Người Mảng chỉ duy nhất có ở tỉnh Lai Châu với hơn 3.000 người, cư trú trên địa bàn 20 bản thuộc 8 xã của hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè.
Toàn cảnh lễ cúng trước khi xăm cằm.
Từ xa xưa, người Mảng có tục lệ xăm cằm cho nam nữ thanh niên ở độ tuổi 12-18, đánh dấu sự trưởng thành của một con người trong cộng đồng. Tục xăm cằm tượng trưng cho sức mạnh của đấng tối cao che chở, giúp đỡ cho con người trước thế giới siêu nhiên cũng như cầu mong đức tính hiền dịu, đảm đang cho người phụ nữ. Người được xăm cằm cảm thấy tự hào, vui vẻ vì biết được sau nghi thức này mình đã trở thành người trưởng thành, có tiếng nói trong cộng đồng, dòng tộc, được mọi người tôn trọng hơn.
Tục lệ xăm cằm bắt nguồn từ một truyền thuyết. Ngày xưa có đôi vợ chồng trẻ ban đầu lấy nhau rất yêu thương nhau, chăm chỉ lao động. Nhưng từ khi chị vợ sinh được một bé trai kháu khỉnh thì trở nên lười biếng, hay mắng nhiếc, đay nghiến chồng. Người chồng đi làm nương rẫy vất vả nhưng về nhà vẫn phải làm đủ mọi việc. Hôm ấy, sau một ngày ra suối lặn ngụp bắt cá nhưng chỉ bắt được vài con cá bé tý, chị vợ hết lời mắng nhiếc chồng. Buồn tủi, anh chồng ra bờ suối ngồi than thở thì Thần Chông Gô Chươi Lụa hiện ra đưa cho anh chồng một sợi dây đen và bày cho anh về nhà cắm lá xanh ở hai đầu cầu thang rồi lấy kim khâu bớt mồm vợ lại.
Anh chồng nghe theo lời Thần chỉ bảo, nhưng khi thấy vợ tỏ ra ân hận thì không nỡ khâu mới nghĩ ra cách lấy kim châm thành từng lỗ xung quanh miệng vơ, sau đó giã lá cây chàm bôi lên những lỗ châm kim giả làm những vết chỉ đen.
Từ đó, chị vợ thay đổi hẳn tính nết, biết kính yêu cha mẹ, thương yêu nhường nhịn chồng con. Gia đình hạnh phúc trở lại như trước. Rồi những nhà có con cái lớn trong bản đều mong muốn con mình sẽ được xăm cằm để có cuộc sống hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn... Nhiều người còn thay đổi hình xăm, xăm hình con rồng hoặc những hoa văn đẹp xung quanh miệng. Lâu dần, việc làm đó trở thành tục lễ xăm miệng của người Mảng.
Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển