Tương tự như các loại thổ cẩm khác, nhưng thổ cẩm của người K’Ho luôn được nhiều du khách yêu thích. Đó không vì chất liệu đẹp mà còn có cả sự thân thiện, hiếu khách của những Mỵ Nương bản địa...
Người phụ nữ K’Ho vốn rất khỏe khi làm việc trên ruộng rẫy. Trước ngực địu con, họ có thể phát quang nương rẫy, trồng tỉa hoa màu và gùi sau lưng những vật dụng, hoa màu thu hoạch được. Nhưng không vì thế mà đôi tay người K’Ho bớt đi vẻ mềm mại, uyển chuyển. Cứ nhìn họ ngồi trên khung cửi sẽ hiểu được điều đó: đôi tay thoăn thoắt đưa con thoi, luồn sợi chỉ để tạo những hoa văn độc đáo, trên thổ cẩm hồn bản sắc dân tộc. Khu dệt thổ cẩm đặt trong ngôi nhà tre lá đơn giản bên cạnh tượng gà trống của làng. Bằng nụ cười tươi xinh, người phụ nữ K’Ho mời khách vào tham quan khu dệt thổ cẩm.
Dù dệt một tấm thổ cẩm đòi hỏi sự công phu, khéo léo rất nhiều nhưng sản phẩm làm ra được bán với giá vừa phải, phù hợp với mọi du khách. Nhiều sản phẩm phải mất hàng chục ngày đến vài ba tháng mới làm xong nhưng chỉ được bán với giá vài trăm ngàn. Nếu tính công lao động, mỗi ngày ngồi dệt, người phụ nữ K’Ho chỉ thu nhập được khoảng 15.000-20.000 đồng - nhưng nhiều người K’Ho vẫn xem đây là nghề để giữ gìn truyền thống, tạo được không gian du lịch phục vụ du khách. Người nước ngoài khi đến làng K’Long đều thán phục trước tài nghệ khéo léo của người phụ nữ bản địa. Có người xin ngồi vào dệt thử vài đường chỉ thì đã thối lui vì khó quá. Người kiên nhẫn lắm thì ngồi khoảng một giờ để dệt khoảng một tấc vải cuối cùng trong tấm thổ cẩm mình mua làm quà.
Khách đến làng K’Long đều mua vài món quà làm từ thổ cẩm đáp lại sự nhiệt tình, hiếu khách của họ. Khách vào tham quan thoải mái và tìm hiểu văn hóa bản địa suốt nhiều giờ nhưng không tốn bất cứ một khoản tiền nào. Vì vậy, mua một món quà lưu niệm là việc cần làm để giữ lại những chút vương vấn, giữ lại những nụ cười hiếu khách của làng K’Long...
Nguồn : báo Cần Thơ