Thăng Long là nơi tập trung nhiều đền chùa, đạo quán, lễ hội người dân Thăng Long tôn kính tất cả các vị thánh thần ân đức các bậc anh hùng vì dân vì nước được thờ phụng ở các chùa, đền, quán, miếu… Đây là những nét nổi bật biểu hiện đời sống tâm linh của người dân đất kinh kỳ.
Dưới chế độ thống trị của phong kiến nước ngoài, nhân dân Việt Nam từng sống trong đau khổ không có lối thoát. Khi đất nước đã giành được độc lập, nhưng ở mỗi cuộc đời vẫn có những rủi ro không thể lường trước và cũng không thể giải thích được. Tình hình trên tất yếu đẩy người ta vào con đường mê tín, trông chờ sự cứu giúp của thần linh.
Ở thời đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Phật giáo, Đạo giáo rất được tôn sùng. Cả Phật giáo và Đạo giáo đều có những điều răn dạy về hành vi đạo đức, giáo dục tình yêu thương, cứu giúp lẫn nhau giữa người và người, do vậy những tôn giáo nói trên đã dễ dàng lôi kéo được sự đồng tình, tin tưởng của nhân dân.
Về phía triều đình, để duy trì được trật tự xã hội và tiến hành mọi việc thuận lợi, các triều vua nhận rõ sự cần thiết phải dựa vào lực lượng trí thức đương thời. Bấy giờ đạo Nho chưa phải đã phổ biến trong quảng đại quần chúng nên chỗ dựa chủ yếu phải nhằm vào đội ngũ trí thức trong Phật giáo và Đạo giáo, nhiều người có học vấn cao.
Phủ Tây Hồ |
Lý Công Uẩn sinh ra, lớn lên tại nhà chùa, được sư Khánh Văn nhận làm con, sư Vạn Hạnh dạy dỗ. Rồi chính các nhà sư đã tích cực vận động đưa ông lên làm vua. Cũng chính các nhà sư, với tư cách là trí thức đương thời, lại tiếp tục giúp ông rất nhiều trong việc nội trị, ngoại giao. Không có gì khó hiểu, Lý Công Uẩn cũng như các vua nhà Lý về sau đều là những người mộ đạo, trong khi toàn dân mộ đạo…
Việc tôn sùng quá mức Phật giáo, Đạo giáo dẫn đến chiều hướng phát triển mê tín dị đoan cùng với việc xây dựng khắp nơi quá nhiều đền chùa, làm hao tổn nhiều sức người, sức của. Nhưng Phật giáo, Đạo giáo cũng đem lại những nhân tố tích cực, góp phần ổn định lòng dân, cổ vũ làm điều thiện, khai thác được nhiệt tình vốn tri thức của giới sư tăng, đạo sĩ, thúc đẩy xã hội phát triển mọi mặt.
Sang đời nhà Trần, với sự sáng suốt của các vua Trần, nhất là với sự phê phán của tầng lớp trí thức theo Nho giáo thì Phật giáo và Đạo giáo cũng dần dần bỏ bớt được những điều mê tín, trở thành những nhân tố hợp lý trong văn hiến Việt Nam.
Thăng Long là trung tâm văn hóa, hội tụ tinh hoa của bốn phương đất nước, nên ngay từ thời Lý, khi mà “nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa” (Lê Văn Hưu), thì Thăng Long cũng là nơi tập trung nhiều nhất những chùa chiền, miếu mạo rải khắp kinh thành.
Thăng Long thời ấy có những ngôi chùa xây dựng quy mô lớn, kiến trúc độc đáo. Chùa Diên Hựu như một bông sen lớn đồ sộ mọc giữa hồ, riêng cây cột đá đã cao 10 trượng (khoảng 30 mét). Tháp Báo Thiên 12 tầng, cao khoảng 80 mét, sừng sững bên hồ Lục Thủy.
Thăng Long cũng có rất nhiều đạo quán. Tài liệu cũ cho biết thời thuộc Minh, ở Đông Quan có trên 200 ngôi chùa và 200 đạo quán. Thời Mạc, nhiều đạo quán được tu sửa và xây dựng thêm, có nhiều quán lớn nổi tiếng như Trấn Vũ Quán, Huyền Thiên Quán, Đồng Thiên quán, Đế Thích quán.
