Từ xưa, ông cha ta rất quý trọng nhân tài, nhất là những người có học thức cao, thành đạt trong học tập, thi cử. Vì vậy, đã lập ra Văn Miếu để thờ Khổng Tử và ghi danh những bậc tài danh ở bậc hàm vị như Tiến sĩ, Trạng nguyên.
Tuy vậy Văn Miếu không phải tỉnh nào, nơi nào cũng có. Cả nước chỉ có vài tỉnh, thành phố có Văn Miếu. Hà Nội có Văn Miếu (còn gọi là Quốc Tử Giám). Bắc Ninh có Văn Miếu Bắc Ninh, Hải Dương có Văn Miếu Mao Ðiền (Cẩm Giàng)... Văn Miếu Xích Ðằng đứng sau Văn Miếu Quốc Tử Giám cả về cấu trúc nghệ thuật lẫn nội dung, vật thể bên trong.
Theo cuốn Ðại Nam nhất thống chí, Văn Miếu Xích Ðằng được xây dựng năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839) triều Nguyễn, nghĩa là sau thành lập tỉnh Hưng Yên tám năm. Công trình này trải rộng hơn 4.000 m2, từ cổng vào có Tam quan hai tầng. Phía trong cổng bên phải có một chuông đồng đúc năm 1804, cao 126 cm, rộng 87 cm. Phía cổng bên trái có một khánh đá dài 2m, rộng 1m, dày 20 cm, có giá trị kết cấu về âm nhạc học, gõ vào mỗi chỗ đều phát ra những âm thanh khác nhau, khác nào như những thanh đàn đá Tây Nguyên kỳ vĩ, trầm bổng. Nội tự Văn Miếu Xích Ðằng rộng chừng 600 m2 bao quanh bằng bốn bức tường cao 2m. Hiện nay Văn Miếu Xích Ðằng còn 12 tấm bia, 11 tấm bia ghi tên tuổi những người ở Trấn Sơn Nam đỗ Tiến sĩ, còn một tấm bia ghi công đức những nhà hảo tâm đóng góp xây dựng, 11 tấm bia ghi danh các bậc đỗ Tiến sĩ, Trạng nguyên cho thấy có 172 vị. Trong đó có những người kỳ tài: cả văn lẫn võ, như Lê Như Hổ, Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), Kỳ Ðồng, Tống Trân lưỡng quốc Trạng nguyên, rồi Nguyễn Trung Ngạn. Ðặc biệt trong một tấm bia có ghi danh cả hai cha con Lê Quý Ðôn, nhà bác học nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, văn học, sử học, địa lý học, thiên văn học... Ðây là những Tiến sĩ, Trạng nguyên ở tỉnh, trong đó có các bậc tài danh ở huyện kề cận với Trấn Sơn Nam xưa. Nếu tính đến 1990, mà theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên (9-2001) thì tỉnh Hưng Yên có hơn 400 Tiến sĩ, Trạng nguyên.
Theo tài liệu của một số nhà khảo cổ học thì Văn Miếu Xích Ðằng còn là nơi sản xuất đồ gốm ở cuối thời nhà Lê. Khi đào sâu 2m thấy các đồ gốm... men mầu ngà. Ðây là một tư liệu quan trọng để góp phần nghiên cứu nghề sản xuất đồ gốm Hưng Yên. Phía ngoài Văn Miếu, bên phải lối vào (phía đông) còn có hai cây tháp đá, sáu bạc, mộng đá người xưa đục đẽo khép kín, kỹ thuật lắp ghép cực cao, kết cấu chặt chẽ, bão cấp 12 không thể lay chuyển. Tương truyền thời Tây Sơn, Trịnh - Nguyễn phân tranh, tàn quân của Nguyễn Hữu Chỉnh về đây cho voi húc tháp này mà không đổ, chỉ sứt một tai tháp phía nam (nay vẫn còn vết tích) con voi không đủ sức quần vật với tháp đá đã bị chết ngay tại chỗ. Hai tháp này ở phía đông là mộ "Phương Trượng Tháp" và "Tịnh Mãn Tháp".
Gần đây, theo nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, những người con Hưng Yên đỗ học vị Tiến sĩ - sẽ được ghi tên vào bảng vàng danh dự tại Văn Miếu Xích Ðằng. Ðể khuyến khích những con em trong tỉnh nhà phát huy truyền thống văn hiến ấy, lần đầu tiên học sinh, sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hưng Yên khóa 1998-2001, Sở Giáo dục - Ðào tạo Hưng Yên đã chọn địa điểm Văn Miếu Xích Ðằng để làm lễ trao bằng tốt nghiệp.
Văn Miếu Xích Ðằng là chốn thiêng liêng niềm tự hào của tỉnh Hưng Yên và còn là một biểu hiện của văn hiến, văn minh phố Hiến. Nơi đây còn là một điểm du lịch lý tưởng, cách cầu Yên Lệnh 300 m về phía nam là đến Văn Miếu. Nếu có dịp về thăm Hưng Yên, chúng ta đến thăm Văn Miếu Xích Ðằng cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, và thời kỳ đổi mới sau khi tái lập tỉnh.
Mời bạn về thăm Văn Miếu Xích Ðằng để hiểu thêm Hưng Yên, một trong những tỉnh có truyền thống hiếu học, thêm nhiều tài danh cho quê hương, đất nước./.
Nguồn : Báo Hưng Yên