Tháng 4 này, Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) sẽ được tổ chức ở Bạc Liêu từ 20 - 25/4, tại Trung tâm Văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu, nhân dịp ĐCTT được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Đây là lần đầu tiên ĐCTT có ngày hội cấp quốc gia. Dù có mặt khắp 21 tỉnh thành Nam bộ, nhưng Bạc Liêu được xem là cái nôi của ĐCTT. Hậu tổ của ĐCTT là Lê Tài Khí (1870 - 1948), dân Bạc Liêu, thầy của Cao Văn Lầu (1890 - 1976). Bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ được Cao Văn Lầu sáng tác khi làm viên chức ở Bạc Liêu năm 1920. Hiện khu lưu niệm và mộ của ông ở P.2, TP. Bạc Liêu, dù quê ông ở Long An. Về Bạc Liêu, người yêu ĐCTT sẽ có cơ hội gặp các quái kiệt, các nghệ sĩ tài danh của ĐCTT, nghe kể về lịch sử hình thành, về những giai thoại kỳ thú và tham dự nhiều hoạt động hấp dẫn của Festival ĐCTT - Tình người, tình đất phương Nam.
Một góc nhà công tử Bạc Liêu
Xưa nay, Bạc Liêu nổi tiếng với đẳng cấp ăn chơi của Hắc công tử Trần Trinh Huy (1900 - 1974), con của Trần Trinh Trạch (1872 - 1942), thành viên Hội đồng tư vấn Nam kỳ, chủ ngân hàng Việt Nam đầu tiên, “tứ đại phú hộ” của Sài Gòn. Các công tử Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Khương (con Hắc công tử) cùng các đại gia Bạc Liêu thời đó như Huỳnh Văn Phước, Phan Kim Cân… cũng không hề kém cạnh. Những công tử có số má ở Bạc Liêu nhiều hơn tất cả các tỉnh miền Tây cộng lại, thói chơi ngông cũng ăn đứt các đại gia đương thời. Ngày nay, tư dinh của Hắc công tử được sửa sang lại thành điểm du lịch, có phòng lưu trú và nhà lưu niệm. Du khách có thể “làm công tử Bạc Liêu” vài ngày, nghe hướng dẫn viên Trần Trinh Đức (con Hắc công tử) kể về gia tộc mình. Nhiều hiện vật độc đáo, có giá trị vẫn được giữ nguyên.
Bạc Liêu có nhiều thứ có thể níu chân lữ khách. Vườn chim Bạc Liêu, còn gọi là sân chim nhưng rộng tới 285ha, cách trung tâm chưa đầy 6km; là bộ sưu tập phong phú về chim và động, thực vật của rừng ngập mặn. Vườn hiện có khoảng 40.000 cá thể thuộc 77 loài chim sống theo đàn, trong đó có 23 loài chim nước; ba loài quý hiếm là giang sen, đuôi cụt bụng đỏ và sả hung. Thực vật có 181 loài thuộc 145 chi và 60 họ, 125 loài song tử diệp và 50 loài đơn tử diệp. Đến vườn chim Bạc Liêu, tôi thích lần theo những lối nhỏ quanh co, khám phá vườn, xem cỏ cây và muông thú. Thích nhất là leo lên đài Vọng Điểu ngắm hoàng hôn, xem từng đàn chim vội vàng về “nhà” và những loài chim ăn đêm tất tả rời tổ. Hoặc đón bình minh, ngắm nắng vàng đánh thức vạn vật.
Chùa Cù Lao
Bạc Liêu còn là điểm du lịch tâm linh kỳ thú với Quan Âm Phật đài, các chùa Xiêm Cán (Khmer), Quan Đế (Hoa), Phước Đức cổ miếu (Việt)… những kiến trúc đặc thù của Phật giáo cả Nam và Bắc tông. Nếu chùa Cù Lao được xem là ngôi chùa rực rỡ màu sắc Khmer nhất thì chùa Hưng Thiện có tượng Phật bà cao 33m đặt trên bệ thờ cao 10m. Chiều cao tượng Phật bà tương đương chiều cao Phật Di Lặc ở núi Cấm, An Giang (kỷ lục châu Á nhờ ở độ cao 710m). Bạc Liêu còn có nhà thờ và mộ của linh mục Phansico Trương Bửu Diệp (1897 - 1946), điểm hành hương nhộn nhịp với cả những người theo đạo khác vì nổi tiếng linh thiêng. Giáo hội Việt Nam đang làm thủ tục đề nghị Tòa thánh Vatican phong chân phước cho ông…
Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, nơi diễn ra festival Đờn ca tài tử - Ảnh: TL
Bạc Liêu có nhiều món ngon không thể bỏ qua như cơm gạo đỏ Hồng Dân, bánh tằm Ngang Dừa, mắm chua cá trắm Vĩnh Hưng, bồn bồn Vĩnh Mỹ, các loại bún bò cay, bún cá, bún nước lèo, bánh xèo, bánh canh, bánh tầm, bánh củ cải; các loại lẩu mắm, lẩu cá kèo, lẩu hải sản, đuông chà là… được chế biến theo phong cách và hương vị riêng, đảm bảo ăn là ghiền, là nhớ. Nghe "giang hồ" đồn, Bạc Liêu có vùng đất mà phụ nữ tứ xứ rất khoái đến chơi là huyện Giá Rai. Chẳng biết thực hư thế nào. Hỏi dân Bạc Liêu, họ chỉ cười “Tới rồi biết!”.
Nguồn : Phunu