Trong quá trình đi lên của đất nước, bên cạnh sự tồn tại của Phật giáo và Đạo giáo, nhân dân ta phát huy hơn nữa truyền thống lâu đời của dân tộc, có sự quan tâm đặc biệt đối với việc thờ cúng các vị anh hùng cứu nước và những người có công lập ấp, dựng làng, hay trong việc sáng lập ra những ngành nghề ở các địa phương.
Tín ngưỡng Việt Nam có đặc điểm là sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian. Đặc điểm này càng được thể hiện rõ trên đất Thăng Long. Nguyên nhân sâu xa của sự dung hợp này là truyền thống yêu thương giúp đỡ nhau trong nhân dân, là tinh thần khoan dung của dân tộc và thái độ không thành kiến với những người khác mình về tư tưởng, quan điểm cũng như về tín ngưỡng...
Người ta không vì đạo này mà bác bỏ đạo kia, cũng không quan tâm và phân biệt đâu là nơi thờ Phật, đâu thờ Tiên, thờ Thánh, thờ Thần. Nhiều đền trở thành quán như đền Bích Câu. Nhiều quán trở thành chùa, như Đồng Thiên quán, Huyền Thiên quán… Nhiều chùa ở Phật điện chẳng những có tượng Phật mà còn có cả tượng thần Đạo giáo.
Bên cạnh Tam Bảo thường có cả điện thờ Mẫu. Đền Tam Giáo ở Thượng Cát (Từ Liêm) còn 45 pho tượng các vị Phật, Thánh, Thần, Tiên tiêu biểu của cả ba giáo phái. Hoặc như chùa Hưng Ký (phố Minh Khai ngày nay), mới xây năm 1932, là một quần thể gồm cả chùa, đền, điện mẫu. Nơi nào cũng đều khói hương nghi ngút, được xem là những chuyện bình thường.
Chùa Hưng Ký |
Thăng Long có đền thờ thần núi (Tản Viên), thần sông (Tô Lịch). Có Thăng Long tứ trấn, bốn ngôi đền thờ các vị thần trấn giữ bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được suy tôn thành đức Thánh Trần được thờ ở nhiều nơi (như ở đầu phố Lê Duẩn, đầu phố Hòe Nhai ngày nay).
Vị công chúa huyền thoại Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu và là người mẹ bất tử, một trong tứ bất tử của Việt Nam, cũng có hàng trăm nơi thờ cúng ở Thăng Long và cả nước, nổi tiếng gần đây là phủ Tây Hồ bên bờ Hồ Tây.
Nhân dân Thăng Long tôn kính tất cả các vị thánh thần ân đức. Các bậc anh hùng vì dân vì nước được thờ phụng ở các chùa, đền, quán, miếu. Nhưng cũng có nhiều người đổ xô đến những nơi vừa to đẹp, uy nghi, vừa nổi tiếng là rất thiêng có thể đáp ứng mọi thỉnh cầu của con nhang đệ tử.
Người ta kéo đến phủ Tây Hồ để cầu xin được phát tài phát lộc, buôn bán gặp may, mọi việc làm ăn thuận buồm xuôi gió… Người ta thề bồi trước đền Quan Đế (tức Quan Công), vị thánh nổi tiếng về tiết tháo trung nghĩa và lòng dạ quang minh chính đại, để mong thánh chứng giám. Các nho gia, sĩ tử thì đến đền Văn Xương (thờ vị thần chủ về văn học) để tỏ lòng tôn kính và cũng để cầu xin ngài phù hộ cho văn hay chữ tốt và đỗ đạt…
Trong không khí tín ngưỡng nói chung, hầu hết các xã thôn ở khắp các miền đất nước đều có những ngày lễ hội. Thăng Long cũng như các nơi, có nhiều lễ hội ở đình, chùa, đền, miếu thuộc các làng khác nhau. Nhưng lễ hội ở Thăng Long, nơi tập trung nhiều người vừa giàu có, vừa có trình độ văn hóa hơn so với các nơi khác trong toàn quốc, nên lại có nhiều nét đặc sắc.
Lễ hội ở Thăng Long thường được tổ chức bề thế, có quy mô tương đối lớn. Một số lễ hội mang tính chất tiêu biểu của cả nước. Lễ hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi (đều thuộc địa phận Hà Nội ngày nay) Phù Đổng, Xuân Đỉnh, Sóc Sơn, Chi Nam, Thanh Nhàn.
