh văn hoá. Nghề đúc đồng đã làm ra Tứ đại khí bốn báu vật của nước Nam trong đó có hai cái ở Thăng Long là chuông Quy Điền và tháp Báo Thiên. Nghề gốm sứ đã tạo ra những ngói vàng, ngói bạc điểm tô cho các lớp mái cong của các cung điện, chùa chiền. Trong hội đèn Quảng Chiếu có đèn làm hình nhà sư vặn máy, biết giơ dùi đánh chuông, nghe tiếng sáo biết quay mặt lại. Trong hội đua thuyền trên sông Cái, có máy Kim ngao hình con rùa lớn bơi ngược trên mặt nước. Mắt rùa lúng liếng, miệng rùa phun nước, đầu rùa cử động biết cả cúi chào. Văn Miếu, miếu của văn hiến đã ra đời chỉ sáu chục năm sau khi định đô và trường đại học đầu tiên của đất nước - Quốc Tử Giám - được thành lập chỉ sáu năm sau khi lập Văn Miếu. Văn học Thăng Long cũng đã hình thành từ tác phẩm mở đầu là Chiếu dời đô rồi tiếp đến thơ văn của những thiền sư, danh sĩ và cả danh tướng nữa của đời Lý.
Tất cả đã là những biểu thị của một nền văn hiến kinh kỳ.
Ở các triều đại sau, văn hiến Thăng Long ngày một phát triển. Ở Khâm Thiên giám, đời Trần, Đặng Lộ làm ra máy lung linh nghi quan sát bầu trời, vạch ra đường đi của các vì sao mà soạn ra lịch riêng cho nước Việt. Đời Lê, Lương Thế Vinh và Vũ Hữu soạn ra sách toán học. Quy hoạch Thăng Long thời ấy gồm 36 phường, phường trồng hoa, phường trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, phường làm quạt, phường là bến cảng, thuyền mạn ngược mạn xuôi, thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Hà Lan... tới lui nhộn nhịp. Văn hoá vật chất phát triển thúc đẩy sự tiến bộ của văn minh. Vũ Như Tô thế kỷ 16 xây dựng bên Hồ Tây đài Cửu Trùng trăm nóc, bệ ngọc, thềm vàng. Thăng Long được trang điểm với những hồ nước mênh mang lơ thơ tơ liễu, những dặm đường hoa hoè vàng hoe khi thu muộn, những rặng bàng lúc đầu thu lá đỏ như đuốc lửa đốt trời.
Tại Thăng Long, Nguyễn Trãi viết cáo Bình Ngô và làm thơ quốc âm. Nguyễn Giản Thanh soạn phú Phụng Thành xuân sắc ca ngợi kinh kỳ là một nơi văn vật thanh danh. Rồi Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm ở làng quê Kẻ Mọc, Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc bên bờ Hồ Tây, Hồ Xuân Hương ở chân núi Khán Sơn làm thơ lỡm đời, Nguyễn Du viết thơ về hồ Giám. Trong làng hoa Nghi Tàm, bà huyện Thanh Quan làm những bài thơ lời đẹp, tình sâu. Cùng thời với bà, Hà Nội có Thần Siêu, Thánh Quát, có Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý... mà tư cách và học vấn đã làm sáng danh cho kẻ sĩ Bắc Hà.
Cũng từ những thời gian xa xưa ấy, lối sống tinh tế phóng khoáng đầy tính văn hoá đã đi vào đời sống kinh đô. Tranh dân gian Hàng Trống, Hàng Nón in đậm nét tươi vào thời gian. Nhạc và hát múa dân gian còn rung vang âm hưởng trong không gian qua các làn điệu chèo tuồng, trống quân, ca trù ở các giáo phường Đổi Mã, Kim Nỗ, Lỗ Khê, và các hội lễ nổi tiếng khắp đồng bằng sông Hồng: Hội Gióng, hội Láng, hội Đăm...
