Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Xuân về, hàng chục vạn khách hành hương từ mọi miền đất nước và nhiều người con đất Việt sống xa quê hương, du khách nước ngoài lại nô nức trẩy hội chùa Hương.
Miền đất với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những ngôi chùa cổ kính, hang động kỳ thú cùng nét văn hoá tín ngưỡng dân tộc đặc sắc đã thu hút mọi người đến vãn cảnh, lễ bái, tham dự lễ hội.
Chùa Hương và động Hương Tích là danh thắng nổi tiếng của Việt Nam nằm trên địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 70km về phía Tây Nam. Trong tâm thức của người Việt, Hương Sơn được coi là cõi Phật bởi theo truyền thuyết thì ở vùng này, vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện, tục gọi là chúa Ba, ứng thân của Quan Thế Âm Bồ Tát vào đây tu hành đắc đạo, thành Phật cứu độ chúng sinh. Hội chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba Âm lịch; đây cũng là lễ hội lớn và kéo dài nhất nước ta.
Bến thuyền chùa Hương
|
Hành trình đến với chùa Hương bắt đầu từ Yến Vỹ, con suối hiền hoà bắt nguồn từ sông Đáy, uốn lượn giữa những dãy núi đá vôi làm nên nét rất riêng của thắng cảnh chùa Hương mà không phải nơi nào cũng có được. Xuôi dòng Yến, những mái nhà, hàng quán xa dần, nhường chỗ cho cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Dòng nước trong xanh in bóng trời mây, rừng núi. Hai bên bờ ngút ngàn, trải dài một màu xanh tươi của cây cối đang căng tràn sức xuân. Ðường suối dài khoảng 3km với khúc thẳng, khúc quanh như đưa khách hành hương du ngoạn về một miền cổ tích. Trí tưởng tưởng phong phú của người xưa đã mang thiên nhiên đến gần với cuộc sống của con người hơn. Này là núi Đụn nằm bên bờ trái suối Yến có hình như một đụn thóc, gần núi Ðụn là núi Soi trông giống như một con kỳ lân nên còn gọi là núi Lân; bên cạnh là núi Ái và núi Phượng như con phượng hoàng đang dang rộng cánh; gần đó là núi Bưng và núi Voi. Phía bên phải, từ ngoài vào là núi Ngũ Nhạc có hình quả chuông. Du khách dừng chân ở đền Trình, còn gọi là Ngũ Nhạc linh từ, thắp hương trình lễ với sơn thần và với vị dũng tướng đã có công đánh đuổi giặc Ân, dưới cờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương đời Hùng Vương thứ sáu, rồi lại xuống đò tiếp tục hành hương về cõi Phật.
Đã sang giữa tháng Ba Âm lịch mà những cây gạo nằm dọc suối Yến vẫn chưa nở hoa, chỉ có những búp lá non và cành cây như những cánh tay chắc khoẻ vươn lên trong gió Xuân nhè nhẹ. Vắng đi cái màu đỏ chói như lửa của sắc hoa gạo soi bóng bên cầu Hội, chợt thấy trống vắng, bức tranh sơn thuỷ hữu tình của Hương Sơn quả kém màu đi đôi chút.
