Đã chuyển sang xuân nhưng tiết trời vẫn còn lành lạnh. Về Thu Xà (nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) những ngày này để lắng lòng mình trong phố xưa, nơi từng đi vào thơ ca có “nàng lai khách” mơ màng... của thi sĩ Bích Khê thì không còn gì bằng.
|
Các cô gái nhủi don trên sông Vực Hồng, Thu Xà - Ảnh: V.Q.C. |
Rời con đường Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi ồn ào, chúng tôi trực chỉ hướng đông qua những xóm nhà, những cánh đồng lúa đương thì con gái. Sau những ngày rộn rã đón xuân, các thôn nữ Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng đã ra đồng, bón thêm phân, tháo thêm nước, giữ ấm cho gốc để lúa đẻ nhánh, ra đòng. Thoáng chốc, dòng sông nhỏ đã hiện ra bên chiếc cầu dưới ngã tư quán Láng. Đò cắm sào đứng đợi dưới rặng thông ngàn trong mưa phùn lất phất, không gian như ngưng đọng trong chiều xuân.
Phố xưa Thu Xà còn nhiều ngôi nhà dọc hai bên phố theo hình chữ đinh. Thong thả nện gót qua con phố dài, thi thoảng lại bắt gặp dấu xưa đọng lại trên cột kèo một ngôi nhà cổ. Theo những bậc cao niên, từ nhiều thế kỷ trước người Hoa ly hương đã chọn vùng đất ven cửa biển Cổ Lũy và cửa Lở cuối dòng sông Trà Khúc và sông Vệ để sinh sống. Cuộc “hợp hôn” giữa cư dân người Việt và Hoa kiều trong nhiều thế kỷ đã làm nên phố Thu Xà.
Từ Thu Xà, nhiều thương thuyền ngược dòng sông Trà Khúc, sông Vệ lên vùng cao Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long mua quế, cau, chè, mật ong, sa nhân rồi xuôi dòng sông về họp lại nơi đất Thu Xà, trước khi chuyển lên ghe bầu theo đường biển chở đi bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Khi trở về, những chuyến thuyền lại chở đầy tơ lụa, hàng hóa. Tại Thu Xà, để thuận lợi cho việc vận chuyển, mua bán, cư dân đã đào sông Vực Hồng chạy dọc phố tạo cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.
Nhớ quê xưa, nhiều dòng họ người Hoa đã bỏ tiền của lập nên chùa theo từng tỉnh như Triều Châu, Phúc Kiến, lập hội quán... Theo Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn, Thu Xà trước gọi là Thu Sa. “Nơi đây nhà cửa trù mật, người Việt, người Tàu tụ hội buôn bán đông đúc giàu có. So với các hạt ở miền Nam thì phố này kém thua phố Hội An ở Quảng Nam mà thạnh hơn phố Tân Quan ở Bình Định, cũng gọi là một chỗ đô hội vậy”. Phố xưa đến nửa đầu thế kỷ 20 vẫn còn khá sầm uất. Cảnh đó, người đó đã làm nên nguồn cảm hứng để thi sĩ Bích Khê viết nên những dòng thơ sâu lắng về quê hương mình:
“Nơi đây thành phố đời ngưng mạch.
Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ
Đường lên hội quán sương khuya xuống
Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ...
(Làng em)
“Mấy nàng lai khách” chính là hiện hữu của cuộc “hợp hôn” giữa cộng đồng người Việt và Hoa kiều trên đất Thu Xà. Tháng năm và chiến tranh nên Thu Xà đổ nát. Tuy vậy, vẫn còn ngôi chùa Ông thờ đức Quan Thánh cùng ngựa hồng và hàng trăm pho tượng, mà ngày thường hay dịp Tết Nguyên đán hàng ngàn du khách vẫn đổ về dâng hương.
Dạo quanh những đường phố nhỏ, viếng nhà thờ họ Lê mà sinh thời Bích Khê còn sống, thắp hương trên mộ Bích Khê thi si tài hoa phái tượng trưng, thả mình trong thơ, nhạc... khách lại cùng nhau đi dọc sông Vực Hồng ngắm nhìn trời mây, sông, biển. Thú nhất là được xem người dân ngụp lặn dưới sông Vực Hồng, sông Tân Mỹ cào don, nhủi hến rồi ghé quán bà Thương hoặc các hàng quán ven đường nhấm nháp bát don ngọt lịm, uống rượu với những món hải sản tươi sống mà quên đi cái lạnh sau tiết đông tàn vẫn còn vương vấn dịp đầu xuân...
Nguồn : Tuổi trẻ