Riêng hội Gióng ở Phù Đổng (Gia Lâm) lớn nhất có thể coi là long trọng, công phu nhất trong các lễ hội cổ truyền Việt Nam. Để ôn lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân, dân làng đã huy động vào cuộc diễn trận mấy trăm người trực tiếp tham gia và mấy trăm người phục dịch hiện trường. Ngoài ra, hàng vạn người dân các nơi xa gần đến dự.
Hội đền thờ Hai Bà Trưng được tổ chức ở nhiều nơi, tập trung ở đền Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc) và đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ). Hội đền Đồng Nhân (ở quận Hai Bà Trưng) tuy không phải là đền được xây dựng ngay trên những mảnh đất lịch sử có gắn bó trực tiếp với sự nghiệp Hai Bà, nhưng cũng được tổ chức rất long trọng. Đặc biệt do vị trí ở giữa kinh thành, nên trước đây nhà nước phong kiến coi lễ hội Đồng Nhân là tế lễ của toàn quốc (quốc lễ) và cử quan về chủ lễ.
Lễ hội ở Thăng Long thường được thể hiện với những nội dung, ý nghĩa sâu sắc và độc đáo, phần lớn các lễ hội đều thông qua việc diễn lại các tích xưa để nhớ đến anh hùng liệt sĩ có công lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tái hiện những chiến công hiển hách của dân tộc, vẻ hào hùng của quân dân ta đánh thắng quân xâm lược.
Lễ hội đền Đồng Cổ bắt đầu khi vua nhà Lý cho rước thần trống đồng từ Đan Nê (Thanh Hóa) về Thăng Long dựng đền thờ, đã để lại dấu ấn không phai mờ trong trí tưởng tượng của người đời sau về quang cảnh cuộc lễ trang nghiêm, hùng tráng. Trong cuộc lễ tất cả các quan lớn bé đứng trước án thờ thần và trước mặt đông đảo người dự hội, trịnh trọng đọc lời thề trung hiếu.
Biết ơn và thờ cúng những anh hùng dân tộc trở thành một truyền thống của nhân dân Việt Nam và nhân dân Thăng Long - Hà Nội. Ngay cả đến thời nhà Nguyễn, không được nhắc tới công lao của nhà Tây Sơn thì nhân dân vẫn tổ chức ngày giỗ trận ở Đống Đa. Đến những thập kỉ gần đây, mỗi độ Xuân về, người Hà Nội lại hồi tưởng về một Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789, Thăng Long đã góp sức cùng quân đội Tây Sơn và nhân dân cả nước lập nên chiến công vĩ đại và hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Ngày nay, Hà Nội vẫn hàng năm thay mặt cho cả nước tổ chức lễ kỉ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung với niềm thành kính thiêng liêng. Trong ngày hội, nhiều trò chơi dân gian, nổi bật là trò múa rồng tái hiện cảnh nhân dân 9 xã quanh đồn Đống Đa đốt rơm tẩm dầu tạo thành trận rồng lửa bao vây đồn giặc.
Về hình thức, lễ hội dân gian cổ truyền vẫn là tính chất hội làng, nhưng lễ hội Thăng Long lại có những nét riêng của chốn phồn hoa đô hội.
Thăng Long có hội Láng với tích diễn Đốt pháo đấu thần khá độc đáo. Có hội đền Đồng Nhân với nghi thức trang trọng tắm tượng bằng nước sông Hồng, với cuộc múa đền và lễ dâng hương do đội nữ quan đảm nhiệm. Có hội tế trâu đất ở cửa ô Đông Hà (phố Hàng Chiếu ngày nay), hội cờ ở Đông Ba (Thượng Cát, huyện Từ Liêm).
Có trò chơi hất phết ở Đông Đồ (huyện Đông Anh), cướp cầu ở Thúy Lĩnh (huyện Thanh Trì), đấu võ ở Đông Dư (huyện Gia Lâm) và rất nhiều trò chơi khác ở các hội làng: thi thổi cơm, thi dệt vải, thi bơi thuyền… thể hiện tính phong phú và hình thức đặc sắc của lễ hội Thăng Long./.
Nguồn : ICT