Trên dòng Yến Vỹ
|
Thuyền đến bến Trò, tạm xa suối Yến, du khách bắt đầu hành trình mới, leo núi, vãn cảnh chùa chiền. Con đường dốc lát những phiến đá xanh to bản cùng hàng cây đại cổ thụ dẫn đến chùa Thiên Trù (bếp nhà Trời), còn được gọi là chùa Ngoài, chùa Trò. Theo lời giới thiệu bên cửa chùa, cách đây khoảng hơn 500 năm, nơi này còn là một thung lũng hoang vu. Đến thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), trong một lần đi tuần du, nhà vua cho quân nghỉ lại đây nấu cơm, nên vùng đất này mang tên Thiên Trù. Sau đó, lần lượt có ba vị hoà thượng về đây dựng thảo am để tu tập. Dần dà, trong cảnh non xanh nước biếc, “tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan” này, hằng năm, khách thập phương về vãn cảnh và chiêm bái đã góp công sức xây dựng Thiên Trù thành một công trình tráng lệ. Chùa có trên trăm nóc với những công trình qui mô tinh xảo, đạt giá trị nghệ thuật như lầu chuông, gác trống, bảo điện, bảo tháp, Nam thiên môn… Nhưng những công trình cổ quí giá đó đã bị giặc Pháp đốt phá vào những năm 1947-1948 và 1950. Dấu vết xưa chỉ còn lại toà Thiên thuỷ tháp. Sau ngày hoà bình lập lại, với sự đóng góp của nhân dân sở tại và du khách, chùa được xây dựng lại trên nền đất cũ, tuy qui mô không được như trước nhưng vẫn phần nào phục dựng lại dáng vẻ xưa.
Chùa Hương đã vào cuối mùa lễ hội mà dòng người vẫn nườm nượp đổ về, nối đuôi nhau xếp hàng ở nhà ga cáp treo Thiên Trù, rồi lại ken nhau chật cứng trên con đường đá từ ga Hương Tích dẫn vào động. Có lẽ ai cũng mong tự tay thắp nén hương thơm lễ Phật cầu may nên kiên nhẫn đứng chờ đợi trong đám đông tưởng chừng như dài vô tận. Giữa cái đông đúc ấy, chợt nhớ tới ký sự thơ “Chùa Hương” mà gần 80 năm trước, nhà thơ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp đã tả: “…Trầm hương khói toả mờ/ Hương như là sao lạc/ Lớp sóng người lô nhô…”. Cảnh vật và con người đã khác trước nhưng không khí lễ hội, mùi hương thơm quấn quít giữa nét trầm mặc của đền chùa có lẽ vẫn còn nguyên.
Gác chuông chùa Thiên Trù
|
Chùa Thiên Trù
|
Nhiều người bảo đi cáp treo làm giảm mất cái thi vị của chuyến hành hương, nhưng thực ra đấy cũng là một trải nghiệm đầy thú vị khi ngồi trong cabin, trải tầm mắt ra bốn phía, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Trước mắt là bạt ngàn màu xanh của núi rừng, màu xanh non của chồi lộc, xanh sậm của những cỗi cây già, xanh rêu mốc trên những vách núi đá.... Những màu xanh hòa lẫn nhau, chợt hiện ra trước tầm mắt, rồi vụt biến đi, nhường chỗ cho những khoảng xanh khác. Có lẽ trải nghiệm này thú vị hơn nhiều việc leo bộ len lỏi giữa những hàng quán, lều bạt giăng mắc khắp dọc đường đi.
Núi Hương Sơn có cách nay khoảng 200 triệu năm nhưng theo truyền thuyết và ngọc phả còn lưu giữ thì động Hương Tích mới ra đời cách đây hơn 2000 năm. Từ cửa động đi xuống 120 bậc đá là tới động chính hay còn gọi là chùa Trong. Theo truyền thuyết, động Hương Tích là miệng con rồng lớn, núi Đụn Gạo là lưỡi rồng. Trong động, những nhũ đá hình thù muôn vẻ, được dân gian đặt những tên gọi thân quen như Bầu sữa Mẹ, Đụn Gạo, Đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, cây vàng, cây bạc… Tháng Ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm tuần du trấn Sơn Nam, vào động Hương Tích thắp hương vãn cảnh, trước cảnh đẹp kỳ thú trong động, Nhà Chúa đã đề lên vách đá cửa động năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động” có nghĩa là động đẹp nhất trời Nam.
Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động, gắn liền núi rừng với một kiến trúc kết hợp hài hoà vừa thiên nhiên, vừa nhân tạo. Các ngôi chùa chính được xây dựng với quy mô lớn vào khoảng cuối thế kỷ 17. Cho đến đầu thế kỷ 20, trong khu vực này đã có hơn 100 ngôi chùa. Từ Thiên Trù rẽ phải là chùa Tiên Sơn, còn rẽ trái, trên đường đến Hương Tích là chùa Giải Oan. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan, có giếng nước trong vắt gọi là "Thiên nhiên thanh trì". Gần chùa là động Tuyết Kinh và am Phật Tích, nơi có tảng đá tương truyền lưu dấu chân Quan Âm Bồ Tát. Cách đó không bao xa là núi Trấn Song có đền Cửa Võng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Từ chùa Thiên Trù còn có lối rẽ qua rừng mơ, đến chùa Hinh Bồng. Đi theo suối Tuyết vào đền Mẫu Hạ rồi đến núi Thuyền Rồng, sau đó đến bến Tuyết Sơn vào chùa Bảo Đài. Từ chùa Bảo Đài, theo một con đường phẳng đến chùa Tuyết trong Ngọc Long động. Theo một nhánh của suối Yến, qua núi Ông Sư Bà Vãi, cập bến Long Vân, có chùa Cây Khế và hang Sũng Sàm, một di chỉ văn hóa Hòa Bình.
Trong quần thể di tích chùa Hương còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, mang dấu tích văn hóa của nhiều giai đoạn lịch sử như quả chuông đồng có tên "Bảo Đài Hương Tích sơn hồng chung" treo trong động Hương Tích, có niên đại Cảnh Hưng 27 (năm 1766). Một quả chuông khác nhỏ hơn, đúc thời Tây Sơn (1793) ở nhà Tổ chùa Thiên Trù. Ở chùa Hương, cổ vật bằng đá cũng khá nhiều. Điển hình là bia đá, có loại bia dẹt, bia trụ. Trong đó bia "Thiên Trù tự bi ký" hiện dựng ở nhà bia trên đường từ bến Thiên Trù vào chùa, có niên đại Chính Hòa thứ 7 (1688). Đây là tấm bia đá lớn, diềm bia được chạm đẽo công phu, các nét chạm bay bướm mà khỏe khoắn, hay như pho tượng Phật Bà Quan Âm làm bằng đá xanh được tạo tác thời Tây Sơn trong động Hương Tích.
Đụn Gạo trong động Hương Tích
|
Rời chùa Hương, du khách đã phần nào hoàn thành tâm nguyện hành hương cõi Phật và không quên mang theo chút quà kỷ niệm. Có thể là những trái mơ chùa Hương thơm lừng, vàng hươm, mịn một lớp lông tơ như nhung tuyết, loại trái nhỏ xinh mà nhà văn Băng Sơn đánh giá: thơm ngon nhất Việt Nam. Có thể là chút rau sắng chùa Hương, thứ rau mọc cheo leo trên vách đá, một năm xanh tươi mỗi dịp Xuân về, mùi vị rất đậm đà, chỉ cần một vài cọng cũng đủ để nấu bát canh thơm ngon, thứ cây đặc biệt mà ngày xưa thi sĩ Tản Đà tâm sự: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa...”. Cũng có thể, đó là miếng bánh củ mài trộn mật ong, dẻo, ngọt và thơm lừng làm du khách nhớ mãi.
Thoáng chút bịn rịn, lưu luyến khi tạm biệt chùa Hương, lòng tự hỏi bao giờ trở lại miền đất này bởi vẫn muốn có hơn một lần nữa trở lại chùa Hương. Trở lại để thảnh thơi dạo chơi và nhìn ngắm, để có thời gian khám phá những mái đền, nếp chùa trầm mặc, cổ kính, những hang động huyền bí in dấu thời gian, để hoà mình vào thiên nhiên kỳ thú, thả hồn mình trôi theo dòng suối thơ mộng, ngắm mây trời bảng lảng, những ngọn núi xanh xa mờ… Câu thơ của thi sĩ nào đấy như nói hộ lòng du khách:
“Không đi thì nhớ thì thương
Ra đi mến cảnh chùa Hương không về"
Nguồn : quehuongonline