Tố nữ - tranh Hàng Trống
|
Nền văn hiến đó tiếp tục phát triển ngay cả trong thời Pháp thuộc. Ở những năm đầu của thế kỷ XX, Đông Kinh Nghĩa Thục là phong trào văn hoá, giáo dục tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của trí thức Hà Nội. Tuy ra đời chậm hơn Sài Gòn, nhưng báo chí Hà Nội cũng nhanh chóng chiếm vị trí đáng nể với các tờ báo và tạp chí được cả nước hâm mộ. Phong trào Thơ mới nhóm lên từ Hà Nội. Với nhóm Tự Lực Văn Đoàn, văn xuôi Việt Nam bước vào phạm trù hiện đại. Tân nhạc được soạn và trình diễn đầu tiên ở Hà Nội. Trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội đào tạo những hoạ sĩ hiện đại tài danh mở đầu cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Phim truyện đầu tiên ở Việt Nam là bộ phim Kim Vân Kiều làm năm 1921 do các diễn viên rạp Quảng Lạc thủ vai, quay ngoại cảnh ở làng Bưởi. Từ 1869, Hà Nội đã có hiệu ảnh ở gần Ô Quan Chưởng.
Đến khi tư tưởng cách mạng vô sản được truyền bá vào Việt Nam thì ở Hà Nội một mạch dòng văn hoá mới hình thành, lấy chủ đề là nhân dân, là người lao động. Mạch dòng đó đã mang một diện mạo mới với quan niệm sống vì mọi người và những hành động đầy giá trị nhân bản như bỏ cuộc sống sung túc, bỏ quan chức đi vô sản hoá để hiểu cuộc sống những người cùng khổ..., với những vần thơ bi tráng viết trong ngục Hoả Lò, với cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa duy vật, cho nghệ thuật vị nhân sinh, với những báo chí bí mật rồi công khai và đặc biệt với Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943), một cương lĩnh văn hoá tới tận bây giờ vẫn là sáng giá. Mạch dòng văn hoá đó chảy theo dòng lịch sử, với tư tưởng Hồ Chí Minh, với cách mạng Tháng Tám 1945, với hai cuộc kháng chiến thần kỳ và với sự nghiệp đổi mới hiện nay, đã tự khẳng định những giá trị nhân bản, đã đi vào ổn định và chịu được sự thử thách của thời gian, tạo nên nền văn hoá mới có giao lưu, có tiếp biến, có sự cấu trúc lại để phát huy truyền thống kết hợp với hiện đại, cách tân nhưng không xa rời bản sắc dân tộc, và xứng đáng là một vùng kinh kỳ nghìn năm văn hiến.
Một hệ luận rút ra từ những bối cảnh trên là nếu đặt trong mối quan hệ chiến tranh và hoà bình thì có được nền văn hiến chính là do có những thời gian đất nước thanh bình, nhân dân sống trong hoà bình ổn định. Hoà bình chính thực là điều kiện của văn hoá. Chỉ trong hoà bình mới xây dựng được văn hoá, nói cách khác văn hoá là hệ quả của hoà bình. Những thế lực tiến hành chiến tranh xâm lược đã huỷ diệt văn hoá. Quân Minh đã phá huỷ biết bao chùa chiền, sách vở, bia ký của Việt Nam và của Thăng Long. Thực dân Pháp cũng đã huỷ hoại nhiều di tích, cụ thể nhất là họ đã triệt phá toà thành Hà Nội cổ.
Cho nên cứu cánh của công cuộc bảo vệ hoà bình là gìn giữ sự sống và bảo vệ nền văn hoá. Tới đây xin được nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng dân tộc và nhà văn hoá lớn của nhân loại, như UNESCO đã vinh phong - liên quan tới vấn đề văn hoá. Cách đây nửa thế kỷ, Người đã phát biểu: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật. Những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn" (Hồ Chí Minh - Toàn tập - T.3 - tr.431 - 1995).
Trong quan niệm này của Người về văn hoá có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về nguồn gốc, về phạm vi của văn hoá cũng như về mặt biểu hiện của văn hoá trong toàn bộ sinh hoạt của con người.
