Cưới hỏi là một phong tục không thể thiếu ở tất cả các dân tộc. Đồng bào Mông có tục “kéo vợ”, tục “buộc chỉ cổ tay”; đồng bào người Giáy thì cô dâu phải mắc màn nằm ngoài sân trong những ngày diễn ra lễ cưới, sau 3 ngày mới được vào nhà… Còn đồng bào người Dao ở Bắc Hà việc cưới xin lại có nét riêng.
Khi đôi trai gái quen nhau, mến nhau và họ đi đến quyết định xây dựng hạnh phúc lứa đôi thì gia đình nhà trai sang nhà gái tiến hành thủ tục hỏi vợ cho chàng trai và đi đến lễ cưới phải qua 2 lần làm lễ ăn hỏi. Lần thứ nhất đi ăn hỏi, nhà trai chỉ có bố, mẹ hoặc anh, chị của chàng trai mang theo 3 đôi đồng xu để “làm lý” (để cho bố cô dâu mẹ cô dâu và cô dâu tương lai mỗi người một đôi). Trong lần ăn hỏi này, gia đình nhà trai sẽ tìm hiểu xem gia đình nhà gái có chấp thuận cho đôi trai gái được phép tìm hiểu, lấy nhau không và xem gia đình nhà gái có bao nhiêu người để tiện việc chuẩn bị những đôi đồng xu cho những người đó trong lần ăn hỏi thứ hai.
Lần thứ 2 ăn hỏi thì nhà trai đến nhà gái cùng với một người làm mai mối và những đồng xu để đủ tặng cho những người trong gia đình nhà gái. Tại nhà gái sẽ mời một người làm chứng để nghe ý kiến, dự định ngày cưới cho đôi trai gái, người này cũng được nhà trai tặng cho 1 đôi đồng xu.
|
Nét đẹp truyền thống văn hoá của người Việt |
Sau khi thống nhất ngày cưới thì 2 gia đình bàn việc đi ở của hai con. Theo tục lệ thì chàng trai sẽ phải đi ở rể nhà gái hoặc cô gái đi ở nhà trai từ 1 đến 2 năm, nếu thấy ưng ý và hợp nhau thì mới tổ chức đám cưới như dự định. Đây cũng chính là mốc đánh dấu thời gian tìm hiểu nhau của đôi trai gái. Việc “đi ở trước ngày cưới” giúp cho đôi trai gái tìm hiểu nhau kĩ hơn, thực sự hiểu và yêu nhau, tâm đồng ý hợp, lấy nhau làm vợ chồng gắn bó với nhau như đôi chim trên rừng.
Để mời họ hàng, người thân, cũng như bạn bè của cô dâu, chú rể đến dự lễ cưới, cả 2 gia đình nhà trai, nhà gái phải thu nhập rất nhiều đồng tiền xu được lưu truyền từ những thế hệ trước để khi đến mỗi nhà họ phải có 2 đồng xu mang ra tặng chủ nhà. Tiền xu có hình tròn, làm bằng đồng đen, có lỗ xỏ hình vuông ở giữa, khắc hoa văn và những chữ nổi ở trên mặt. Đây không chỉ là những đồng tiền dùng để mua bán, trao đổi hàng hóa mà nó là sản phẩm văn hóa tinh thần chỉ được sử dụng làm nghi lễ cho việc mời cưới của người Dao. Điều đặc biệt là cứ đến mỗi gia đình để mời cưới thì họ để lại 2 đồng tiền xu ấy cho chủ nhà (nó tượng trưng như tấm thiệp mời đám cưới của người kinh), nhưng luôn luôn phải có đôi.
Việc mời cưới bằng 2 đồng tiền xu có ý nghĩa như một căn cứ để xác định cũng như thông báo với mọi người rằng đôi trai gái kia sắp thành vợ thành chồng. Hai đồng tiền xu luôn đi kèm với nhau tượng trưng cho đôi trai gái yêu nhau, họ đã sánh đôi, luôn hạnh phúc bên nhau.
|
Cô dâu và chú rể người Dao đỏ trong ngày cưới |
Đến lễ cưới, gia đình nhà gái chỉ thách cưới nhà trai 1 đôi gà sống đẹp, 1 lít rượu ngon để làm thủ tục lễ bái tổ tiên gia đình mình. Nhà trai đến nhà gái đón dâu từ tối hôm trước. Mọi người đến dự lễ cưới đều mặc trang phục truyền thống. Đôi trai gái mặc bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất. Sau khi làm lễ cúng gia tiên, thần linh cho đôi trai gái thì khách được mời ngồi vào mâm cơm cỗ thưởng thức món ăn truyền thống và uống rượu suốt đêm, ca hát mừng hạnh phúc cho đôi trai gái.
Đến sáng hôm sau nhà trai đón dâu về. Đại diện (trừ bố, mẹ cô dâu) cùng đi với đoàn rước dâu. Nhà gái gói những gói cơm có đầy đủ thức ăn vào lá chuối tươi để cho đoàn rước dâu đi đường xa ăn dọc đường. Nếu hai gia đình ở gần nhau thì nhà gái vẫn phải gói ít nhất một gói cơm gửi cho nhà trai mang theo để thể hiện sự quan tâm. Khi đến nhà trai, việc đầu tiên mà cô dâu và chú rể phải làm là quỳ trước ban thờ làm lễ báo cáo tổ tiên, thần linh.
Gia đình nhà trai mời một thầy cúng giỏi nhất vùng để làm lễ cho đôi trai gái chính thức làm vợ chồng của nhau. Lễ cưới tại nhà trai được tổ chức trong suốt một ngày một đêm hôm ấy những lời chúc tốt đẹp, trong men rượu nồng nàn hương vị tình yêu. Những người đến dự đám cưới chúc phúc cho đôi trai gái và mừng tiền luôn gói trong phong bì sốt tiền phải có 2 tờ giống nhau chứ không bao giờ 1 tờ hoặc nhiều hơn 2 tờ. Thể hiện mong muốn cho đôi trai gái kia luôn hạnh phúc, có đôi, quấn quýt với nhau như cặp tiền gia đình trở về để báo cáo mọi việc đã hoàn tất. Sau đó chú rể xin phép đưa vợ về nhà mình…
Nguồn : Báo Lào Cai