Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam.
Đến cuối thế kỷ XVIII, tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn.
Sân khấu của những anh hùng
Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương, tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật tuồng. Có thể nói tuồng là sân khấu của những người anh hùng.
Trích đoạn tuồng "Châu Du" (Ảnh: Internet) |
Những đặc trưng trên đã chi phối nghệ thuật trình diễn. Sân khấu tuồng thực chất là sân khấu gợi cảm, gợi tưởng tượng. Từ đó, các nghệ sỹ tuồng đã sử dụng phương pháp nghệ thuật ước lệ, cách điệu.
Nghệ thuật tuồng không tả thực mà tả ý, không đi sâu vào những chi tiết tỉ mỉ mà chú trọng lột tả cái thần (phần cốt lõi, bản chất) của sự kiện và con người; dùng phương pháp gợi tả để lôi kéo, kích thích trí tưởng tượng của khán giả cùng tham gia sáng tạo và đồng cảm với nghệ sỹ biểu diễn. "Cái thần" chính là đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn tuồng.
Trên sân khấu tuồng, tất cả bắt đầu từ người diễn viên. Cùng với người diễn viên, cảnh tượng mới dần hiện lên; địa điểm thời gian mới được xác định. Với một câu hát, một điệu múa, người nghệ sỹ dựng lên một trời tưởng tượng; lúc là biển cả mênh mông, khi là núi rừng bát ngát; vừa là triều đình, thoắt đã là bãi chiến trờng.
Nhiệm vụ của người diễn viên kiêm cả việc bài cảnh. Nhưng để dựng được cảnh sắc trong tâm trí người xem, người nghệ sỹ tuồng phải dùng những động tác tưởng tượng, với giả định có cảnh thực trước mắt. Đây là những động tác điêu luyện được cách điệu cao và giàu sức biểu hiện.
Nhờ những động tác tưởng tưởng này, người nghệ sỹ tuồng vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp của sân khấu, tạo nên toàn bộ cuộc sống xã hội. Thông qua sự biểu hiện của người nghệ sỹ, khán giả không chỉ nhận biết được những thay đổi về không gian, thời gian mà còn thấy những xung đột giằng xé trong nội tâm nhân vật.
Tiêu chuẩn đánh giá tài năng của người nghệ sỹ tuồng là thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố hát, múa, diễn xuất nhạc đệm tạo nên cảm xúc mạnh mẽ đối với người xem. Người xem cảm nhận được sự tinh tế trong nghệ thuật biểu diễn của người nghệ sỹ tuồng.
Múa tuồng
Múa tuồng được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tấm lý trong cuộc sống xã hội của con người.
Múa tuồng có những nguyên tắc nghiêm ngặt: nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù. Nghĩa là hành động bên trong, hành động bên ngoài phải tương ứng; phải trái phải cân đối; trên, dưới, phải phù hợp trong hoàn cảnh quy định.
Múa tuồng có chức năng minh hoạ, chức năng bài cảnh. Trong một vài hoàn cảnh nào đó, múa tuồng có khả năng độc lập; nó có thể thay thế cho lời nói, điệu hát để diễn đạt tâm trạng, tính cách của nhân vật.
Hát tuồng
Hát tuồng xuất phát trên cơ sở tế lễ, tụng niệm trong nhà chùa, trong lối kể chuyện, hát xướng dân gian; được viết theo các thể thơ lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát....
Hát tuồng có một hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối. Nói lối tuồng viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ. Có nhiều kiểu nói lối khác nhau: Nói lối thường, bóp, ai, xuân, đạp, xuân nữ...
Mỗi loại nói lối có cách ngắt chữ, nhả chữ khác nhau, tuỳ theo tính cách nhân vật và hoàn cảnh quy định để vận dụng cho phù hợp. Nói lối tuồng được quy định vế trống, vế mái. Câu đầu là vế trống, câu thứ hai là câu mái. Câu trống thường ở vần trắc, nói cao giọng, câu mái vần bằng, nói hạ giọng.
Múa và hát tuồng là hai phương tiện quan trọng nhất để người diễn viên tuồng xây dựng hình tượng nhân vật.
Người diễn viên tuồng sử dụng múa, hát để lột tả tâm trạng, tính cách của nhân vật; mặt khác, tính cách, tâm trạng nhân vật tác động lại quy định cho nhân vật những vũ đạo, bài bản, làn điệu có màu sắc riêng biệt.
Các vũ đạo, nói lối, bài bản, làn điệu gắn bó với nhau hết sức hữu cơ, nếu tước bỏ nó sẽ không còn là nghệ thuật Tuồng.
Mặt nạ tuồng
Mặt nạ đeo: Trước đây, người có khả năng biểu diễn không nhiều, một diễn viên phải sắm nhiều vai, vì vậy, họ dùng mặt nạ đeo để thay đổi vai cho dễ
Hóa trang kiểu mặt nạ: Ngày nay, người ta thay mặt nạ đeo bằng mặt vẽ, và mới đây, người ta dùng cách hóa trang để chân thật hơn, gần cuộc sống hơn. Màu sắc dùng để hóa trang kiểu mặt nạ phổ biến là trắng hồng, đỏ và màu mốc.
Một số hình ảnh mẫu hóa trang thành các loại mặt: Mặt trắng (diện mạo đẹp đẽ, tính cách trầm tĩnh), mặt đỏ (người trí dũng, chững chạc), mặt rằn (diện mạo xấu xí, tính cách nóng nảy), mặt tròng xéo đen (tướng phản, hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy, nếu tròng xéo đen nền đỏ thắm hay xanh là người vũ dũng), mặt mốc (nịnh), mặt lưỡi cày (người đoản hậu, nhát gan).
Âm nhạc trong sân khấu tuồng
Trong tuồng có nhiều yếu tố nghệ thuật tham gia, trong đó âm nhạc giữ một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc đệm cho hát, cho múa, cho các hiệu quả sân khấu như phong ba bão tố, chiến trận sa trường, đăng đàn bái tướng, âm nhạc trong sân khấu tuồng còn thể hiện tình cảm nhân vật trong các lớp diễn không lời và còn làm cầu nối của thế giới nội tâm nhân vật tới khán giả.
Dàn nhạc tuồng gồm có bộ gõ (trống, thanh la, mõ...), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn), bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu...) và bộ gảy (tam, tứ, nguyệt...).
Trong đó, nhạc cụ trống luôn luôn làm nhiệm vụ dẫn dắt, mở đầu cho mọi tình huống sân khấu. Từ “điểm” cho nhân vật ra, vào hay khởi đầu cho câu nói, điệu hát của vai diễn đều phải theo trình tự là: Trống, tiếp đến dàn nhạc diễn tấu rồi mới đến diễn viên nói hoặc hát tuỳ theo nhân vật. Nguyên tắc này được vận dụng cho tất cả các vai diễn, vở diễn của tuồng truyền thống.
Nguồn : TTXVN