"Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là một trong những lề luật của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Người Dao Tiền ở Hòa Bình cũng thế, họ có một tập tục vô cùng kỳ lạ là thờ chuột, trong làng lập hẳn một ngôi miếu thờ.
Theo những người con của bản Bương, vùng Đà Bắc, Hòa Bình này thì tổ tiên xa xưa của họ khi đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói, chịu rét, thức ăn vô cùng khan hiếm còn chuột thì nhiều vô kể. Cũng chính vì vậy mà thịt chuột trở thành thức ăn chính không thể thiếu trong mỗi bữa. Sau này khi đã khấm khá người dân trong bản không quên thuở xưa đói rét nên lập miếu thờ và tôn chuột thành thần.
Ngôi miếu được đặt sâu trong bản, cao ráo và luôn được quét tước sạch sẽ. Đầu năm mới mỗi nhà phải nộp một con chuột khô, một chai rượu và một cái bánh chưng để tế lễ cúng thần làng. Vào đêm giao thừa nhà nào cũng tự cúng thần chuột nhưng cứ sang ngày mồng hai tết thì thầy mo bản phải đến miếu cúng thần chuột, tỏ lòng thành kính cầu thần một năm mới tốt lành và đừng phá phách mùa màng của dân bản, lâu dần thành lệ, thành một tín ngưỡng đặc biệt của người dân xứ này.
Vào những ngày làm lễ cơm mới, hội làng hay cúng tổ tiên trên mâm cơm cũng không bao giờ thiếu thịt chuột khô để ông bà tổ tiên đừng quên những ngày khốn khó.
Nguồn : Việt Báo