Vào mùa mưa, dòng sông Tiền, sông Hậu đón nhận dòng nước từ thượng nguồn sông Mê Kong tràn về, mang theo phù sa bồi đắp những cánh đồng, biết bao sản vật phong phú như cá linh, bông điên điển… và tạo nên mùa nước nổi trứ danh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình yên trên Búng Bình Thiên
Mùa nước nổi, con sông Hậu cuồn cuộn phù sa đỏ ngầu, thế mà, Búng Bình Thiên vẫn một màu nước trong xanh đến lạ. Theo tương truyền, hơn 3 thế kỷ trước, viên tướng Võ Văn Vương nhà Tây Sơn dẫn quân lính dừng chân nơi đây vào mùa khô hạn, ông bèn lập đàn tế trời và khi ông lấy thanh kiếm cắm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Có lẽ, truyền thuyết trên bắt nguồn cho cái tên Búng Bình Thiên - “Hồ nước trời”.
Bình yên trên Búng Bình Thiên |
Búng Bình Thiên là hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây, nằm giữa 3 xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Có đến Búng vào mùa nước nổi mới cảm nhận được hết vẻ thanh bình nơi đây, giữa bầu trời xanh trong, mặt hồ phản chiếu ánh mặt trời từng tia sáng lấp lánh. Chúng tôi khua mái chèo xuôi theo dòng nước, len lỏi giữa những khóm bông điên điển vươn cao khoe sắc vàng rực rỡ, cánh hoa mỏng tanh khẽ rung rinh trước gió, nhấp nhô theo con nước, xa xa thấp thoáng từng mái nhà sàn dọc bến sông. Khung cảnh thật bình yên!
Ra đến đoạn giao nhau giữa Búng Bình Thiên và sông Bình Ghi thì thấy hiện tượng thật kì lạ, một bên nước sông Bình Ghi đục ngầu, còn nước trong lòng Búng vẫn trong xanh. Giải thích điều này, anh hướng dẫn viên cho biết Búng tồn tại một loại tảo đặc biệt, có khả năng lọc các loại cặn phù sa. Búng Bình Thiên còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá đồng: cá linh, cá lau, cá tra cho đến bông súng, bông sen… Thế nên, không lạ gì khi bắt gặp hình ảnh người nông dân thả lưới, giăng câu trên chiếc xuồng nhỏ. Chúng tôi say sưa bấm máy ảnh, thu hết vào khung hình tất cả vẻ thanh bình nơi Búng Bình Thiên, cứ như sợ mất đi một khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên.
Những cuộc thi tài vui nhộn được tổ chức xen giữa làm chuyến đi thêm hào hứng, nào là thi hái bông điên điển, thi chèo ghe, bắt lươn bỏ vào trúm. Lần đầu tiên được thử sức cầm chèo, trong tiếng cổ vũ reo hò của đồng đội, những “tay đua kiệt xuất” của 2 đội đều cố gắng đưa con thuyền về đích thật nhanh. Thú vị nhất là phần thi bắt lươn bỏ vào trúm. Ống trúm được làm bằng loại tre mỡ lóng dài, mỏng cơm, rộng ruột. Tre được cưa ra thành từng ống, mỗi ống dài trên dưới một mét, dùng dao sắc róc mắt, cạo vỏ bề ngoài cho thật sạch đẹp, phía trong những mắt tre được chọc thủng. Phần đầu ống trúm được lắp vào một cái hom làm bằng lạt giang bện những thanh tre đã vót nhọn, phần đuôi buộc túm lại theo hình phễu, để khi lươn chui vào thì dễ mà ra thì vô phương. Những đôi tay chỉ quen gõ bàn phím, cầm chuột vi tính, chúng tôi lóng ngóng đến thương khi bắt những con lươn trơn trượt, cầm lên rớt xuống, đi được nửa đường phải quay lại bắt lươn từ đầu. Từ đó, hiểu thêm về cuộc sống mưu sinh vất vả của người nông dân phụ thuộc vào con nước lớn nước ròng.
