Đến với phố cổ Hội An, du khách tha hồ thả hồn rong ruổi trên từng dãy phố hẹp chập chùng mái ngói âm dương uốn lượn. Trầm ngâm quan sát những ngôi nhà hun hút rêu phong phủ bạc màu thời gian. Rồi ồ lên ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi nhìn thấy đôi mắt cửa trước nhà hay chùa chiền.
Những đôi mắt ấy như có hồn, đăm đắm nhìn theo du khách, lưu luyến níu bước chân.
Trong đời sống tâm linh của người Hội An, mắt cửa vừa là vật trang trí, vừa là vật “canh giữ” cho ngôi nhà. Mắt cửa giống như gương bát quái, gương chiếu tà thường được treo ở cửa nhà người miền Bắc. Hai mắt cửa có thể là hình bát quái, hình bông cúc, hình mặt trời…., dù với biểu tượng nào đi nữa, mắt cửa được người dân tôn thờ như hai ông thần đem đến sự an lạc, xua đuổi điều càn quái, xấu xa.
Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng lý giải vì sao chỉ Hội An mới có mắt cửa nhưng có thể trong tiến trình tiếp biến văn hoá của Trung Quốc, với tính cách giao hòa thiên nhiên, người Hội An đã tìm kiếm được mắt cửa cho riêng mình. Cũng có ý kiến cho rằng nguồn gốc của những đôi mắt cửa này là do những ngư dân, những thương nhân thường đi thuyền lâu ngày, tin ở tác dụng của những đôi mắt thuyền, khi lên bờ đã vẽ mắt cho ngôi nhà của mình.
Bao năm qua, dẫu có những thay đổi nhất định, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, cảnh quan du lịch mở rộng hơn, nhà hàng, khách sạn mọc lên tô thêm sắc màu lộng lẫy cho phố Hội, nhưng người Hội An luôn giữ gìn và phát huy những gì mà cha ông đã để lại. Vẫn góc phố nhỏ hẹp, vẫn những ngôi nhà cổ, những dãy lồng đèn lung linh, huyền ảo.. . và cả sự tồn tại của hàng trăm mắt cửa khiến không ít lữ khách đã rời xa nơi này mà lòng cứ vương vấn mãi.
Nguồn : QH