Nhìn lại Thăng Long - Hà Nội, qua nghìn năm, nhân dân Thủ đô hằng ao ước đô thành của mình là phi chiến địa vậy mà lại trở nên bách chiến thành. Dải đất này đã từng chịu bao phen binh lửa, là chiến trường thực sự chống, và chiến thắng các thứ giặc ngoại xâm Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh rồi Pháp, Mỹ. Một đặc điểm nổi lên trong thực tế đó là càng đi vào chiến tranh, Thăng Long - Hà Nội càng nồng nàn ý thức bảo vệ hoà bình, bảo tồn văn hoá. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến viết vào những ngày đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới". Rõ ràng chúng ta bất đắc dĩ mới phải cầm vũ khí. Và Thăng Long - Hà Nội, trái tim của cả nước, là nơi chung đúc ý nguyện hoà bình của cả dân tộc nên ngay trong bản tuyên ngôn độc lập Kinh đô mới - bài Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn đã nhấn mạnh ý nguyện là tạo dựng ra một nơi đô hội để bốn phương sum họp làm ăn. Vậy thôi. Và có lẽ không ở đâu lại có một truyền thuyết đẹp nói về ý nguyện hoà bình của dân tộc ta và nhân dân Thủ đô như truyện Vua Lê và hồ Hoàn Kiếm. Ta cầm gươm chỉ là để bảo vệ nền độc lập. Chính nghĩa lay động cả đất trời khiến trời phải trao cho ta gươm báu để đánh giặc. Đến khi việc cứu nước hoàn thành thì lại đem gươm trả lại cho trời đất để cầm cày cuốc mà xây dựng đời sống thanh bình. Thật là một biểu hiện của cảm quan hướng về hoà bình thực sự độc đáo, có một không hai. Câu chuyện này hoàn toàn phù hợp với thực tế của vua Lê đã tha chết cho hàng chục vạn quân Minh thông qua một hội thề ở cửa nam thành Đông Quan, một loại hoà đàm trên thế mạnh biểu thị ý chí vì hoà bình của cả dân tộc.
Các dẫn liệu trên là những minh chứng sinh động cho sự hiện diện của nền văn hiến Thăng Long trọng nhân nghĩa, trọng hoà bình.
Cho nên ngày 16/7/1999, Hà Nội vinh dự được UNESCO tặng giải thưởng Thành phố vì hoà bình thì thực tế thành phố chúng ta vốn đã có một truyền thống như vậy. Những thành tựu của trên một thập kỷ đổi mới trong các lĩnh vực tạo sự bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hoá giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ... đã nói lên nền văn hiến từ nghìn xưa vẫn được ngày nay kế thừa và phát huy. Trong truyền thống văn hiến đó có tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng lớn này đã là một động lực tạo nên sức mạnh cho Hà Nội. Câu khẩu hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta không phải là lý thuyết mà là thực tế. Tư tưởng của nhà yêu nước vĩ đại của dân tộc đồng thời là nhà văn hoá lớn của thế giới Hồ Chí Minh đã và tiếp tục soi đường, chỉ lối cho thủ đô phấn đấu đạt tới văn minh, công bằng và nhân ái, một thành phố mang tính văn hoá cao. Hà Nội mãi mãi ghi tạc công ơn Người, và không chỉ riêng nhân dân Việt Nam kính trọng, mà Người còn được nhân loại tiến bộ tôn vinh. Để kết thúc, xin trích lời phát biểu của một vị Thủ tướng Ấn Độ - Ngài Chandra Sêkha - trong lễ kỷ niệm thứ 100 năm sinh của Bác Hồ do Chính phủ Ấn Độ tổ chức năm 1990, ông nói: "Chúng tôi sẽ gìn giữ di sản của Hồ Chí Minh như của một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất không chỉ của Châu Á mà của cả thế giới. ... Ngày nay thế giới của chúng ta cần hoà bình hơn bao giờ hết. Thông điệp hoà bình của Hồ Chí Minh - hoà bình trong tự do và độc lập - sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi sáng cho nhân loại".
Từ 1990 đến nay, hai thập kỷ đã qua nhưng lời phát biểu đó vẫn rất mới, rất thời sự. Ý nguyện hoà bình của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc soi sáng cho nhân loại. Và Hà Nội với bề dày nghìn năm văn hiến đang và mãi mãi noi theo tư tưởng Hồ Chí Minh một nền tư tưởng đã kế thừa và nâng cao hơn bao giờ hết truyền thống, nhân ái, yêu chuộng hoà bình của đạo lý và nhân cách Việt Nam.
Nguồn : QH