Đồng bào Chăm - những con người hiền hòa
Nằm đối diện bến thuyền, Thánh đường Hồi giáo Mas Jiđ Khay Ri Yah, thánh đường tiêu biểu của người Chăm Islam với nét kiến trúc đặc trưng: mái vòm hình chóp, ngôi sao màu trắng gắn trên đỉnh, cửa hình chữ U viết ngược. Bên trong thánh đường là không gian rộng lớn có rất nhiều cột hình khối lăng trụ, sàn nhà lót gạch trắng tinh tươm. Đặc biệt, toàn bộ trần nhà đều sơn màu xanh, biểu tượng cho sự tự do và hòa bình. Không gian nơi đây toát lên vẻ nghiêm trang và tĩnh lặng. Rời thánh đường, chúng tôi đi dọc theo con đường nhựa, Búng Bình Thiên bình yên trong tiếng trẻ em cười đùa hồn nhiên, những cụ già ngồi ven bờ sông chuyện trò, mái nhà sàn san sát, rợp bóng cây xanh.
Cô gái Chăm trong trang phục truyền thống |
Chúng tôi dừng chân nơi ngôi nhà sàn có cô gái Chăm mặc trang phục truyền thống, ngồi rót nước mời khách bên ô cửa. Dưới nắng chiều vàng nhạt, khuôn mặt thanh tao ẩn sau tấm khăn mỏng với họa tiết thêu khéo léo trùm quanh đầu, phủ xuống vai, lòng người trở nên xao xuyến. Những lữ khách đường xa, mang niềm vui phấn khởi được đón tiếp nồng hậu, chầm chậm bước lên từng bậc thang, tiến vào nhà trong với mâm cơm tối đã dọn đủ đầy.
Theo tục lệ người Chăm, họ thường ngồi xếp bằng dưới sàn và ăn bốc bằng 3 ngón tay. Không quá khắt khe với khách, chủ nhà - ông Mohamad Li, Phó ấp Búng Bình Thiên đã chuẩn bị đũa, muỗng chu đáo. Chiêu đãi chúng tôi là những món ăn đồng quê dân dã, độc đáo mùa nước nổi: cá linh nướng trui chấm nước mắm me ngọt thơm, bánh xèo cá linh mềm béo, cá rô kho tộ sền sệt, chua giòn gỏi tép bông súng đồng, canh chua bông điên điển cá linh cay nồng.
Bữa cơm thêm thân mật trong tiếng cười nói rôm rả giữa chủ và khách, những câu chuyện kể về phong tục người Chăm, về cuộc sống và gia đình người dân quanh Búng cứ thế kéo dài suốt buổi tối. Chia tay Búng Bình Thiên, đọng lại trong tâm trí mỗi chúng tôi nụ cười thân thiện của những đồng bào Chăm chất phác, bình dị.
Mênh mông rừng Tràm Trà Sư
Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục tham quan Rừng Tràm Trà Sư - khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đây cũng là khu rừng ngập mặn nội địa thứ 6 của ĐBSCL.
Mênh mông rừng Tràm Trà Sư |
Vừa đặt chân đến rừng tràm đã thấy một màu xanh tươi mát của bèo dâu, xen kẽ những cánh lá sen đung đưa trước gió. Ngồi trên xuồng máy, lướt trên mặt bèo, có cảm giác như đang bay trên tấm thảm thần của Aladin được dệt từ vô số cánh bèo. Muốn vào sâu trong rừng tràm, chúng tôi phải chuyển từ xuồng máy sang ghe nhỏ chèo tay để không gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến các loài chim sinh sống nơi đây.
Dọc hai bên đường, hàng cây tràm cổ thụ in bóng dưới mặt nước trong xanh. Hướng mắt nhìn xuống, những cánh bèo tấm li ti, trôi lững lờ trên mặt nước, mịn màng tựa như dải màu xanh non trải dài vô tận và tít trên cao, chi chít những tổ cò, tổ nhạn. Nắng như dừng chân nơi tán lá tràm, trả lại nơi đây không khí trong lành, không gian yên tĩnh, chỉ nghe tiếng chim hót tiếng chim hót, tiếng cò, tiếng vạc í ới gọi bầy, hiếm hoi lắm mới thấy một cánh cò trắng bay ngang. Lên đồi vọng cảnh, ngắm nhìn toàn cảnh rừng Tràm Trà Sư xanh bạt ngàn, dãy núi Thất Sơn mờ ảo trong mây.
Ấn tượng Lễ hội đua bò Bảy Núi
Cùng với niềm vui đón Lễ Dolta, Lễ hội đua bò Bảy Núi mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con Khmer vùng Bảy Núi, thường được tổ chức ở 2 huyện miền núi Tri Tôn vào năm chẵn và Tịnh Biên vào năm lẻ. Lễ hội năm nay diễn ra tại chùa Tà Miệt, có sự tham dự thi đấu của 64 cặp bò và 1 đôi bò đến từ nước bạn -Camphuchia. Đây là lễ hội mang tính cộng đồng cao nên thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân Khmer. Chúng tôi bị choáng ngợp trước dòng người lũ lượt đổ về khuôn viên chùa, chen kín các lối đi, một số thanh niên leo lên các nhánh cây để xem rõ hơn.
Những đôi bò to khỏe, tham gia đấu loại trực tiếp gồm 2 vòng, vòng đầu gọi là hô, vòng sau là thả. Nài bò chỉ được đứng một chân ở trên dàn bừa, còn chân kia đứng trên thanh gỗ nối gông cổ bò với bừa, tay liên tục vung nhánh tre săn chắc nện mạnh vào mông bò, thúc bò chạy nhanh về đích. Mỗi lượt thi đấu, 2 đôi bò bốc thăm xếp vị trí trước sau tại vạch xuất phát. Các tay nài phải có chiến thuật thi đấu khôn ngoan, nắm vững đây vàm cho chắc, không để té khỏi chiếc bừa, không để bò của mình đạp lên bừa của đối thủ phía trước. Nếu phạm các lỗi trên coi như thua trận.
Do đứng gần khu vực các “thí sinh” di chuyển ra vào sân thi đấu nên chúng tôi cảm nhận rất rõ những bước chân nước rút dậm mạnh trên nền đất, sình bùn văng tung tóe trước mặt nhưng cả chủ nài và bò vẫn lao thẳng về phía trước. Mỗi lần đôi bò nào tăng tốc qua mặt đối thủ, khán giả đứng lên, dồn về phía trước, cổ vũ, reo hò nồng nhiệt. Dù chân tay lấm lem nhưng gương mặt ai cũng tươi cười sảng khoái, tận hưởng không khí sôi động và những trải nghiệm thật thú vị. Phần tôi cũng có một kỷ niệm đáng nhớ, vì hăng say chụp những tấm ảnh đẹp của cuộc đua nên cố chen chân vào sát khu vực đấu trường và hậu quả là bị trượt chân, mém té xuống sình.
Hai ngày “lênh đênh” cùng mùa nước nổi An Giang đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm thân thương về người dân Khmer chất phác, đôn hậu; những món ăn đậm đà hương vị đồng quê. Trên chuyến xe về lại TP, một lần nữa hình ảnh cánh đồng chìm trong biển nước, không biết đâu là bờ; thoáng chốc lại hiện ra những cánh đồng xanh màu lúa mạ non, đôi ba cây thốt nốt cành vươn thẳng, tán lá xòe rộng. Khung cảnh thanh bình lướt qua liên tục trước mắt như nói lời chia tay và mong một ngày sẽ trở lại.
(NLĐ)